Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Phương là một cô gái sống trầm lặng, ít nói. Nó có một đôi mắt rất to và tròn như hai hòn bi nâu vậy. Còn khuôn mặt của nó lúc nào cũng buồn, một nỗi buồn dường như không thể nào diễn tả được! Phương sống với ông bà ngoại đã gần 6 năm nay, kể từ khi ba mẹ nó chia tay. Nó có một cuộc sống khá đầy đủ về mặt vật chất. Hàng tháng cả ba lẫn mẹ đều chu cấp một khoảng tiền kha khá để lo cho nó ăn học. Tuy vậy nó luôn cảm thấy cuộc sống của mình vây quanh chỉ là sự tẻ nhạt buồn chán, nó sống như một cái bóng không hồn và đôi lúc nó đã nghĩ đến cái chết, bởi có lẽ chỉ có cái chết mới mong có thể xoá nhoà hết đi những ký ức buồn bã của ngày xưa! Hàng ngày nó đi học về tới nhà là nó lao vào phòng riêng, nó chẳng hề để ý đến những chuyện đang diễn ra xung quanh mình! Thậm chí nó cũng chẳng có lấy một người bạn thân nào ngoại trừ một con gấu bông, mà ba nó đã tặng hôm sinh nhật lần thứ 12. Hình như đây là kỷ vật duy nhất mà nó còn giữ lại, về những ngày xa xưa yêu dấu. Cứ mỗi lần nó nhớ về ngày xưa, về khoảng thời gian mà nó được sống bên

ba mẹ của mình, về những ngày mà nó xem như là những ngày hạnh phúc nhất! Thì hai từ căm hận trong lòng nó lại càng nhân thêm nhiều hơn… Nó hận bởi vì chính ba mẹ đã cướp mất tuổi thơ của mình. Và nó đã tự thề rằng chỉ có cái chết mới làm cho nó quên đi chuyện này!

***

Ở lớp bạn bè đặt cho nó một cái nick name là:“Đồ Lập Dị” bởi mỗi khi có ai hỏi cái gì, nó đều trả lời rằng: “Không biết!” chẳng bao giờ ăn mặc đúng mốt, không thích nghe nhạc và đặc biệt nó rất ghét những bộ phim Hàn Quốc. Đơn giản là vì những bộ phim Hàn Quốc, chỉ xoay quanh vấn đề tình yêu mà trong cuốn từ điển bộ nhớ của nó không bao giờ lưu giữ hai từ: Tình YêuNghiệp Chướng. Nó đã thề với chính bản thân nó rằng, sau này sẽ không bao giờ yêu ai hết! Có lẽ là nó rất sợ sau này sẽ lập lại nghiệp chướng như ba mẹ nó ngày xưa. Mơ ước lớn nhất của nó là trở thành luật sư, một luật sư thật giỏi để sau này nó mới có thể đứng ra bảo vệ cho những đứa trẻ bị bỏ rơi như nó bây giờ. Và để có thể thực hiện được mơ ước đó, thì ngay lúc này đây nó phải ra sức học cật lực như một cái máy không biết mệt mỏi. Nó muốn chứng minh cho ba mẹ thấy rằng, không có họ bên cạnh nhưng nó vẫn có thể trở thành một con người có ích được. Vừa mới thi tốt nghiệp xong, nó bỗng nảy ra quyết định

dành một khoảng thời gian cho sự nghỉ ngơi, như để bù lại suốt những năm học cật lực vừa qua. Những ngày này chiều nào nó cũng ra biển, vì nó vốn rất yêu biển, mỗi khi đứng trước biển nó cảm thấy mình thật nhỏ bé và dường như những lúc ấy bao nhiêu phiền muộn trong lòng nó bỗng tan biến theo những bọt sóng biển li ti. Và xa xa là những tiếng rì rào của sóng biển, đang khẽ vỗ dưới chân mình. Một cảm giác tuyệt vời đối với nó!

***

Chiều hôm nay là chiều cuối cùng nó ra biển, vì ngày mai nó sẽ lên đường ra Hà Nội để ôn thi. Trời đã bắt đầu xế chiều, những tia nắng yếu ớt cuối cùng đang dần vụt tắt. Cứ mải thả hồn đạp xe từ biển Cửa Việt về tới nhà. Bất chợt, cơn mưa giông đầu hạ từ đâu kéo đến. Đang luống cuống vì không biết trú mưa ở đâu, bỗng nhiên trong tiếng mưa rơi, nó chợt nghe thấy một tiếng gọi phía sau mình.

– Chị gì ơi, sao lại đứng giữa trời mưa vậy?

Quay người lại nó nhìn về phía ngôi nhà nhỏ nằm ở ven đường, nó bỗng phát hiện thấy một cô bé đang ngồi trên chiếc xe lăn.

– Em gọi chị hả ? – Nó hỏi bằng giọng bị đứt quãng bởi tiếng mưa. Liền đáp lại tiếng gọi của cô bé đó và vừa nói nó vừa dắt chiếc xe đạp tiến về phía ngôi nhà nhỏ với những bức tường được

quét vôi màu xanh. Bước vào nhà với một dáng vẻ rụt rè, nó chưa kịp nói gì thì cô bé đó đã vội lên tiếng: – Chị cứ ngồi tự nhiên đi.

– Ừ, chị cảm ơn! – Nó đáp lại kèm theo một nụ cười xã giao hòng đáp lại lòng hiếu khách của cô bé.

Một bầu không khí yên ắng đang bao phủ lấy hai người xa lạ. Chỉ lát sau, cô bé kia lại cất giọng hỏi như thể phá vỡ bầu không khí ấy: – Thế tên chị là gì vậy?

– Chị tên Phương. – Vừa trả lời vừa đưa tay lau đi những giọt nước còn vương trên mặt, rồi hỏi lại – Vậy còn em?

– Dạ em tên Hà. – Cô bé trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ.

Một khuôn mặt nhỏ nhắn cộng thêm một đôi mắt rất tròn còn cái miệng lúc nào cũng chúm chím cười. Nó cứ ngắm nhìn cô bé và hỏi: – Bộ em ở nhà một mình thôi à?

– Dạ ba mẹ em đi làm khuya mới về .

Nó liền hỏi tiếp: – Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi? – Vừa hỏi nó vừa bước tới và quỳ xuống cạnh chiếc xe lăn.

– Em mười sáu rồi chị ạ! – Cô bé liền nhún vai đáp với vẻ hồn nhiên.

Nó liền thốt lên giọng thích thú: – Nghĩa là em thua chị hai tuổi đấy!

Chính sự cởi mở của cô bé đã làm cho nó cảm thấy tự tin hơn, một cảm giác thật gần gũi mà nó ít khi có được khi nói chuyện với những người khác.

– Thế em có đến trường học không?

