Ca sĩ Phương Dung xây ước mơ trên đôi nạng gỗ

Ca sĩ Phương Dung

Phương Dung có gương mặt thanh tú. Nói chuyện với cô, người ta dễ dàng nhận thấy nét trong sáng, yêu đời trong nụ cười tươi. Nếu không có đôi nạng kế bên, chẳng ai nghĩ Phương Dung là một cô gái khuyết tật. Nhưng nếu không có đôi nạng đó, chắc gì đời có thêm một ca sĩ, một diễn viên Phương Dung!

Cuộc đời Phương Dung thăng trầm như những note nhạc, nhưng cô lại biết tạo thành một giai điệu vui.

Tuổi thơ tranh đấu để được “học thật”

“Tôi nghe ba mẹ kể lại, hồi được hơn một tuổi thì tôi bị sốt bại liệt, người cứ như cọng bún, mềm oặt. Mùa nắng thì ba ẵm đi chữa bệnh, mẹ ở nhà buôn bán. Mùa mưa mẹ lại thay ba, bế tôi khi khắp nơi. Nghe được nơi nào có thầy thuốc giỏi là đi, cứ như thế 6 năm trời,” Phương Dung bắt đầu câu chuyện đời mình như thế.

Có lẽ, suốt đời cô sẽ không thể bước qua được ngưỡng cửa với đôi chân teo tóp, khi không có một “phép màu” vào năm 1990. Năm đó, một hội từ thiện của nhóm bác sĩ bên Ðức qua Việt Nam, và lên Ðà Lạt chữa bệnh. Họ lập danh sách trẻ em khuyết tật, chở về Sài Gòn chữa trị. Phương Dung may mắn có tên trong danh sách này.

Sau hai năm, Phương Dung trở về nhà với đôi nạng. Lúc đó cô đã 9 tuổi, và mới được đến trường.

Cô kể: “Ngày đầu đi học, tôi đã bị nghe những lời chọc ghẹo rất nặng từ bạn bè như ‘con què’… Tôi rất giận và bực lắm, nên thấy rằng mình cần phải có một vỏ bọc mạnh mẽ để tự bảo vệ mình, dù trong lòng chỉ muốn khóc.”

Không chỉ bị bạn bè chọc ghẹo, do đi học trễ và bị tật đôi chân nên Phương Dung cũng bị cô giáo đánh giá thấp về học lực. “Cô giáo cho rằng tôi không đủ trí thông minh để học, nên chỉ cho tôi học ngoài sổ.”

“Học ngoài sổ” có nghĩa là chỉ được đến lớp học, nhưng không được chấm điểm dù có nộp bài, không được cô giáo gọi trả bài, và nếu có giơ tay xin phát biểu cũng không được. Cô giáo e ngại nếu Phương Dung không học được, mà tên có trong sổ, lớp cô giáo ấy sẽ bị tụt hạng.

Phương Dung không biết mình chỉ là một nạn nhân của nền giáo dục thành tích. Không biết phải nói gì, cô phản ứng theo cách riêng.

Cô kể: “Lúc đó tôi bất bình lắm. Trong lớp, khi cô đặt câu hỏi, các bạn giơ tay xin trả lời, tôi cũng giơ tay, nhưng không bao giờ cô gọi tôi cả. Mỗi lần cô giáo thu tập làm bài rồi chỉ ghi chữ ‘Xem’ mà không cho điểm, là tôi xé tờ đó, xé cho đến khi cuốn tập làm bài của tôi chỉ còn hai trang bìa. Cô giáo méc mẹ. Tôi bị mẹ la, nhưng cãi lại, ‘Con đủ thông minh để học, tại sao cô không cho con học?’ ‘Tại sao các bạn có điểm mà con lại không có?’ Tôi nói mà nước mắt cứ trào ra vì uất ức.”

Từ trái: Ca sĩ Phương Dung, nghệ sĩ Thành Lễ, và nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh. (Hình: Phương Dung cung cấp)

Mẹ Phương Dung nói chuyện với cô giáo. Biết điều đó là phi lý, cô giáo cho Dung học thật. Nửa năm sau Dung đứng nhất lớp, và được chọn làm lớp trưởng. Năm lớp Hai, Phương Dung đã bộc lộ năng khiếu ca hát, nên cô giáo cho làm lớp phó phụ trách văn nghệ. Dung giữ “chức” này cho đến lớp 12, nhờ khả năng hát hay, mà còn biết tổ chức dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho trường.

Chống nạng vào Sài Gòn tìm chỗ đứng

Năm 1999, khi đang học lớp 12, Phương Dung giấu gia đình ghi danh thi Tiếng Hát Truyền Hình tỉnh Lâm Ðồng. Cô biết, nếu xin cũng chẳng được, dù không nói ra, nhưng dễ gì ba mẹ cô đồng ý!

Tự đứng thẳng bằng đôi nạng, bằng sự duyên dáng, tự tin vào khả năng của mình. Cô muốn bước ra một chân trời mới. Giải Tư cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình tỉnh Lâm Ðồng là cuộc bứt phá ngoạn mục đầu tiên của Phương Dung. Hai nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Nguyễn Nam từ Sài Gòn ra chấm thi cũng phải ngạc nhiên về giọng hát của cô gái tật nguyền với đôi mắt sáng, và nụ cười tươi. Họ khuyên cô nên vào Sài Gòn để tìm cơ hội.

Phương Dung kể: “Ðược sự khuyến khích của hai nhạc sĩ, tôi tự tin hơn. Tôi nghĩ vào Sài Gòn, cuộc sống của tôi sẽ được thay đổi, ước mơ trở thành một cô giáo dạy nhạc cho những em kém may mắn của tôi sẽ thành hiện thực.”

Treo ước mơ trên đôi nạng gỗ, Phương Dung được ba cô dẫn vào Sài Gòn để nộp đơn thi vào nhạc viện Sài Gòn. Cô nghĩ với giọng hát của mình, cùng với giải thưởng ở cuộc thi tỉnh, cánh cửa nhạc viện chắc chắn sẽ mở rộng chào đón. Nhưng đường đời không bằng phẳng như cô nghĩ.

“Họ từ chối đơn thi của tôi với lý do trường không nhận người khuyết tật. Họ đóng cánh cửa với tôi bằng một câu phũ phàng như thế.”

Phương Dung kể: “Ba và tôi ngồi thẫn thờ trước cửa nhạc viện, và tôi đã khóc rất nhiều. Tôi nghĩ đời mình không còn gì nữa, nhưng ba tôi động viên tôi, ông nói ‘không học được trường này, thì mình học trường khác, con đừng buồn.’ Nhưng tôi không cam tâm. Tại sao họ không cho tôi thi, rồi đánh rớt tôi cũng được. Tại sao tôi không được thi, chỉ vì bị tật nguyền? Có ai muốn mình phải chống đôi nạng suốt đời đâu? Câu hỏi ‘tại sao’ đó cứ dày vò tôi. Tôi khóc rất nhiều, nhưng không muốn bỏ cuộc.”

Phương Dung quyết định tìm thầy học thêm về thanh nhạc để năm sau nộp đơn thi lại. Cô muốn chứng minh mình xứng đáng được học, và không ai có thể đánh rớt cô được. Ðược người quen giới thiệu cô Mỹ An, một cô giáo ở nhạc viện, Phương Dung đến xin học luyện thi. Sau khi thử giọng Phương Dung, cô Mỹ An nhận lời kèm cô gái tật nguyền nhưng có ý chí này. Năm đó, Phương Dung không chỉ học thanh nhạc, mà còn học đủ các môn như ký xướng âm, hòa âm,… với người cô đáng kính này.