Chỉ trong giây lát ánh mắt của cô bé bỗng thay đổi sắc thái, một nỗi buồn đang xâm chiếm cô bé.

– Dạ em không thể đến trường được! – Giọng của cô bé bỗng thay đổi.

Ngừng một lúc nó mới dám hỏi tiếp: – Ở nhà một mình như vậy em không thấy buồn sao?

– Dạ, em nghĩ nếu cuộc sống lúc nào cũng chỉ biết đến nỗi buồn, thì nó sẽ trở nên tẻ nhạt lắm đó chị! – Ngắt hơi trong vài giây cô bé lại hồ hởi nói tiếp – Không biết chị đã nghe câu nói “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt của một người hạnh phúc đừng bao giờ nhìn đời bằng đôi mắt của một kẻ bất hạnh”. Bởi vì mình sống đâu phải chỉ cho riêng mình đâu!

***

Nghe xong những câu nói của cô bé, tự nhiên nó mới chợt nhận ra một điều rằng đâu phải nó mới là người bất hạnh nhất. Tại sao cô bé ấy bị liệt lại không thể đến trường và cũng không thể vui chơi đi lại như những người bình thường, rồi lại phải sống trong hoàn cảnh khó khăn. Ấy vậy mà lúc nào cô bé đó cũng nhìn

cuộc sống bằng ánh mắt của một người hạnh phúc. Còn với nó thì sao? Nó không bị liệt, nó cũng được đến trường được tự do đi lại và mặc dù nó hơi thiếu thốn về mặt tình cảm nhưng những thứ ấy đâu có ý nghĩa gì nếu như con người ta không biết cảm nhận được những hương vị của cuộc sống. Trong tiềm thức của mình nó tự hỏi với chính mình rằng giá như nó được nghe những câu nói đó sớm hơn thì hay biết mấy. Nó bắt đầu chuyển từ ánh mắt tò mò sang ánh mắt thán phục.

– Ơ, sao chị lại nhìn em giữ vậy? – Cô bé tỏ ra ngạc nhiên khi thấy ánh mắt khác lạ của nó.

– Em có biết những câu nói của em vừa rồi đã làm cho chị hiểu ra một điều rằng mình thật ích kỷ, bởi lúc nào chị cũng bị ám ảnh với ý nghĩ mình là một kẻ bất hạnh nhất và mặc dù hàng tháng ba mẹ vẫn quan tâm gởi tiền để lo cho chị ăn học. Chị sống với ông bà ngoại không thiếu một thứ gì, ấy vậy mà cái cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng vẫn luôn luôn đeo bám lấy chị! – Nó vừa nói và từng giọt nước mắt như rơi theo từng câu chữ.

– Chị này, làm gì có ai là người bất hạnh nhất đâu, bởi mỗi người đều có một nỗi khổ của riêng mình nhưng cái chính là mình sẽ đón nhận nỗi khổ ấy như thế nào thôi? – Cô bé lại nói thêm – Đấy chị thấy không, đâu phải lúc nào trời cũng đổ mưa, bởi không phải lúc nào những đám mây đen kia cũng có thể che kín bầu

trời! Chị hãy nhớ rằng sau cơn mưa, tất cả sẽ trở lại như cái thuở ban đầu vốn có của nó thôi!

***

Chợt nhận thấy trong ánh mắt của cô bé đang bừng sáng lên những tia hy vọng, bỗng nhiên nó nhìn ra phía ngoài trời lúc này mưa đã tận, những tia nắng yếu ớt cuối cùng vẫn còn đang cố len lỏi qua những chiếc lá non đang nhún nhảy theo những điệu nhạc của gió. Hai bàn tay nó nắm lấy hai bàn tay nhỏ nhắn của cô bé và bảo: – Chị cảm ơn em nhiều lắm, nhờ những câu nói của em đã làm chị nhìn thấy được những điểm xấu của mình. Em nói đúng có lẽ chị nên thay đổi lại con người của mình. Sống đâu phải chỉ có nhận mà còn phải biết cho nữa chứ! – Ngừng một lúc để hít một hơi thở thật sâu rồi nó nói tiếp – Hay là chúng ta sẽ kết bạn nhé? – Nó hỏi bằng một giọng hào hứng đầy phấn khởi.

Đôi mắt cô bé bỗng trở nên mở to hơn đầy sự ngạc nhiên mà nhún vai trả lời: – Tại sao lại không chứ! – Vừa nháy mắt tinh nghịch cô bé vừa trả lời.

Cả hai cùng nhìn nhau cười, một nụ cười thật tươi và rạng rỡ và có lẽ nó chưa bao giờ có được một nụ cười thật tươi và rạng rỡ hơn như lúc này…

 

Câu chuyện một chiều mưa

Cơn mưa ập tới hối hả với những hạt to tướng. Ừ, mưa Sài Gòn là thế đó! Bất chợt ập tới khi cái nóng oi bức chưa kịp tắt, rồi hối hả bỏ chạy, khiến những chiếc áo mưa khoác trên người chưa kịp ướt. Nó đứng núp dưới tán cây bằng lăng, đôi mắt cứ thả theo những hạt bong bóng từ mưa tạo ra ở dưới mặt đường, với một vẻ thích thú khôn tả! Ừ, nó là thế mà lúc nào cũng thích ngắm nhìn những hạt mưa bong bóng trôi trên mặt đường. Thích thú khôn lường để rồi nuối tiếc chưng hửng khi nhìn những giọt bong bóng… vỡ tan.

Đường phố nháo loạn vì dòng người tất tưởi chạy trốn cơn mưa. Hình như ở nơi thành phố xô bồ này, con người rất ghét mưa thì phải, vì mưa làm gián đoạn hết mọi công việc của họ. Còn nó thì ngược lại, nó yêu mưa vô cùng bởi, nhiều lúc giữa cuộc sống tất bật này chúng ta cần có một khoảng lặng để nhìn lại chính mình. Chợt mỉm cười với ý nghĩ ngây ngô ấy, nó khẽ thì thầm câu hát: “Yêu và yêu có thế thôi. Thu về làm mưa không ngớt. Bong bóng bên mưa, bong bóng không nghe giá lạnh”. Nghêu ngao hát cùng tiếng mưa rơi, hai cánh tay vòng lại với nhau như để xua đi hơi lạnh đang phản phất đâu đó trong không gian.

“Nhưng nàng công chúa có biết chăng mưa làm người đàn ông dối gian, vì mưa chỉ yêu có chính mưa mà thôi”. Khẽ giật mình khi có ai đó đang nối tiếp câu nó định hát. Đôi mắt nâu mở to ngơ ngác khi trước mắt nó là một gã, cao lớn, tóc dài tận vai và dáng người ướt như chuột lũi, cũng đang nghêu ngao hát như nó. “Ngày xưa rất xưa ấy có một nàng công chúa, hồn nhiên như mây trên bầu trời, đùa giỡn với gió và trăng. Được tự do cùng mưa hát vang”. Gã hát xong câu đó bất chợt, nhìn nó và bảo: “Hình ảnh của nàng công chúa bong bóng rất giống em đó, cô bé ạ!”. Nó nhíu mày đáp: “Sao anh biết?”. “Thì cô bé hãy nhìn dòng người qua lại kia đi. Ai cũng hoảng hốt chạy trốn cơn mưa, còn

chỉ riêng mình cô bé là có vẻ thích thú ngắm nhìn những giọt bong bóng và còn hát nghêu ngao nữa!”. Vừa nói gã vừa chỉ tay ra ngoài đường, nơi đang ồn ào tấp nập với hàng tá xe cộ, át cả tiếng mưa rơi…

“Còn anh thì sao?”. “Tôi á?”. Gã khẽ mỉm cười rồi cất cao giọng hát: “Ngày xưa lúc thơ bé, ta thường nhìn mưa hát và khi cơn mưa như nặng hạt lại có bóng nước chợt tan. Mẹ bảo ta rằng bong bóng mưa. Và mẹ cũng đi mãi trong chiều mưa bong bóng, mẹ đi mang theo câu chuyện buồn cổ tích bong bóng và mưa…”. Câu hát buồn của gã khiến tim nó chợt nhói lên. Giọng nó thì thầm trong cổ họng như sợ sẽ làm gã buồn hơn: “Không nhẽ anh cũng vậy sao?” đôi mắt nó ngước lên nhìn vào khuôn mặt mệt mỏi và buồn rười rượi của gã. Gã nghiêng đầu nhìn nó, cười trừ nói: “Bởi mưa đã cướp mất mẹ của tôi”. Đôi mắt gã cứ nhìn xa xăm về một khoảng trời ký ức nào đó?

Nó đưa tay ra hứng những hạt mưa đang rơi, mắt ngước nhìn gã và nói: “Có phải mưa mang mẹ anh đi đâu. Tại số mẹ anh chỉ được sống tới đó thôi mà! Đừng đổ lỗi cho mưa mà tội anh ạ!”. Giọng nói hết sức hồn nhiên của nó đã khiến nỗi buồn trên khuôn mặt của gã bỗng chạy trốn đâu mất và gã bật cười, nụ cười hiếm hoi kể từ bốn mươi chín ngày là ngày mẹ gã từ biệt cuộc sống này để đi về một nơi rất xa. Nơi sẽ không có những

cơn đau hành hạ, những cơn đau làm thắt lòng tất cả mọi người trong gia đình.

Đôi mắt nâu tròn ngơ ngác chợt mở to: “Uả, bộ em nói sai hay sao mà anh cười dữ vậy?”. Nó nói kèm theo cái nguýt mắt dài sắc nhọn. “Ừ, thì tại bốn mươi chín ngày nay, kể từ khi mẹ tôi mất, hôm nay tôi mới được cười chứ bộ”. Gã gãi đầu bối rối. Nhìn bộ mặt đáng thương của gã khiến nó không nhịn được cười. “Thế á?”. Hai mắt nó tròn xoe nói tiếp: “Đấy, anh thấy chưa bất cứ thứ gì tồn tại trên thế giới này đều có hai mặt tốt xấu của nó hết và điều quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh để nhận ra và chấp nhận nó không thôi? Ví dụ như hôm nay, nếu không có trời mưa thì làm sao chúng ta có thể vô tình gặp nhau dưới cây bằng lăng này, đúng không?”. Nó nháy mắt tinh nghịch.

Nụ cười vô tư giòn tan vào tiếng mưa của nó làm nỗi buồn trong lòng gã tan ra. Gã chợt ngước mắt lên nhìn bầu trời, lúc này mưa đã ngớt và nắng lại bừng lên. Hít ra một hơi thở dài đầy tiếc nuối, nó lắc đầu nói: “Thế là hết! Bong bóng vỡ tan vì mưa đã tận, cuộc sống lại nối tiếp”. Nó liếc mắt nhìn gã mà nói thêm. “Anh có nghĩ mưa làm chúng ta refresh lại bản thân không?”. “Ừ, đúng thế thiệt. Cảm ơn nhé công chúa bong bóng!” Gã nói xong liền hít một hơi thở thật sâu căng đầy lòng ngực.

Hai người xa lạ lại đi về hai hướng khác nhau, lại tiếp tục cuộc hành trình của riêng mình. Nó và gã đang chen lấn giữa đường phố Sài gòn chập ních, tuy vậy, cả hai vừa tìm được những phút giây hiếm hoi để refresh lại chính mình, để rửa sạch những nỗi không vui trong lòng bằng chính nước mưa mát lạnh.

                                                                             Sài Gòn 13/11/2007

2 trong 1

Cô ta bước về phía tôi hai chân đúng chuẩn vẽ trên một đường thẳng. Tóc dài uốn lọn nhuộm hạt dẻ cùng làn da rám nắng, quần jeans đen bó sát phối cùng áo váy trắng hở cổ , trông cô ta bốc lửa như đến từ Châu Mỹ.

Cô ta trông thế kia, đến mình còn không chịu nổi huống chi là ông già.- Ý nghĩ vừa xẹt qua, tôi đã giật mình khi thấy cô ta đứng ngay trước mặt.

“Chào!”. Cô ta kéo ghế thản nhiên ngồi xuống.

Ngạc nhiên trước vẻ quá tự tin của cô ta nhưng tôi chỉ lạnh lùng gật đầu. Cậu phục vụ chạy đến:

“Hai anh chị dùng gì ạ?”.

Lady first tôi chỉ tay về phía cô ta.

“Một cam, không đường nhé!”.

Tôi chốt với cậu bồi bàn:

“OK. Một đen, một cam”.

Cậu phục vụ vừa khuất bóng, tôi liền ngả người ra ghế, tay đặt lên thành ghế hết sức khệnh khạng :

“Sao, tôi nên gọi cô là “mẹ kế”, haygì…gì đây? Cô giỏi lắm thì bằng tuổi em gái tôi thôi ”.

“Tùy! Nhưng mẹ kế thì không”.

Hai tay cô ta khoanh trước ngực. Tư thế thách thức như thế, vòng một gợi cảm của cô ta phô trương khiến người đối diện choáng váng. Nhưng tôi ở đây không phải để chiêm ngưỡng cô ta. Tôi trợn mắt, gằn giọng:

“Thế à?”. Ngừng trong giây lát, tôi tiếp. “Nếu đúng vậy thì làm gì có cuộc gặp gỡ này”.