Năm 2000, một lần nữa Phương Dung nộp đơn thi vào nhạc viện. Họ vẫn không nhận vì quy định quái ác này, nhưng cho cô học ngoài sổ – Ðược học tất cả các môn nhưng không được chấm điểm.

“Tôi xem đó như sự thử thách của cuộc đời. Tôi nghĩ tất cả thử thách đều hay, vì nó giúp tôi có động lực phấn đấu. Tôi sẽ đi tiếp con đường mình đã chọn,” Phương Dung chia sẻ.

Cũng trong năm đó, cô giấu mọi người tham gia cuộc thi Tiếng Hát Phát Thanh Sài Gòn. Lặng lẽ đi thi, lặng lẽ về, chẳng ai biết cho đến khi được vào vòng chung kết xếp hạng, Phương Dung mới thú thật với cô Mỹ An nhờ dạy thêm. Nhờ sự giúp đỡ của cô giáo, Phương Dung đoạt giải Ba Tiếng Hát Phát Thanh.

“Cuộc đời tôi là những chuỗi ngày cố gắng miệt mài, có vui và không vui. Vui là do tôi tạo ra, buồn cũng vậy. Cuộc sống là của mình, cảm nhận như thế nào là do mình thôi. Thế nên nếu có buồn thì cố gắng bỏ qua một bên để mà sống,” Phương Dung tâm sự như tự động viên tinh thần, mặc cho người đời nhìn cô với ánh mắt thương hại, hay e ngại.

Cô kể về kỷ niệm lần đầu tiên đi hát: “Lần đầu tiên đi cùng cô bạn xin hát ở một quán nhỏ. Cô bạn hát ở đó xin giùm nhưng nhìn thấy tôi và đôi nạng, chủ quán e ngại từ chối. Tôi hiểu, họ cũng vì miếng cơm thôi, nếu sự có mặt của tôi làm khán giả bỏ về thì họ làm sao sống. Tuy biết vậy, nhưng tôi tủi thân lắm.”

Khi người bạn cô lên hát, ngồi ở cánh gà, nghe bạn hát một ca khúc quen thuộc, Phương Dung hát bè theo, chỉ với mục đích làm bài hát được hay hơn. Không ngờ khi bạn cô hát xong, những tràng vỗ tay khen ngợi nổi lên đồn dập. Cô nghĩ khán giả khen bạn mình, nhưng khi nhiều người đến chỗ cô ngồi tặng hoa, cô mới biết những tràng vỗ tay đó dành cho mình.

Vai diễn như cuộc đời

“Tôi đi hát từ đó. Tôi cần khán giả, và yêu công việc, thế thôi.” Phương Dung kể:

“Lúc đó vừa học, rồi đi hát kiếm tiền trang trải tiền trường, tiền nhà, tiền ăn uống. Cuộc sống khó khăn, và kham khổ lắm. Năm 2002, đài truyền hình tìm một người khuyết tật đóng bộ phim. Chỉ còn 1 tuần nữa bấm máy thì đạo diễn đến tìm tôi. Dù chưa xem kịch bản, nhưng khi nhìn thấy tựa phim ‘Xe Lăn’ là tôi bị dội, vì từ nhỏ tôi đã rất ghét ngồi xe lăn, nó rất gò bó, không thoải mái. Người bạn yêu quý của tôi là cặp nạng này.”

Phương Dung (phải) song ca cùng ca sĩ Như Quỳnh trên sân khấu “Ngọc Trong Tim.” (Hình: Phương Dung cung cấp)
Ðạo viễn Vũ Thành Vinh cố thuyết phục Phương Dung. Khi gặp và nói chuyện với cô, anh hiểu cô chính là nhân vật anh tìm kiếm, chỉ có cô mới vào vai Hạnh trong “Xe Lăn” trọn vẹn. Sau một đêm đọc kịch bản và suy nghĩ, Phương Dung quyết định tham gia bộ phim này “không phải vì muốn trở thành diễn viên, mà nghĩ đây là việc mình nên làm.”

Cô chia sẻ: “Nếu tôi thành công trong bộ phim, các bạn khuyết tật sẽ rất tự tin, vì nghĩ người bình thường làm được thì người khuyết tật làm cũng được. Thứ hai người xem phim sẽ có cái nhìn khác với người khuyết tật, vì nội dung phim nói đến sự bất công đối với người khuyết tật. Vì cái nhìn thiển cận của người đời, nhiều khi người khuyết tật bị đối xử không công bằng, thậm chí bị xem thường, đôi khi còn bị nhục mạ. Nếu tôi thành công, bộ phim có tiếng vang, tôi nghĩ người đời sẽ nhìn người khuyết tật với cái nhìn trân trọng, yêu thương.”

Bộ phim “Xe Lăn” được khán giả và giới phê bình đánh giá cao, và năm 2003, “Xe Lăn” đoạt giải Mai Vàng của báo Người Lao Ðộng, Phương Dung đoạt giải Nữ Diễn Viên Xuất Sắc.

Trong bộ phim “Xe Lăn,” cô bé Hạnh xếp một ngàn con hạc với mong muốn được gặp mẹ. Ở ngoài đời, Phương Dung cũng xếp hạc để ước mơ…

Ðến với “Ngọc Trong Tim” và chuyến xuất ngoại như mơ

Sau khi đóng phim “Xe Lăn,” nhiều người biết Phương Dung còn là một ca sĩ nên cũng có những lời mời đi hát, nhất là những chương trình xã hội, giúp trẻ em kém may mắn. Cô được đi nhiều nơi gặp gỡ các em kém may mắn. “Tôi cảm thấy mình cần làm việc đó giúp cho các em có sự tự tin.” Phương Dung cho biết.

Ðược nhà biên kịch Minh Ngọc giới thiệu nghệ sĩ Thành Lễ, một trong những thành viên sáng lập nhóm “Ngọc Trong Tim” tại Hoa Kỳ, hoạt động nghệ thuật của Phương Dung bước sang một trang mới.

Cô kể:“Tôi rất cảm kích công việc anh Thành Lễ và nhóm ‘Ngọc Trong Tim’ đang làm. Chị của anh cũng bị khuyết tật và đã qua đời ở tuổi 23, và giờ anh đang dốc sức giúp những người khuyết tật như tôi. Anh đang làm một sứ mệnh. Chỉ có người nghệ sĩ với trái tim tràn đầy tình yêu thương mới làm được như thế.”

Năm 2014, Phương Dung được “Ngọc Trong Tim” mời qua Mỹ trình diễn. Một chuyến đi “có mơ cũng không dám nghĩ tới.”

“Trên máy bay, tôi và hai chị em Thanh Hằng, Thanh Hà phải cấu véo nhau xem mình đang mơ hay là sự thật. Chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy mình đau thiệt. Ðó không phải là mơ. Ở Mỹ, bất cứ sân khấu nào chúng tôi cũng được trân trọng. ‘Ngọc Trong Tim’ là nơi giúp chúng tôi tỏa sáng thực sự, mà không hề đòi hỏi chúng tôi bất cứ điều gì, các anh chị dù rất cực, nhưng lại không có chút lợi riêng nào. Tôi nghĩ, khó có tổ chức thứ hai có thể làm được như thế. Tôi rất tin tưởng anh Thành Lễ.”

Vẫn đi tìm “một nửa cuộc đời”

Một cô gái có gương mặt thanh tú, giọng hát hay nhưng chẳng may bị bại liệt, với nhiều người khác, đó là sự bất hạnh.