Cô ta bình tĩnh nhấp một ngụm nước:

“Xin lỗi, anh cứ sổ toẹt những gì muốn nói ra đi!”.

Tôi nhếch mép cười khẩy:

“Ok. Ngửa bài nhé Theo như tôi được  biết, cô con nhà khá giả, và là sinh viên của một trường cũng khá nổi tiếng. Vậy thì…”.

Tôi còn chưa kịp nói hết, cô ta đã cướp lời:

“Hừ, cái mô-típ con nhà nghèo lên thành phố trọ học, đua đòi, túng thiếu, nên buộc phải làm “bồ” cho những đại gia nó lỗi

thời rồi anh ạ!”. Cười khẩy một cái, cô ta so vai nói tiếp. “Không lẽ chỉ những người thiếu tiền mới hư hỏng, còn chúng ta thì không?”.

Chúng ta? Sao lại chúng ta nhỉ? Chưa kịp hiểu ý nghĩa lời nói ấy, tôi ậm ừ:

“Ờ… thì chỉ có cô nào “khát tiền” mới làm nghề đó thôi!”

“Hừm, cái thời buổi này có tiền cũng có thể hư, mà không có tiền cũng có thể hư. Anh không hiểu điều đơn giản ấy sao?”.

“Có thể tôi không hiểu điều đơn giản ấy nhưng tôi hiểu rằng vì bố mẹ cô ly hôn, cô không có một gia đình hạnh phúc, nên cô cam tâm phá vỡ hạnh phúc của người khác”.Cơn tức giận của tôi được dồn đến đỉnh điểm. Đập mạnh tay xuống bàn, tôi tiếp: “Cô nghĩ gì khi đi cặp bồ với một ông già hơn tuổi bố mình hả?”.

Cô ta cũng đập mạnh xuống bàn và chỉ tay về phía tôi, quát:

“Bố anh cần tình, còn tôi cần tiền. Được chưa!”. Ngừng một lát, cô ta tiếp “Phải, vì tôi không có một gia đình hạnh phúc, nên tôi không muốn người khác có một gia đình hạnh phúc. Còn anh, anh nghĩ mình trong sạch lắm à? Anh còn nhớ hết những cô gái “qua tay” mình không? Đừng tưởng được đi du học là ngon. Vì cái học bổng ấy vốn đâu phải của anh! Chúng ta đều là những tinh hoa của cặn bã hết, anh hiểu không?”.

Khắp người tôi nổi gai ốc khi nghe những câu nói của cô ta. Hóa ra cô ta cũng đã điều tra ngược về tôi rồi. Quả thật là quá già mồm. Bất giác, tôi cảm thấy hối hận khi lúc chiều mẹ tôi đã lập ra kế hoạch thuê bọn xã hội đen cho cô ta ca a-xít vào mặt, nhưng tôi cản lại vì nghĩ cô ta cũng là người có học. Thật không ngờ cái bộ mặt xinh đẹp kia còn dày hơn bê-tông và có lẽ phải dùng a-xít mới làm mềm nó được.

“Này, cả cô và tôi đều là “những tinh hoa của cặn bã” hết và nếu cô không phải là bồ của ông già tôi thì có lẽ… cô đã nằm gọn trong tay tôi rồi đó!”. Tôi còn làm bộ thở dài “Thật tiếc nhỉ?”.

“Không có gì phải  tiếc hết! Nếu anh muốn…”.

Hai mắt tôi trợn ngược. Cố giữ bình tĩnh, tôi nói bằng giọng ngọt nhất có thể:

“Vậy một tháng ông già tôi trả cô bao nhiêu?”

Cô ta so vai trả lời:

“Cái đấy thì tùy, “sài” bao nhiêu trả bấy nhiêu!”.

Tôi khi ấy suýt bị sặc nhưng vẫn cứ tỏ ra bình thản một lần nữa:

“Kinh nhỉ! Thế bây giờ cô nghĩ gì khi tôi nói, nếu cô không buông ông già tôi ra, thì mẹ  tôi sẽ thuê người tặng cho cô một lọ a-xít đậm đặc?”.

Châm xong điếu thuốc, cô ta trả lời hết sức bình tĩnh:

“Nếu thế, anh nên về hỏi bà già anh nghĩ gì nếu tôi tung ảnh ông già anh và tôi lên mạng?”. Nghỉ trong giây lát cô ta nói thêm “Hừ, quan chức cao cấp với một con bé bằng tuổi con gái mình, chắc sẽ cực kì thu hút truyền thông đấy”.

Không hiểu sao cổ họng tôi nghẹn đắng. . Tôi đã mất thế “cửa trên” vào tay cô ta từ lúc nào không biết.

Mắt nhìn ra ngoài cửa kính, ngã người vào thành ghế, giọng cô ta đều đều:

“Thật tình tôi cũng ớn ông già anh lắm rồi. Tôi buồn nôn khi thấy ông ấy lớn tiếng rao giảng đạo đức trên báo đài … Tôi kinh tởm”. – Cô ta quay lại nhìn thẳng vào tôi: “Cáisuất học bổng của anh lại thêm cả suất sinh viên tài năng của em gái anh nữa bàn tay “ma thuật” của ông ta chỗ nào cũng với tới nhỉ?”. . Từng ngón tay cô ta vê tròn khắp thành ly, miệng tiếp tục châm chọc “Nhưng cũng phải thừa nhận, nhờ có ông già anh “giỏi giang” mà anh, tôi, em gái anh, bà già anh mới được thơm lây”.?

Tôi chết đứng như võ sĩ vừa dính quả đấm nốc-ao. Những gì định nói bay đi hết sạch ! Tôi như “mất hồn” trước bộ mặt nhơn nhơn  của cô ta. Nhưng quả thật những gì cô ta nói đều đúng! Tôi nhớ đến tuổi thơ của mình, khi đó bố tôi còn là “vị thánh” dạy tôi điều hay lẽ phải. Tôi nhớ lại những lần chứng kiến người cha hàng ngày dạy tôi phải thương kẻ yếu lại cũng là người

chẳng từ thủ đoạn cướp nhà, đoạt xe người ta. Tôi cũng từng sốc, từng muốn vặn hỏi cha tôi tại sao. Nhưng cuối cùng những đồng tiền được bơm vào ví đều đặn cho tôi mặc sức lấy le trước đám bạn khiến tôi không có thời gian đặt câu hỏi nữa…   “Này, sao thế?”. Bàn tay cô ta khua nhanhtrước mặt khiến tôi sực tỉnh. “Tôi nói đúng quá phải không?”.

Đúng thì đã sao, tôi bất chấp, chỉ tay thẳng vào mặt cô ta tôi quát dõng dạc:

“Cô thử nhìn lại mình đi. Đồ…”.

“Xin lỗi tôi chỉ là con đĩ, nhưng tiền đâu phải của ông già anh. Của thiên trả địa thôi”.…

Nháy mắt, cô ta bật dậy:

“Tôi không còn gì để nói với anh nữa. Về nói với bà già anh, tôi và ông già anh “ăn bánh trả tiền” thôi! Đừng có ghen chi cho mệt, ông ấy còn cả đống bồ nhí đó, không đủ sức để ghen đâu!”.

Dứt lời, cô ta giận dữ bỏ đi. Còn tôi bây giờ chỉ còn biết lồng lộn lên như bị đâm vào tử huyệt. Phải cho con này biết tay mới được! Mới nghĩ đến đây tay tôi đã tìm danh bạ của đám côn đồ đánh thuê. Máy còn chưa thông mắt tôi đã nhìn thấy đống tài liệu cô ta bỏ quên. Tôi đắc ý cầm lên:”Để xem là cái gì nào? Ta mà nắm được thóp con này, thì nhất định cho nó biết tay”.

Mở ra xem, tôi lẩm bẩm: “Ơ, sao toàn là danh sách các trung tâm dành cho trẻ em lang thang và khuyết tật thế nhỉ?”.

Không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Tôi phải đến xem cô ta định giở trò gì ở đó.Dừng xe trước cổng trung tâm mái ấm “Tình Thương”, đập vào mắt tôi là một đoàn áo xanh tình nguyện. Nhìn từng tốp tụi nó hăng hái làm việc, đứa thì vác từng thùng quà to, đứa quét nhà, rồi chơi đùa cùng tụi nhỏ… Đứng suy nghĩ mông lung một lát, bỗng tôi phát hiện ra một bóng  quen quen. Đúng là cô ta! Vẫn là mái tóc hạt dẻ, vẫn dáng người gợi cảm ấy, tuy nhiên, bộ váy lúc nãy đã được thay bằng áo xanh tình nguyện và khuôn mặt make-up giờ để mộc. Bộ mặt nanh nọc lúc trước cũng mềm hẳn đi. Tôi như bị thôi miên chỉ thần người đứng nhìn! Dường như cô ta đã quá quen với công việc này, tay xách những gói quà, miệng hồ hởi nói chuyện với mấy đứa trẻ, cứ như một người chị cả vừa đi xa về vậy. Tôi còn không tin vào mắt mình nữa! Chợt phía sau lưng mình, tôi nghe những tiếng xì xào bàn tán.

“Ê, tụi bây có biết con nhỏ kia không?” Một người chỉ tay về phía cô ta.

Có tiếng trả lời:

“Nó là bồ cốp đấy!”.

Tiếng khác xen vào:

“Tao biết nó. Nhà nó giàu lắm nhưng ông già nó dính vào một vụ làm ăn gây tai tiếng gì đó, nên nó bị gán đi”..

Vẫn tiếng người ấy thở dài:

“Rõ tội”..

Tôi đứng chết lặng.

                                                                                 

Cô giáo thương

Tiếng xe máy vừa vọng vào từ ngoài đầu hẻm, người ta đã thấy một bầy trẻ con chạy ra reo hò:

“A cô giáo đã về! Cô giáo đã về!”.

Đối với bầy trẻ xóm lao động ấy thì tiếng xe máy của cô giáo Thương báo hiệu thời khắc chờ đợi đã đến. Như một bầy chim sẻ sà vào người cô giáo, chúng ríu rít hỏi cô đủ thứ chuyện và kể cho cô đủ thứ chuyện, hôm nay ở nhà xảy ra chuyện gì, trong xóm nhà ai cãi nhau, đứa nào ngoan, đứa nào hư…

“Con phụ cô dắt xe vào nhà nhé”.

“Cô ơi, hôm nay bé Muối nó chưa làm bài tập đó cô”.

“Cô ơi, hôm nay thằng Khải ăn trộm sắt ở công trường xây dựng nên bị người ta đánh tím cả mắt đó”.

Cứ như vậy, đứa này nói chưa hết câu đứa kia đã chen ngang, làm náo loạn cả con hẻm. Những lúc ấy, dù có mệt đến đâu Thương vẫn tươi cười lắng nghe chăm chú.

Dắt xe vào nhà xong, Thương vội lấy ngay túi ni-lông treo trước giỏ xe. Tay phát miệng nói:

“Hôm nay, có quà của một bác ở trong cơ quan cô gửi cho các con, sô-cô-la ngoại đó. Đây của cu Bo nè, bé Hoa nè, à riêng bé Muối hôm nay không làm bài tập cô giao phải không? Vậy cô chỉ cho Muối một chiếc thôi. Lần sau nhớ làm đủ các bài tập về nhà nghe chưa. Khải đâu ra cô bảo nè, đã rất nhiều lần cô dặn em không được đi trộm cắp và không được ra công trường xây dựng rất nguy hiểm em biết không. Đây cô chỉ cho em một chiếc thôi đó”.

Phát kẹo cho từng đứa xong, Thương nói tiếp:

“Các em về tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm tối, bảy giờ chúng ta vào học nhé”.

Và dường như chỉ chờ có vậy, bầy trẻ reo hò thích thú, chạy về nhà tắm rửaăn cơm còn chuẩn bị đi học. Mười đứa trẻ của xóm trọ nghèo ấy, mỗi đứa mỗi số phận, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì cha mẹ ở tù vì giết người, trộm cướp, buôn ma túy hay làm ca-ve, cờ bạc… Chúng được sinh ra trong sự cơ cực nghèo

khổ của lớp người dưới đáy xã hội và cứ thế chúng lớn lên như cỏ dại ven đường.

Không khí ồn ào biến mất, mình Thương đưa ánh mắt đượm buồn nhìn khắp phòng. Còn nhớ ngày cô mới dọn về đây, cả xóm trọ đã nghĩ cô sẽ sớm chuyển đi sau khi bọn trẻ “hỏi thăm” đến. Ở đây, từ cái điện thoại, cái máy nghe nhạc, đôi giày, bộ quần áo đến những đồ lặt vặt không đáng tiền, cứ hở ra là mất. Ăn cắp đã thành bản năng khi được sinh ra trong những gia đình dính vào đủ mọi tệ nạn xã hội. Thế nhưng Thương ở lại từng tháng rồi từng tháng, chẳng những không bị bọn trẻ dọa cho bỏ đi, cô còn cảm hóa được chúng, thậm chí dạy chúng học chữ, học làm người lương thiện.