Phương Dung lại không nghĩ thế: “Trời không cho tôi đôi chân bình thường, nhưng bù lại, ông cho tôi nhiều thứ khác. Tôi nghĩ mình là người may mắn chứ không bất hạnh. Trời cho tôi trái tim của người nghệ sĩ, có đam mê để hướng tới. Trái tim nghệ sĩ rất nhạy cảm và rất dễ rung động. Tôi đã yêu và được yêu, đó là hạnh phúc khi cho và nhận. Có thể nhờ được trải nghiệm trong tình yêu nên cách thể hiện bài hát có hồn hơn. Tôi rất cảm ơn những cuộc tình sau những lần tan vỡ. Nó cho tôi nhiều cảm xúc vui buồn trong bài hát. Tôi thấy đời mình vậy là hạnh phúc.”

Với Phương Dung, gặp nhau được là duyên, bên nhau suốt đời là nợ. Duyên hay nợ cũng từ chính mình.

Cô chia sẻ: “Tôi yêu thương họ và họ yêu thương tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ một điều là đôi lúc không phải tôi không tự tin, nhưng liệu mình có đi đến với họ đến cuối đường hay không, hay mình sẽ trở thành một gánh nặng cho họ. Tôi từng trải qua hoàn cảnh éo le, khi đến với một người, nhưng gia đình họ rất e ngại khi con trai họ quen với một người tật nguyền như tôi. Ðó là rào cản tinh thần, khó ai dám vượt qua. Ðiều đó dễ hiểu và dễ thông cảm thôi, vì cha mẹ nào cũng muốn con mình có tương lai và gặp một người hoàn hảo. Và tôi cũng không muốn người yêu mình phải đứng giữa tôi và gia đình họ. Ðương nhiên, tôi vẫn chờ một người vì tôi bước qua được rào cản đó. Tôi nghĩ trong cuộc đời mình có một nửa đó, nhưng chưa biết ở đâu thôi.”

Sự ra đi thanh thản của họa mi áo trắng

Cơn mưa tầm tã suốt dọc đường từ Sài gòn đến Biên Hòa che mờ hết tầm nhìn. Tôi thầm nghĩ, mưa như thế này, có lẽ đám tang bác sĩ Kiều Thanh Hà sẽ vắng lắm, vì khách không đến viếng được.

Mưa lớn, chúng tôi phải dừng lại gọi điện hỏi đường mấy lần. Nhưng thật ngạc nhiên, dù cơn mưa tầm tã kéo dài trên diện rộng, nhưng người đến viếng vẫn rất đông.

Và ngạc nhiên hơn nữa, nhiều người biết tôi, gọi đúng tên tôi và chia sẻ, họ biết rõ bác sĩ chúng tôi ở chương trình “Dĩa cơm trên tường”. Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng hiểu ra ngay.

Bởi những người đến viếng bác sĩ Kiều Thanh Hà, ngoài những người thân quen còn có cả những người biết và cảm mến cô ấy, qua những công việc thiện nguyện mà cô ấy làm cho cộng đồng.

Bác sĩ Kiều Thanh Hà làm từ thiện một cách hết sức tự nhiên, cứ như bác sĩ sinh ra làm việc này để phục vụ cộng đồng. Ở cô luôn toát ra một vẻ thanh khiết, hồn nhiên, luôn có một sức hút mạnh mẽ với những người xung quanh.

Chính tôi cũng biết bác sĩ Kiều Thanh Hà thông qua các chương trình giúp đỡ trẻ em nghèo, đặc biệt là các bệnh nhi đang điều trị tại các bệnh viện nhi đồng của cô ấy.

Là một trong những người đầu tiên biết về bệnh tình của bác sĩ Hà, tôi không khỏi khâm phục tinh thần lạc quan, và sức cống hiến của cô.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, bác sĩ Hà lấy đâu ra nguồn năng lượng để luôn giữ mình năng động, hồn nhiên, luôn nuôi dưỡng sự lạc quan, yêu đời, ngay cả khi mang trong mình trọng bệnh.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Kiều Thanh Hà gặp một tình huống, mà người khác, ngay cả tôi, cũng khó giữ được sự ôn hòa. Đó là khi các bác sĩ điều trị vì lý do gì đó, đã làm chậm quá trình điều trị.

Dù hoàn toàn hiểu rằng, việc làm chậm quá trình điều trị có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị, nhưng bác sĩ Kiều Thanh Hà chỉ góp ý nhẹ nhàng, và không cho tôi can thiệp vào, vì sợ làm tổn thương đồng nghiệp.

Tôi không hiểu về âm nhạc, nhưng tôi rất thích nghe bác sĩ Kiều Thanh Hà hát. Nói cho đúng là tôi thích các clip quay cảnh cô ấy hát. Bác Hà hát với tất cả sự say sưa, nhưng lại nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi. Và bác sĩ mang tiếng hát ấy ra đường phố, tự nguyện làm một kẻ du ca, xin tiền để giúp cho trẻ em nghèo.

Nhiều người vẫn còn nhớ, bác sĩ Kiều Thanh Hà là một trong những bác sĩ tham gia hát trong Đêm nhạc Dĩa cơm trên tường lần đầu tiên. Với bản tính hết mình cho công việc thiện nguyện, bác sĩ đã say sưa tìm cách kéo khán giả về cho Dĩa cơm trên tường. Chính vì vậy mà cô đã bị hiểu lầm. Tôi nợ bác sĩ Kiều Thanh Hà, vì không bảo vệ được cô.

Thật tiếc, khi tôi có thể trả món nợ ấy, thì tình trạng sức khỏe đã không cho phép cô tiếp tục hát. Không chỉ không thể hát trên sân khấu Dĩa cơm trên tường, mà dự định tổ chức hát tại đường đi bộ Nguyễn Huệ để gây quỹ cho người nghèo của cô cũng không thể thực hiện được.

Bác sĩ Kiều Thanh Hà lưu giữ bài báo viết về mình đăng trên báo Phụ Nữ

Hàng loạt dự án cho trẻ tự kỷ được bác sĩ Hà nhanh chóng triển khai. Thỉnh thoảng, tôi nhắc cô cần giữ gìn sức khỏe. Sau này, bác sĩ Hà rất ít khi cho tôi biết tình trạng bệnh của mình. Mãi đến khi nghe tin cô trở bệnh nặng tôi mới hiểu, thì ra cô đã vội vã để hoàn tất những gì cô mong muốn để lại cho trẻ tự kỷ.

Tôi chưa bao giờ được làm nghề chung với bác sĩ Hà, nhưng tôi đã tiếp xúc với một số gia đình các bệnh nhân do bác sĩ Hà điều trị, và một số cháu bé được cô giúp đỡ. Họ cho biết, các cháu gọi bác sĩ Kiều Thanh Hà là mẹ Hà, hay bác sĩ Cô Tiên với vẻ hết sức trìu mến.

Đứng trước linh cữu bác sĩ Kiều Thanh Hà, tôi thầm nghĩ: “Thôi thì món nợ trần gian đã dứt. Em đã cống hiến cho đời rất nhiều, những điều mà không mấy người làm được. Hãy yên lòng ra đi, thật nhẹ nhàng, thật thanh thản. Những người có mặt, và cả những người không có mặt ở đây hôm nay, sẽ tiếp tục những công việc mà em đã làm”.

Họa mi áo trắng ra đi thanh thản!

Chuyện tình của cô gái Việt tý hon 1m27 cùng người đàn ông Mỹ cao 1m75

Sở hữu một chiều cao vô cùng khiêm tốn 1m27 do bị suy tuyến yên từ lúc mới sinh ra. Thế nhưng Phạm Thị Khánh Xuân, lại có được một tình yêu đẹp với anh chàng người Mỹ cao 1m75.

Sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 6 anh chị em tại huyện Xuân Lộc – Đồng Nai, Phạm Thị Khánh Xuân phải mang trong mình nhiều bệnh tật từ khi sinh ra, và không những vậy cô gái sinh năm 1981 này còn mất mẹ vào năm lên 8.

Dù chỉ sở hữu chiều cao như một đứa trẻ 10 tuổi, nhưng Khánh Xuân vẫn cố gắng học hết đại học và tự mình kiếm một công việc làm để nuôi thân tại Sài Gòn.

Gần 10 năm bươn chải làm nhân viên cho một công ty tại Sài Gòn, vừa làm vừa học đại học. Cô gái “bé hạt tiêu” này đã phải trải qua nhiều mặc cảm về ngoại hình, thậm chí, nhiều công ty còn từ chối nhận việc dù năng lực cô rất giỏi.

Và với những mặc cảm ấy đã khiến cô không bao giờ dám mơ ước về một tình yêu thực sự, về một gia đình hạnh phúc, chứ đừng nói gì đến việc một ngày nào đó mình sẽ được lấy chồng nước ngoài.

Khánh Xuân – cô nàng sở hữu chiều cao khiêm tốn, 1m27.

Mối tình cách nửa vòng trái đất

Nhưng cuộc sống vẫn có những câu chuyện cổ tích dành cho những cô gái không đầu hàng số phận. Trong một lần tình cờ tìm công việc làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vô tình qua giới thiệu bạn bè ở Mỹ, cô biết tới một công ty chuyên buôn bán ô tô cũ và lúc đó anh Freddie Scott Neugebauer, sinh năm 1963 (người chồng hiện tại) là ông chủ của công ty này.

Hàng ngày công việc chủ yếu của cô là đăng tin rao bán xe cũ lên các trang web chuyên về mua bán xe hơi cũ. Cách nhau nửa vòng trái đất nên Khánh Xuân và sếp của mình chỉ có thể trò chuyện, trao đổi công việc thông qua email và mạng xã hội.

Thế rồi những dòng thư trao đổi công việc hàng ngày đã vô tình gắn kết 2 trái tim cách nhau nửa vòng trái đất. Gần 1 năm sau đó, Freddie Scott Neugebauer quyết định sang Việt Nam để cầu hôn nữ nhân viên tý hon của mình.

Dù đã biết về căn bệnh của Khánh Xuân, nhưng Freddie Scott Neugebauer vẫn yêu thương chăm sóc cô, gặp ai cũng giới thiệu một cách đầy tự hào răng đây là người vợ xinh đẹp của mình.

Sau khi làm lễ đính hôn tại Việt Nam, Khánh Xuân theo chồng qua Mỹ định cư và tổ chức một đám cưới tại đó.

Cưới nhau vài tháng, hai vợ chồng đón nhận tin vui tột cùng khi Khánh Xuân mang bầu song sinh. Dù quá trình mang thai vô cùng vất vả vì sức khỏe của Xuân khá yếu, nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ và đặc biệt là của người chồng mà cô đã vượt cạn thành công.

Sức khỏe của 3 mẹ con đều tốt, hiện hai bé Victor Pham Neugebauer và Ethan Tran Neugebauer đã được 13 tháng tuổi rất kháu khỉnh.

Khánh Xuân hiện đang có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình.

Khi được hỏi lý do vì sao lại yêu và cưới một cô gái Việt Nam có thân hình “tý hon” như Khánh Xuân thì anh Freddie Scott Neugebauer chia sẻ: “Vì cô ấy là người có ý chí tự lực cánh sinh, rất tự tin và luôn cố gắng sáng tạo và tìm tòi trong công việc. Cộng thêm đó là người rất chăm chỉ, dù xuất phát điểm ban đầu vốn tiếng Mỹ rất ít, nhưng vẫn luôn chịu khó học hỏi”.

 Hiện nay đôi vợ chồng đang định cư tại thành phố Festus thuộc bang Missouri – Mỹ. Họ có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc bên hai bé trai xinh xắn như bao đôi vợ chồng trẻ khác. Hàng ngày, Khánh Xuân ở nhà chăm hai bé, còn chồng mở một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm về thảm cho các công trình xây dựng.

Nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

Những người phụ nữ khuyết tật không thiếu nghị lực để sống, để hòa nhập với xã hội và để vươn lên trong cuộc sống. Nhưng con đường họ phải đi quá gian lao và đầy ánh mắt e ngại…

“Chúng tôi không muốn dựa dẫm”

Dù dị tật đôi chân nhưng chị Xuân Thủy (quận 8) vẫn không cam chịu số phận dựa dẫm cả đời vào gia đình. Chị luôn tự nhủ: “Mình đã không đi được bằng đôi chân thì mình vẫn còn đôi tay”.

Vậy là chị tham gia tập luyện và trở thành vận động viên bơi lội của TP, năm nào cũng giành được nhiều huy chương vàng của các giải thi đấu dành cho người khuyết tật (NKT). Tự biết thể thao cũng không nuôi sống được mình, chị cố công tìm một công việc cho bản thân. Cuối cùng, chị quyết định học nghề chăm sóc thẩm mỹ. Đến nay chị cũng đã có một công việc ổn định.

Sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác, nhưng cơn sốt năm 1 tuổi đã làm đôi chân chị Huỳnh Anh khôngphát triển bình thường được nữa, nó teo tóp dần. Dù vậy, chị chưa từng nghĩ cái tật ấy cản trở con đường học tập và phấn đấu của mình. Chị vẫn đến trường đều đặn như những người bạn cùng trang lứa và cũng tốt nghiệp đại học với thành tích chẳng hề kém ai.

Lấy chồng cũng là một NKT, sinh 2 đứa con, gánh nặng gia đình đè nặng trên vai người phụ nữ khuyết tật nhỏ bé nhưng chị chưa từng nản lòng và làm quần quật cả ngày để có thu nhập chăm lo cho gia đình. Chị còn cố dành ra một khoản tiền nhỏ hàng tháng để lập quỹ học bổng “Ngọn nến niềm tin” cho các em KT khó khăn mà mình biết.

Chung số phận, chị Hoàng Yến cũng bị tật chân sau cơn sốt bại liệt năm ba tuổi, một chân của chị mất khả năng vận động, chân còn lại rất yếu. Chị chỉ có thể di chuyển bằng nạng trong một quãng đường ngắn.

Thế nhưng chị vẫn cố gắng học tập, ganh đua với xã hội. Đến nay chị đã có hai bằng đại học, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học hành vi tại ĐH Kansas, Hoa Kỳ với khóa luận xuất sắc, làm Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển của ĐH Mở TPHCM, nhận được nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế về hoạt động nghiên cứucống hiến cho cộng đồng NKT Việt Nam…

Chị Phạm Chi Lan, Giám đốc Công ty Trái tim hồng, một NKT thành đạt chia sẻ: “Chúng tôi không muốn dựa dẫm, muốn vươn lên hòa nhập cộng đồng bằng chính đôi tay và khối óc của mình”

Những cơ hội xa vời…

Để đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, mọi người đều phải nỗ lực. Nhưng đối với NKT nói chung và phụ nữ KT nói riêng, nỗ lực ấy càng phải lớn lao vô cùng…

Để đạt được những thành công hôm nay trong ngành thể thao NKT, chị Xuân Thủy đã mất không biết bao nhiêu ngày tập luyện trong khó khăn, thiếu thốn. Để có một công việc ổn định, chị cũng phải kiên trì tìm kiếm, học tập và cạnh tranh với nhiều người…

Để có thành công hôm nay, chị Hoàng Yến cũng mất gần 30 năm tuổi trẻ cho việc học tập, học từ trong nước đến nước ngoài để chứng tỏ mình không thua kém mọi người. Chị tâm sự: “Khi vừa tốt nghiệp Đại học, tôi đi tìm việc ở nhiều nơi, phỏng vấn thì ai cũng hài lòng với năng lực của mình nhưng khi thấy đôi chân của tôi thì họ lại e ngại. Điều đó càng khiến tôi cố gắng học tập nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn để thay đổi nhận thức xã hội, hỗ trợ NKT phát triển hoàn thiện hơn”.