Hôm nay là một ngày đặc biệt khi cô chỉ còn buổi dạy cuối cùng trước khi dọn nhà đi nơi khác. Thương tự tay xếp bàn ghế chứ không để cho bọn trẻ tự xếp nữa. Cái ghế nhựa màu đỏ cô để chính giữa cho bé Muối ngồi vì cô bé nhỏ nhất lớp, còn cái ghế nhựa bị sứt một mảnh nhỏ ở chân sẽ đặt cuối lớp cho cu Khải là đứa lớn nhất lớp. Nhắc đến Khải tự nhiên nước mắt Thương trào ra, Khải là một đứa trẻ mới mười hai tuổi nhưng đã từng trộm cắp, hút thuốc, đánh bài, chơi game, chửi thề và là đại ca của

bọn trẻ. Ngày hôm trước Khải vừa sắp đặt để chồng Thương bị ngã xe, ngày hôm sau Khải lại ngang nhiên vào nhà lấy trộm điện thoại của Thương. Lúc đó bị Thương giữ chặt bàn tay đen gầy, Khải trợn mắt nhìn cô đầy thách thức:

“Cô cứ việc đưa tui lên công an phường đi, tui chả sợ đâu”.

Thương nhẹ nhàng nhưng đầy quyết đoán:

“Em yên tâm, cô sẽ không đưa em đến đó. Giờ cô muốn đưa em đi đến một nơi khác và em hãy giúp cô rủ thêm mấy em trong xóm cùng đi theo em nữa. Em đồng ý chứ?”.

Khải lại trợn mắt nhìn Thương:

“Nhìn cô vậy mà cũng đi buôn người à? Tháng trước trong xóm có một đứa bị lừa bán sang Trung Quốc, giờ cô định lừa để bán hết tụi tui chứ gì. Đừng hòng nhé!”.

Vừa nói Khải vừa giật mạnh tay hòng chạy thoát. Trong tích tắc Thương vùng đứng dậy lao ra cửa chặn Khải lại:

“Cô không bán các em mà chỉ muốn mang kiến thức về cho các em thôi”.

Câu nói đó như trói hai chân Khải lại, nó đứng nhìn Thương ẩn chứa vẻ nghi ngờ.

Sau đó Thương đưa Khải đi thăm mấy lớp học tình thương ở nơi khác, Khải sớm già dặn trước tuổi lại là đại ca của bọn trẻ nên

Khải lên tiếng là bọn trẻ nghe theo ngay. Lớp học hình thành và Thương thành cô giáo của bọn trẻ.

Những ký ức khiến Thương thần người, bất chợt chuông điện thoại vang lên:

“Em à, mẹ tìm được nhà cho mình rồi, ba hôm nữa anh đi công tác về mình sẽ chuyển nhà, em chuẩn bị nhé”.

Thương ấp úng:

“Nhưng còn tụi nhỏ… em không nỡ…”.

“Trời ơi, em làm sao vậy? Em có thể dạy cho chúng suốt đời không? Vả lại sau này con chúng ta không lẽ để nó lớn lên cùng tụi trẻ giang hồ. Em có thai hai tháng rồi đó”.

“Em biết. Nhưng…”.

Bàn tay Thương ôm lấy bụng:

“Con à, mẹ biết phải làm sao đây?”.

Tiếng Khải sau lưng làm Thương giật mình:

“Cô sắp chuyển đi à? Bộ cô không dạy chúng em nữa sao?”.

Khải chạy lại sà vào người Thương nức nở:

“Cô đi rồi ai sẽ dạy chúng em đây?”.

Ngoài cửa tiếng tụi nhỏ xì xào.

“Cô giáo khóc tụi bây ơi!”.

“Hình như cô sắp chuyển nhà đó”.

“Vậy cô không dạy tụi mình nữa à?”.

Mỗi đứa một câu, những ánh mắt tròn xoe ngây thơ, đượm buồn, ngơ ngác nhìn nhau. Chúng không hề biết rằng phía sau lưng chúng có hai người phụ nữ một già một trẻ đang theo dõi câu chuyện. Hai người ấy một là mẹ chồng, một là em chồng của cô giáo Thương. Cô gái trẻ bước đến phía tụi nhỏ nói lớn:

“Nào các em, đến giờ vào học rồi đó”.

Người phụ nữ lớn tuổi tiếp:

“Mấy đứa yên tâm đi cô nghỉ dạy sinh em bé, sẽ có cô giáo khác đến dạy thay. Ngôi nhà này bà vẫn thuê để mở lớp. Giờ gắng học giỏi đi nhé”.

Lời Tác Giả: Đây là một câu chuyện có thật đã được tôi hư cấu thêm khi trong một lần tôi tổ chức chương trình từ thiện 1/6 cho một lớp học tình thương ở quận 8. Trong cuộc sống có những người thích ở những nơi giàu có sang trọng, nhưng có những người muốn ở những nơi khó khăn, nghèo khổ giang hồ chỉ để giúp đỡ người khác. Nhân vật chính trong truyện là một nhân vật có thật ở ngoài đời và chị đã đứng ra mở lớp học tình thương cho tụi nhỏ trong xóm lao động nghèo ngay chính ngôi

nhà thuê chật chội của mình và dù gia đình nhà chồng đã tìm thuê một căn hộ mới, nhưng chị vẫn nhất quyết ở lại và duy trì lớp học một tuần 2 đến 3 buổi. Đơn giản vì họ sống bằng trái tim luôn đập để yêu thương giúp đỡ người khác. Tôi cầu mong sao lớp học vẫn được duy trì và 10 đứa trẻ kia lớn lên đều trở thành những con người có ích cho xã hội và đấy chính là cách mà các em ấy đền đáp công ơn dạy giỗ của chị ấy.

 

HẠT MƯA SA

Tiếng mưa vẫn gào thét ngoài khung cửa sổ, trong căn phòng ẩm thấp, chật chội thiếu ánh sáng cô vẫn ngồi trước gương, như đang soi lại chính cuộc đời mình. Hôm nay vừa tròn hai năm cô làm dâu trong ngôi nhà này. Đây là một ngôi nhà? Đã không ít lần cô gái giật mình với câu hỏi đó.

Cô ngồi như vậy rất lâu, trong gương là người đàn bà tóc tai rối bời, khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt trũng sâu và thâm quầng, gò má nhô cao, đen sạm.

Trước mặt cô là lọ thuốc ngủ. Chỉ cần uống hết nó, cô sẽ được giải thoát. Giải thoát, tốt biết bao! Bất chợt hình ảnh đám cưới hiện lên trước mắt cô. Ngày cô lên xe hoa, một ngày mưa tầm

tã, tiễn con gái, cha cô chỉ nói một câu: “Ngày hôm nay một nửa hồn ba đã chết, còn một nửa sẽ theo con về nhà chồng!”. Mẹ cô khi đó đứng yên như bị đóng đinh, đôi mắt khô cạn, bà thấy như đang rơi xuống chín tầng địa ngục. Con gái bà xinh đẹp, giỏi giang như thế lại đi lấy một anh chồng vừa nghèo vừa không bình thường, chưa kể bà mẹ chồng vừa nhìn đã khiến người ta sợ. Chao ôi!

Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến xa nhà đầu tiên của cô. Chẳng hiểu vì cơ duyên nào, lên thành phố trọ học cô đã chọn đúng ngôi nhà ấy để thuê.  Cô ở căn phòng nhỏ cạnh ban công. Những ngày đầu nhập học, nhớ nhà cô thường đứng ở đó nhìn xuống dưới, thấy rõ nhất là cảnh sinh hoạt của gia đình chủ nhà. Họ có bốn người, bà mẹ và ba đứa con, hai gái một trai. Người con gái thứ là trụ cột gia đình, điều hành công ty người cha để lại. Cô này xinh đẹp, thông minh và cũng rất quyền uy. Cô em gái đang học lớp mười, hồn nhiên và sống rất tình cảm. Ngày cô dọn đến căn phòng trên gác ở cô út nhà chủ nhìn cô buồn buồn, giọt nước mắt lăn dài, giọng nghèn nghẹn:

“Đây là phòng em. Chị ở giữ gìn giùm em với. Thi thoảng chị cho em tạt qua nhìn ngắm nó một tí nhé”.

Nói xong cô bé ôm mặt chạy, cô đứng lại thẫn thờ.

Bà mẹ gần sáu mươi tuổi, mắt xếch, gò má cao, miệng vổ, tối ngày tụng kinh niệm Phật, nhưng sau những lần đi lễ chùa về bà ấy lại chửi rủa nhiều hơn. Và những khi ấy, chỉ có anh con trai cả ngồi nghe, không một lời cự cãi!

Anh con trai là người người kém may mắn nhất trong nhà. Năm mười tuổi anh bị một tai nạn khủng khiếp, hôn mê sáu tháng liền, sau đó là hơn ba năm chạy chữa khắp nơi, cuối cùng anh cũng hồi phục, nhưng từ đó anh có vẻ ngu ngơ. Lớn lên mình anh lủi thủi như cái bóng trong nhà, cô đơn giữa ba người phụ nữ. Anh lúc nào cũng cười hiền từ khiến cô gái thấy mến. Lâu dần, cô bắt đầu để ý tới anh, nắm rõ lịch trình một ngày của anh, thức dậy từ bốn giờ sáng, làm quần quật cho tới gần 11h đêm. Từ việc quét nhà, đi chợ, đưa đón em út đi học, đưa mẹ đi chùa và thỉnh thoảng đứng giữ xe cho công ty em gái.

Anh cũng rất dịu dàng với cô, hàng ngày chờ cô về để dắt xe cô vào nhà, có những hôm nửa đêm cô mới về, vẫn thấy anh để đèn ngồi đợi cô. Từ lúc nào, cô bắt đầu so sánh anh với những người đàn ông khác. Cô thấy anh vụng về nhưng chân thành, không toan tính. Cứ thế, tình yêu đến với họ lúc nào không ha

Họ vội vã bước vào hôn nhân khi cô có thai. Không phải cô không đắn đo, không lo sợ, nhưng cô tin anh, yêu thương anh. Cô cũng tin khi đã thành con cái trong nhà, cô sẽ được đối xử khác. Nhưng sự thật thật khác xa những gì cô nghĩ. Bà chủ nhà thành mẹ chồng lại càng cay nghiệt với cô hơn. Không có việc gì cũng kiếm cớ mắng chửi, trút giận lên cô. May còn có chồng bên cạnh và hai cô em chồng bênh vực, động viên nên cô mới có thể nhẫn nhịn để làm tròn bổn phận dâu con.

 

Tuy nhiên qua thời gian, tâm hồn nhạy cảm của cô càng lúc càng bị tổn thương nhiều hơn bởi những lời đay nghiến độc ác của mẹ chồng. Cô càng lúc càng co mình lại. Đến hôm nay cô đã không khác gì một cái bóng. Nỗi đau đã thành câm lặng.

Tiếng khóc của đứa con kéo cô về với hiện thực. Lao tới giường ôm lấy đứa bé, cô cũng òa khóc theo:

“Cún yêu của mẹ, mẹ xin lỗi, mẹ sai, mẹ sai rồi con ạ!”.

Dỗ con khiến cô vừa bình tĩnh lại thì tiếng chuông điện thoại lại vang lên, đầu bên kia cô bạn gái rầu rĩ:

“Tao khổ quá mày ạ, tao chỉ muốn chết cho xong…”

Cô hỏi lại:

“Sao vậy? Mày luôn tự hào khi lấy được một người chồng thành đạt, đẹp trai cơ mà”.

“Ừ tao biết, tao biết chứ! Nhưng liệu mày có sống nổi không khi lấy phải một người không yêu thương mình, mà còn phản bội mình nữa chứ. Tao muốn tự tử quá”.

Nghe xong cô liếc nhìn lọ thuốc ngủ vẫn còn nguyên trên bàn. Cô không biết nên khuyên bạn như thế nào khi chính cô cũng vừa trải qua những phút giây không còn thiết tha với cuộc sống. Chợt hình ảnh người chồng ùa về, nụ cười hiền từ mỗi lần anh đứng trong bếp nấu cơm hay đến công ty đón cô. Ấp úng mãi trong điện thoại cuối cùng cô cũng nói:

“Thôi mày à, con người ta sinh ra có nhiều mục đích để sống, giờ mày chết thì để con ai nuôi, sinh ra nó thì phải có trách nhiệm chứ. Còn chồng mày để tính sau”.

Nói xong cô tắt điện thoại.

Đứa bé đã ngủ say trong vòng tay mẹ từ lúc nào, nhìn ra cửa sổ từng hạt mưa vẫn rơi, dưới nhà vọng lên tiếng mẹ chồng:

“Giờ này còn không lo nấu cơm, nó nghĩ mình là vua trong cái nhà này chắc”.

Tiếng cô em út:

“Chị dâu đang ốm, để con nấu cho, sau này con và chị ba cũng lấy chồng đấy mẹ ạ”.

Bà mẹ lẳng lặng vào phòng đóng cửa, gõ mõ tụng kinh.

Trên gác tiếng hát ru vang lên: “Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”.

 

Lời tác giả: Truyện ngắn này dựa trên một câu chuyện có thật của chính bạn tôi. Nghe xong những tâm sự của bạn tôi đã khóc đã thầm khâm phục sức chịu đựng của bạn, sống giữa sự đay nghiến của bà mẹ chồng. Có những lúc bạn đã có ý định tìm đển cái chết, nhưng vì đứa trẻ, vì người chồng ngây ngô nhưng tốt bụng đã khiến bạn dùng lại để sống tiếp. Làm thân con gái như một hạt mưa từ trên trời rơi xuống và hạt nào may mắn thì được rơi vào đài các giàu sang, còn hạt nào kém may mắn thì rơi xuống mảnh đất khô cằn, bùn lầy. Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa thì sứ mệnh của hạt mưa vẫn là tưới mát, để nãy sinh ra những

chồi non hy vọng dâng cho đời bao vị ngọt. Vậy nên là phụ nữ dù may mắn hay kém may mắn thì hãy luôn tự hào mình bạn nhé!