Còn con đường của chị Huỳnh Anh cũng không kém chông gai. Chị đã mất không biết bao nhiêu lần tìm việc trước ánh mắt e ngại của mọi người, chị cũng đã 5 lần đổi việc mới có công việc ổn định và thu nhập tạm ổn như hiện nay. Chị tâm sự: “Cuộc sống luôn khó khăn đối với mọi người, phải thích nghi với mọi hoàn cảnh để sống tốt hơn. Hãy chấp nhận rồi tự bản thân điều chỉnh”…

Thế nhưng, trong số 6,1 triệu NKT Việt Nam có bao nhiêu người có nghị lực và tài năng như Huỳnh Anh, như Hoàng Yến, như Xuân Thủy… để vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực để đạt được điều bình thường nhất trong cuộc sống: một công việc bình thường và ổn định?

Chị Thanh Phương, chủ cơ sở Thêu Cuộc sống, tâm sự: “Trước đây, khi đi tìm việc, tôi cũng từng gặp những cái nhìn nghi ngại của nhiều người. Nhưng với nghị lực của mình, tôi đã vượt qua tất cả và tạo dựng cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho chị em cùng cảnh. NKT không thiếu nghị lực, chỉ mong sao nhà nước, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện giúp họ có việc làm, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.

CÂU CHUYỆN LÀM CHỦ CUỘC SỐNG CỦA LAN

“Dạo này em được học nhiều kĩ năng mới lắm. Em không chắc là em thích theo nghề vi tính hay nghề may nữa.” Mười tám tuổi, Lan đang phân vân giữa hai hướng nghề nghiệp. Hơn một năm trước, cơ hội lựa chọn này đối với em là điều gần như không tưởng.

“Em học hết lớp 7 thì bố mẹ buộc phải để em ở nhà. Em giúp bố mẹ những việc lặt vặt, nhiều khi chẳng làm gì cả và cảm thấy nhàm chán vô cùng. Em chẳng có người bạn nào. Hàng xóm và mấy bạn khác cứ chỉ trỏ và trêu chọc em.”

 

Cao xấp xỉ một mét, lưng gù và mắc bệnh hen suyễn, tương lai của một đứa trẻ khuyết tật như Lan tưởng như đã khép lại.

Theo số liệu từ nhà nước, hiện nay tại Việt Nam có ít nhất 1.3 triệu trẻ em khuyết tật, hơn một nửa trong số đó không được tiếp cận với giáo dục. Khắp nơi trên thế giới, trẻ em khuyết tật gặp nguy cơ cao bị đối xử thô bạo, bị bóc lột và lạm dụng. Phần nhiều các em không được bảo vệ, thậm chí không được nhìn thấy.

 

“Trẻ em mắc những khuyết tật về mặt thể chất, tri giác, trí tuệ hay cảm xúc là một trong những bộ phận trẻ em bị bêu xấu và xa lánh nhất. Sự hiểu lầm và e sợ đối với trẻ khuyết tật khiến các em bị đẩy ra bên lề gia đình, cộng đồng, nhà trường, và xã hội nói chung. Sự kì thị ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe và việc giáo dục các em, cũng như tác động tiêu cực đến lòng tự trọng và khả năng hòa nhập với mọi người xung quanh,” bà Lê Hồng Loan, trưởng bộ phận Bảo Vệ Trẻ Em của UNICEF giải thích.

Trung tâm Hoa Vàng – trung tâm hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật

Hoạt động từ năm 2011, trung tâm Hoa Vàng, một trong ba trung tâm dành cho trẻ khuyết tật được UNICEF hỗ trợ tại ngoại ô thành phố Đà Nẵng, mang đến một môi trường thân thiện và an toàn để giúp các em học tập và hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh việc học các nghề cơ bản, các em còn có cơ hội hiếm hoi được giao lưu với các bạn và tập vật lí trị liệu. Vào các ngày trong tuần, các em đến học vào ban ngày và về nhà vào buổi chiều. Trong lúc đó phụ huynh có thể làm việc để kiếm thêm thu nhập, bên cạnh việc xây dựng một môi trường mang tính khích lệ cho các em ở nhà.

“Trước đây em chẳng dám nói gì khi mọi người cười nhạo em. Bây giờ em muốn bảo họ rằng: Mình là một con người có ích. Mình biết dùng máy tính và mình có bạn bè. Đừng trêu mình như vậy nữa, mình có một tương lai phía trước.”

Mười tám tuổi, cao xấp xỉ một mét, lưng gù và mắc bệnh hen suyễn, đánh máy thành thạo và may vá khéo léo, có bạn bè và dự định trở thành một thợ may, Lan đã có được cơ hội để hòa nhập với cộng đồng và làm chủ tương lai của mình.

Nể phục trước cô gái khuyết tật đoạt 21 huy chương vàng

Cơn sốt lúc 3 tuổi khiến Nguyễn Thị Sa Ri bị khuyết tật đôi chân. Thế nhưng, cô gái trẻ đã làm nên những kỳ tích, trong 21 huy chương Vàng cô đạt được, có 3 chiếc tại thế vận hội Đông Nam Á.

Sa Ri hiện 28 tuổi, cô quê Cần Đước, Long An. Ngày bé, khi bị mất khả năng đi lại, Sa Ri có thất vọngnhưng không mất hết hy vọng. Khao khát đi học, 9 tuổi Sa Ri bắt đầu đến trường bằng đôi chân chị gái. Rồi đi học bằng xe lăn, hết lớp 12 Sa Ri đi học nghề ở Sài Gòn. Nhưng khao khát lớn của Sa Ri là vẫn được làm một sinh viên.

Một lần đi xin việc, Sa Ri gặp bác Trần Hoàng Minh, chủ gia đình Mùa Xuân, nơi giúp đỡ những người khuyết tật. “Thấy Sa Ri muốn đi học đại học, tôi khuyên Sa Ri đi tập luyện thể thao để thi đấu, có huy chương có tiền thưởng để đóng học phí”, bác Hoàng Minh nhớ lại.

Và Sa Ri chọn bơi lội. Đó là năm 2007, đôi chân tật nguyền lần đầu tiên xuống nước tập bơi. Khó khăn hơn người thường rất nhiều nhưng chỉ 6 ngày tập luyện, cô đã bơi được 50m. Ba tháng sau đi thi bơi toàn quốc ở Huế, Sa Ri gặt hái được ba huy chương Vàng.

Gia đình Mùa Xuân của Sa Ri ở quận Tân Phú ngoài những hoa xoắn giấy, hoa đất sét, quần áo… do người khuyết tật gia công còn rất nhiều huy chương, bằng khen treo trên tường. “Nhiều nhất là của Sa Ri”, bác Hoàng Minh khoe. Người cha của 30 đứa con khuyết tật, ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ từng chiếc huy chương Sa Ri đạt được. 21 huy chương Vàng cả trong nước và quốc tế, trong đó nổi bật nhất là ba huy chương Vàng Paragames 5 (Đại hội thể thao cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á) tại Malaysia cùng danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất Paragames 5.

Sa Ri tâm sự: “Nhờ có huy chương, thành tích nên mình có học phí đi học, mình chọn học tiếng Anh để giao tiếp nhất là những lúc ra nước ngoài thi đấu. Mình vừa tốt nghiệp ở trường. Thời gian trôi nhanh quá”.

Tốt nghiệp, lại thêm một nấc thang được cô gái khuyết tật bước qua để đi lên nấc thang mới còn đầy chông gai phía trước. Chưa biết sẽ ra sao nhưng chắc chắn Sa Ri vẫn cứ bước đi như cô từng bước qua mọi khó khăn suốt 28 năm qua.

Dưới đây là hình ảnh cuộc sống trong một ngày của Sa Ri:

Gia đình Mùa Xuân, nơi Sa Ri sống là nơi ở của 30 con người khuyết tật do bác Trần Hoàng Minh lập nên. Đó là một căn nhà thuê với giá 4 triệu, những người khuyết tật cùng nhau gia công các sản phẩm hoa xoắn giấy, tranh thêu, may mặc… trong gia đình

Người dân ở chợ nhỏ gần gia đình Mùa Xuân đã quá quen thuộc với hình ảnh cô gái trên xe lăn đi chợ.

Bữa ăn đạm bạc với khẩu phần chủ yếu là rau.

Đều đặn Sa Ri ra hồ bơi tập luyện để giữ vững phong độ. Cô được miễn phí hoàn toàn chi phí tập luyện.

Những thành tích đạt được ngày hôm nay, ngoài nỗ lực từ bản thân thì còn có sự góp sức rất nhiều của bác Hoàng Minh, người mà Sa Ri xem như cha mình.

Lớp học của người thầy khiếm thị

Bị khiếm thị và mất nửa bàn tay trái từ khi 13 tuổi, nhưng anh Duy vẫn cố gắng lấy được tấm bằng ĐH Sư phạm, rồi mở mái ấm Hướng Dương lấy chỗ nuôi dạy 21 trẻ khuyết tật.

Mảnh đất xứ Quảng những ngày cuối tháng 5 nắng gắt, mái ấm Hướng Dương (79 Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) của thầy giáo Đặng Ngọc Duy (37 tuổi) vẫn vang lên tiếng bi bô của đám học trò khuyết tật. Đã 3 năm nay, ngày nào cũng vậy, khi thầy Duy gảy đàn bắt nhịp, nhóm học sinh hát theo giai điệu quen thuộc mà tác giả chính là thầy giáo.

Thấy có khách ghé lớp, những đứa trẻ nhốn nháo ùa ra. Một cậu bé nhanh nhảu chạy đến kéo chiếc cửa sắt đã hoen gỉ đón khách. Đó là Nguyễn Minh Hậu, nhà ở xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, là học sinh hiếu động nhất lớp. Thấy ai đến Hậu cũng đòi mua dụng cụ học tập nhưng em lại bị thiểu năng trí tuệ, chỉ thuộc mỗi bài hát do thầy Duy sáng tác.

Học sinh Ung Nha Hòa, người dân tộc Chăm, năm nay đã 25 tuổi nhưng bị ảnh hưởng chất độc da camnên vẫn cứ như đứa trẻ lên 10. Thi thoảng Hòa lại cười ngây ngô với mấy đứa trẻ rồi bỗng nhiên khóc òa như mưa. Thầy Duy phải lần theo mép bàn ra ngồi bên cạnh học trò vỗ về an ủi.

Thầy Duy cho biết, lớp học là nơi quy tụ của 21 mảnh đời bất hạnh, được anh nhận về từ các huyện của tỉnh Quảng Nam. Để việc dạy học hiệu quả, anh phải chia thành các lớp nhỏ và có cách truyền đạt kiến thức riêng cho từng dạng khuyết tật. Thầy giáo chủ yếu dạy học trò các phép toán, đọc viết chữ nổi và học thuộc một số bài hát… Ngoài anh Duy, còn có hai cô giáo là bạn bè của anh từ thời đại học tình nguyện đến giúp đỡ và vệ sinh cho các em hàng ngày.

“Cuộc đời tôi nếm đủ mùi cay đắng. Từ khổ đau của chính mình, tôi hiểu các em bị tật nguyền đã rất thiệt thòi và chỉ có kiến thức mới giúp các em vơi đi”, người thầy khuyết tật nói về động lực thúc đẩy anhquyết tâm mở mái ấm Hướng Dương để nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ tại một ngôi làng nhỏ ở TP Tam Kỳ, năm 13 tuổi, tai nạn kíp nổ đã cướp mất của anh đôi mắt và nửa bàn tay trái. Không chấp nhận số phận, anh tìm đến các địa chỉ dạy học cho người mù rồi trở về Tam Kỳ học hết lớp 12. Ba lần thi trượt, bị nhiều người chê cười, nhưng anh không từ bỏ quyết tâm và đã thi đậu vào ngành Sư phạm Ngữ văn, ĐH Quảng Nam.

Nhận bằng tốt nghiệp, gom góp số tiền ít ỏi chắt chiu bao năm cùng 30 triệu đồng thu được từ 2.000 bản sách của tập thơ Sắc màu âm thanh, cuối năm 2010, anh thành lập mái ấm Hướng Dương. Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được anh nhận về, số lượng tăng dần theo thời gian. Dù mái ấm luôn đối mặt với nhiều khó khăn bởi tất cả chi phí đều đến từ các nhà từ thiện, nhưng thầy trò vẫn duy trì lớp học.

Điều anh Duy băn khoăn nhất là cơ sở ngày càng xuống cấp. Chỗ ngủ của thầy trò chỉ là 3 chiếc chiếu đôi trải trên những tấm gỗ thô ghép lại. Tháng 3 vừa rồi tỉnh Quảng Nam cấp cho mái ấm mảnh đất rộng 800 m2 để xây dựng cơ sở mới, nhưng vẫn chưa có kinh phí xây dựng.

“Đối với tôi, con đường vẫn đang còn phía trước. Lúc nào tôi cũng nghe văng vẳng lời của một nữ sĩ khuyết tật. Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không là bất hạnh”, anh Duy nói.

Ông Trịnh Lương Quý, Phó chủ tịch phường An Mỹ (TP Tam Kỳ), cho biết mái ấm Hướng Dương ra đời đã làm thay địa phương việc chăm lo cho trẻ em khuyết tật, mồ côi. Nhiều năm nay, phường An Mỹ đã cố gắng tạo điều kiện để mái ấm hoạt động được tốt hơn. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc hỗ trợ cũng chỉ có giới hạn.

“Do ngân sách hạn hẹp nên địa phương không hỗ trợ được nhiều, kinh phí hoạt động của cơ sở chủ yếu từ các nhà từ thiện. Sắp tới ngày Quốc tế thiếu nhi, phường đã chuẩn bị các suất quà nhỏ để tặng những em ở mái ấm nhằm động viên tinh thần”, ông Quý nói.

Cô gái xương thủy tinh được Unicef ca ngợi

Chiều 30/5, Nguyễn Phương Anh, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) được UNICEF chọn làm đại diện phát biểu trong chương trình về trẻ khuyết tật của tổ chức này tại Đà Nẵng.