NHẪN

Đứng ngắm cô con gái ngủ mê mệt trên giường một hồi, người phụ nữ lắc đầu tiếp tục quét nhà. Cây chổi đưa qua đưa lại rất nhẹ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của cô gái. Lần nào cũng vậy, cứ hai vợ chồng cãi nhau là cô gái lại bỏ về nhà mẹ, lại khóc tức tưởi và lại thề: “Con chịu hết nổi rồi. Con nhất định sẽ ly hôn!”.

Ly hôn, giờ đây người ta nói ra hai từ này thật dễ dàng. Có người chỉ mới hôm qua còn ngập tràn hạnh phúc trong đám cưới xa hoa, hôm sau đã đùng đùng dắt nhau ra tòa ly dị. Hay là thời đại tên lửa, nay yêu mai bỏ là lẽ thường tình. Người phụ nữ vừa quét nhà vừa tự hỏi như vậy. Cây chổi vẫn cứ nhẹ nhàng lướt trên nền nhà, quét đi mọi bụi bặm, bất chợt nó dừng lại ở chân bàn làm việc, nơi đó có thứ gì đang lấp lánh.

Người phụ nữ vội cúi xuống, nhặt lên. Chiếc nhẫn cưới gắn kim cương tinh xảo. Bà nhẹ nhàng đặt chiếc nhẫn lên trên tờ đơn ly dị, bước ra khỏi phòng rất khẽ.

Ngăn kéo nhỏ dưới bàn thờ người chồng là nơi cất giữ những kỷ vật gia đình và cũng là nơi bà đã để ba tờ đơn ly dị của cô con gái. Bà vẫn nhớ như in ngày ấy, sau hơn một tuần đi chọn nhẫn, vợ chồng cô con gái hào hứng khoe với mẹ cặp nhẫn kim cương giá tới cả trăm triệu. Nghĩ cũng phải thôi, con gái, con rể bà đều là doanh nhân thành đạt, chúng đâu thể chọn một cặp nhẫn tầm thường được.

Thời đại thay đổi, giờ đây một tháng lương của cô con gái cũng bằng cả năm trời bà làm khi trước. Thời bà cưới, cuộc sống nghèo đến mức đám cưới cũng chỉ mời dăm ba người bạn, họ hàng đến ăn bánh kẹo chia vui, thậm chí cô dâu cũng chẳng có áo cưới mà mặc trong ngày lễ trọng đại ấy. Không như bây giờ người ta tổ chức tiệc cưới ở khách sạn năm sao hay resort. Đôi khi bà thấy mình lẩn thẩn khi suốt ngày đi so sánh cuộc sống bây giờ với ngày xưa.

Dòng suy nghĩ dẫn bà nhớ về ngày đám cưới của mình, nhà trai nghèo đến rước dâu chỉ đem theo một cặp rượu trắng dán chữ song hỷ, một ít trà thuốc cau trầu cùng một cái hộp gỗ nhỏ bên trong đựng một cặp nhẫn làm bằng sắt mà thôi. Thế nhưng chồng bà đã phải mất cả tháng trời cật lực, kỳ công gò hàn rất tỉ mỉ mới làm được cặp nhẫn khắc tên hai vợ chồng ấy.

Cưới nhau về, cuộc sống chung gặp bao khó khăn, khó khăn dẫn đến va chạm, nhẹ thì giận dỗi, nặng thì cãi lộn. Có lần bà cũng quyết bỏ về nhà cha mẹ đẻ, tuy nhiên chuyện ấy bị bố chồng phát hiện. Lập tức ông gọi hai vợ chồng lên, không hề quát mắng, chỉ nói:

“Các con à, từ giờ mỗi lần giận nhau nhớ nhìn xuống cái nhẫn mình đang đeo. Bởi chiếc nhẫn cưới ngoài biểu trưng cho việc có gia đình còn mang hàm ý vợ chồng phải biết nhẫn nhịn nhau để sống cho hòa thuận”.

Sau lần đó, hai người gần như không bao giờ cãi nhau, thậm chí người chồng mất rồi người vợ vẫn đeo chiếc nhẫn cưới đã méo mó. Còn bây giờ dường như chẳng còn ai thấy cần nhẫn nhịn nữa. Con gái bà thường bảo:

“Lương con mấy nghìn đô một tháng, con cũng có hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ ở Mỹ về, vậy cớ gì con phải nấu cơm cho chồng con”.

Bà biết xã hội bây giờ nam nữ bình đẳng, nhưng đôi khi người ta bình đẳng quá mà quên đi nếp nhẫn nhịn. Những vụ ly hôn xanh(*) đang ngày càng nhiều. Bà thắp một nén nhang cho chồng, mắt ngấn lệ:

“Ông à, giá mà vợ chồng con gái cũng biết nhẫn nhịn nhau như tôi với ông thì hay biết mấy. Ngày xưa mình thiếu thốn đến mức ngay cả chiếc nhẫn cưới cũng không mua nổi nhưng vẫn sống hạnh phúc, còn giờ tụi nó thì… ”.

(*) Ly hôn xanh: Chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm

đầu chung sống

Bà nghẹn ngào không nói hết câu. Cô con gái đứng sau lưng mẹ, bần thần cúi nhìn ngón tay gầy guộc của mẹ đeo chiếc nhẫn méo mó. Cô đã mua cho mẹ rất nhiều trang sức đắt tiền nhưng mẹ cô không thay chiếc nhẫn cưới. Bất chợt nhìn xuống đôi bàn tay thon thả trống không của mình, đêm qua cô đã ném đi chiếc nhẫn cưới.

Nhớ tới ngày trước cô đã từng hỏi mẹ vì sao người ta phải đeo nhẫn cưới. Mẹ bảo: “Đeo nhẫn là để báo hiệu mình đã có gia đình, ngoài ra nó còn nhắc nhở hai người nhẫn nhịn nhau nữa con à”. Lúc đó cô thật sự không hiểu, chỉ thấy mẹ nói rất hay.

Giờ phút này cô mới thấy chữ nhẫn thật cần thiết. Quay lại phòng, cô thấy chiếc nhẫn đặt ngay ngắn trên tờ đơn. Nhẹ đeo nó vào tay, cô biết đến lúc mình nên về nhà.

Truyện ngắn đăng trên Thế Giới Eva số ra tháng 9/2011