Trên website chính thức của UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc), Nguyễn Phương Anh, lớp 11, trường THPT Việt Đức được khen ngợi là truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng tài năng, nỗ lực và giọng hát của mình. Chiều 30/5, Nguyễn Phương Anh đã có bài chia sẻ trước Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng hàng trăm bạn trẻ khuyết tật tại Đà Nẵng trong chương trình Công bố báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2013.

Phương Anh tâm sự rất vui và hãnh diện khi được UNICEF chọn làm đại diện phát biểu trong chương trình về trẻ khuyết tật. Nữ sinh Việt Đức mong muốn chính sự khuyết tật của mình sẽ tạo nên sự khác biệt, thu hút cộng đồng để đòi bình đẳng cho người khuyết tật.

Tham gia chương trình, Phương Anh nói chuyện bằng tiếng Anh lưu loát. Em chia sẻ cảm xúc xấu hổ của mình khi mãi ngồi chặt trong xe lăn. Chính gia đình đã tạo cảm hứng để em thay đổi cách nhìn. “Với sự chăm sóc, đặc ân tôi nhận được từ gia đình, từ mọi người, tôi luôn biết ơn về những gì mình đang có, những gì tôi được ban phát. Từ đó bản thân tôi và những người khuyết tật muốn được ghi nhận như những đứa trẻ bình thường”, Phương Anh nói.

Sinh ra với chứng bệnh xương thủy tinh, cuộc sống của Phương Anh không bình thường như bao đứa trẻ. Em gãy xương nhiều đến nỗi bố mẹ thành thạo cả cách bó bột. 2 tuổi, em chập chững tập đi từ phòng khách vào nhà bếp. Nhưng sau cú ngã, em không dám đi nữa. Kể từ đó, cô bé đi bằng tay và dùng hai chiếc ghế nhỏ để di chuyển.

Đam mê ca hát và thích tiếng Anh, Phương Anh tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent năm 2012. Hình ảnh cô bé cấp ba chỉ cao khoảng một mét ngồi trên xe lăn và phiêu với ca khúc tiếng Anh vui nhộn đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.

Trong video do UNICEF thực hiện, Phương Anh nhắc đến khoảng thời gian tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt Nam và chia sẻ, sự ủng hộ của mọi người lớn tới mức khó tả, khiến em cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều và thêm tin vào những gì mình làm.

“Giờ thì kể cả người khuyết tật và người không khuyết tật vẫn nói rằng tôi khích lệ họ. Đó giống như là mục tiêu lớn nhất cuộc đời tôi”, Phương Anh nói.

Chuyện tình như ‘cổ tích’ của nhà văn trẻ khuyết tật

Gương mặt điển trai, cùng chiếc kính cận trông Đặng Đình Dũng toát lên vẻ thư sinh, trí thức, tạo cho người đối diện cảm giác gần gụi. Nếu nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ anh sẽ có cuộc sống an nhàn, đủ đầy. Nhưng số phận lại bắt anh phải chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ có nghị lực sống mãnh liệt và bên người tri kỷ anh mới không cam chịu sống cuộc đời vô vị, thừa thãi.

 

Anh Dũng, chị Phương hạnh phúc ngày hôn lễ.

Chúng tôi về khu 3, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh (Hải Dương) hỏi thăm địa chỉ nhà vợ chồng anh Đặng Đình Dũng. Nhiều người dân biết tiếng vợ chồng anh nên chúng tôi tìm đến nhà không mấy khó khăn.

Bước qua hàng hiên, tôi thấy một người đàn ông ngồi trên xe lăn đang rửa bát đũa. Còn người phụ nữ chân bước tập tễnh đang hí húi dọn dẹp ở ngoài sân. Thấy có khách, anh liền dừng công việc, ra bàn pha nước mời khách. Dọn dẹp xong, người phụ nữ chân bước tập tễnh xách một thùng gì đó ra chỗ chiếc xe máy (được cải tiến thành xe mô tô ba bánh cho phù hợp với người khuyết tật) và nổ máy đi đâu đó.

“Đó là Phương, vợ em. Cô ấy là người Hà Nội, là cựu vận động viên bóng bàn. Gái Hà Nội nhưng mọi việc nặng nhẹ trong nhà đến công việc chăn nuôi, cô ấy đều làm hết, chẳng nề hà gì cả” – Dũng giới thiệu. Rồi câu chuyện cuốn chúng tôi vào quãng đời nhọc nhằn của một người khuyết tật cùng kết thúc có hậu của một tình yêu “cổ tích”.

Đặng Đình Dũng, 35 tuổi, là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Theo lẽ thường con út, Dũng sẽ sung sướng vì được bố mẹ, các anh, chị chiều. Nhưng Dũng lại không có được may mắn ấy. Khi sinh ra, đôi chân của Dũng có biểu hiện bị bại liệt. Trong gia đình từ bố mẹ đến các anh chị buồn thắt ruột. Mặc dù, gia đình đã cố gắng chạy chữa cho Dũng hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng không khỏi. Sau đó là những chuỗi ngày vất vả, khổ cực và đầy nước mắt của bố mẹ Dũng trong hành trình nuôi con.

Đến tuổi đi học, nhìn các bạn tung tăng đến trường, học chữ bi ba bi bô, Dũng thèm lắm. Dũng tâm sự: “Lúc đó, em chỉ ước có phép màu để chân em khỏi. Có đôi chân lành lặn, khỏe mạnh, cứng cáp để được chạy nhảy, vui đùa và được đi học như chúng bạn”.

Thương con nhưng bố mẹ Dũng cũng chẳng biết làm thế nào, vì sức khỏe của Dũng không cho phép. Mãi đến năm 8 tuổi, trước nỗi khát khao cháy bỏng được đi học của con, bố mẹ Dũng đành chiều lòng. Từ đó, ngày ngày bố mẹ, anh, chị và bạn bè thay nhau cõng Dũng đến trường.

Những ngày đầu, Dũng hay bị bạn bè trêu ghẹo và gọi “thằng què”, khiến Dũng rất tủi thân. Trong lớp, Dũng chơi thân với một người bạn tên là Bình.

Mặc dù nhà Bình cách nhà Dũng hơn 1 km nhưng suốt những năm học tiểu học rồi THCS, Bình luôn ở bên, cõng bạn đến trường.

Đến năm lớp 5, Dũng được tặng một chiếc xe lăn, Bình lại đồng hành, bằng việc đẩy xe giúp bạn. “Bình rất tốt, nhiệt tình với bạn bè. Ngoài cõng, đẩy xe lăn đưa em đến trường, ai trêu, bắt nạt em là Bình can thiệp ngay. Nếu không có bạn ấy, việc học tập của em sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Dũng cho biết.

Biết mình khuyết tật, lại học muộn tuổi so với các bạn nên Dũng rất chăm học. Năm học nào Dũng cũng đạt học sinh giỏi, có năm còn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Cho con đi học, bố mẹ Dũng cũng chỉ mong con mình biết chữ, biết đọc, biết viết thôi. Nay, thấy con học giỏi, bố mẹ Dũng mừng lắm.

Những năm cuối bậc THPT, Dũng băn khoăn trong việc chọn con đường để vào đời. Được thầy cô, bạn bè tư vấn và thấy việc học ngành kế toán là phù hợp hơn cả, bởi công việc này chỉ cần đầu óc tính toán là chính, ít phải đi lại. Nghĩ vậy, Dũng làm hồ sơ đăng ký thi vào khoa kế toán, trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hải Dương.

Ngày nhận giấy báo đỗ, Dũng mừng rơi nước mắt. Bố mẹ, anh chị, bạn bè cũng mừng cho anh. Trải qua 3 năm học, đến năm 2004 Dũng tốt nghiệp ra trường, anh xin vào làm việc tại một doanh nghiệp cách nhà 3-4 km. Từ đây, Dũng bắt đầu bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời đầy chông gai thử thách phía trước.

Qua những câu chuyện, chúng tôi phát hiện anh rất ham mê văn chương chữ nghĩa. Dũng coi văn chương như một điểm tựa tinh thần của cuộc đời.

Dũng tâm sự: “Vì không đi lại, chạy nhảy, nô đùa như chúng bạn được, để giải trí em tìm đến với sách, báo. Em đọc nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng thế giới như Victor Hugo, Balzac, trong nước em đọc Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Khi đọc, gặp những câu văn hay, em đọc nhiều lần và ghi lại vào một cuốn sổ, để ngẫm ngợi, để học hỏi”.

Nhờ đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học, đã giúp Dũng thanh lọc tâm hồn, yêu đời, yêu sống hơn, để bản thân không rơi vào tâm trạng bi quan, bế tắc. Dũng bảo nếu không có sách báo, văn chương, chẳng biết bản thân có đủ lạc quan để vượt qua những lúc khó khăn của cuộc đời hay không.

Từ đam mê đọc sách đã đưa đường dẫn lối anh đến công việc sáng tác văn chương. Niềm đam mê viết truyện đến như một nhu cầu tất yếu, một “liệu pháp” tinh thần giúp Dũng thêm yêu cuộc đời. Ban đầu, Dũng cầm bút để viết lên những suy nghĩ cảm xúc của mình về cuộc sống. Dần dần, Dũng xây dựng cốt truyện, sắp xếp bố cục để viết thành truyện ngắn.

Dũng kể: “Em có truyện ngắn đầu tiên được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đang học cấp 3. Hồi đó, nhà thơ Hoàng Cát biên tập, chỉnh sửa và phát trên Đài. Được nghe truyện của mình trên Đài, em vui lắm. Lâng lâng mấy ngày. Bố mẹ, anh chị, người thân, bạn bè cũng vui lây cho em”.

Có truyện được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như tiếp thêm động lực thúc đẩy Dũng tiếp tục sáng tác. Những truyện ngắn mới liên tiếp ra đời và được đăng trên nhiều báo, tạp chí như Áo trắng, Sinh viên, tạp chí Văn nghệ Hải Dương…

Chất lượng các tác phẩm của Dũng ngày càng được nâng lên. Năm 2003, Dũng được kết nạp hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, sinh hoạt ở chi hội Ban Văn xuôi ngay khi còn học ở trường Cao đẳng. Dũng là hội viên trẻ nhất được kết nạp lúc bấy giờ.

Được hội hỗ trợ kinh phí, năm 2006, Dũng xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Ghế đá bên hồ”. Tập truyện gồm 16 truyện ngắn là những tác phẩm được đăng rải rác trên các báo, tạp chí trong mấy năm bước vào con đường sáng tác văn chương. Nhưng sau đó, vì gánh nặng mưu sinh cơm áo nên Dũng viết ít hơn.

Tuy nhiên, đến nay Dũng cũng đã “bỏ hòm” cho mình mấy chục truyện ngắn và mấy truyện dài. Dũng cho biết: “Mục đích của em bây giờ  tập trung làm kinh tế để lo cuộc sống. Khi nào kinh tế vững vàng, ổn định, em sẽ in sách và chuyên tâm viết văn thôi”.

Do công việc thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, Internet, mạng xã hội, Facebook nên Dũng cũng quen được khá nhiều bạn bè mới. Trong đó có một cô bạn ở quận Hà Đông (Hà Nội). Qua những lần “chát” với nhau, Dũng càng hiểu hơn về người bạn gái này.

Người bạn gái tên là Nguyễn Thị Phương (33 tuổi), vận động viên (VĐV) bóng bàn khuyết tật của TP Hà Nội. Cô là con thứ tư trong một gia đình có 5 người con, 4 gái, 1 trai.

Năm lên 3 tuổi, trong một lần ốm nằm viện, Phương bị lây vi rút từ một bệnh nhân khác, hậu quả, một chân cô bị khuyết tật. Mặc dù gia đình cô cố gắng chạy chữa nhưng không khỏi. Từ đó, cô đành phải sống chung với một bên chân dị tật, cùng những bước đi tập tễnh.

Dũng cũng chia sẻ thông tin về bản thân mình cho bạn về hoàn cảnh của mình. Đồng cảm với những thiệt thòi, mất mát của nhau, cả Dũng và Phương nhanh chóng thân thiết. Rồi hai người hò hẹn, gặp gỡ nhau ngoài đời.

Dũng lên Hà Nội để gặp bạn. Những ngày tháng sau đó, những chuyến đi từ Hải Dương – Hà Nội đã trở lên thường xuyên, đã đưa họ đến với nhau gần hơn. Tình yêu từ đó nhen lên trong tim mỗi người.

Một chuyện tình đẹp như cổ tích của những số phận chịu nhiều mất mát, thiệt thòi lại không được gia đình ủng hộ. Khi đề cập đến chuyện kết hôn, gia đình hai bên đều phản đối, nhất là gia đình Phương.

Họ nói rằng con gái họ đã khổ, đã thiệt thòi nhiều, và muốn chọn cho con mình người chồng, người vợ lành lặn, khỏe mạnh để nương tựa.

Phương tâm sự: “Chúng em đến với nhau, thành vợ thành chồng là cả một quá trình gian khổ, đầy nước mắt đắng cay, chẳng thể nào tả hết được đâu anh. Chúng em cũng xác định rồi, dù có thế nào chúng em vẫn đến với nhau”.

Sau 1 năm quen và yêu nhau, năm 2009 mặc dù hai gia đình phản đối nhưng Dũng và Phương quyết định về chung một mái nhà. Hai gia đình chỉ có lễ nhỏ để ra mắt nhau thôi, chứ không phông rạp, không nhạc xập xình, không hoa, không áo cưới cô dâu. Còn gì buồn tủi hơn khi trong ngày cưới mà người con gái không được mặc áo cô dâu. Họ đến với nhau như vậy, đầy đắng chát, tủi hờn.

“Một mặt, bọn em vừa thuyết phục gia đình. Một mặt chúng em, nhất là em phải chứng minh bản thân trong cuộc sống, bằng chính sức lực của mình để vươn lên, không nhờ vả, dựa dẫm ai”, Dũng cho biết.

Anh Dũng và cháu Gia Huy.

Để vợ chồng được gần nhau, Dũng nghỉ việc ở Hải Dương lên Hà Nội với vợ. Hai vợ chồng anh thuê nhà trọ ở quận Hà Đông. Hằng ngày Dũng đi làm kế toán doanh nghiệp, còn vợ đi tập bóng bàn.

Thu nhập từ lương kế toán của Dũng và lương VĐV của vợ tuy không cao nhưng do biết tiết kiệm cũng tạm đủ sống. Nếu cứ mãi thế này cuộc sống sẽ chẳng đi đến đâu, vì vậy năm 2010, vợ chồng Dũng quyết định về quê ở khu 3, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh (Hải Dương) để sinh sống.

Thời gian đầu về quê, để ổn định cuộc sống, Dũng vẫn nhận làm kế toán cho các doanh nghiệp trên Hà Nội và ở địa phương. Hai vợ chồng Dũng còn đầu tư nuôi gà cảnh, chó cảnh để kinh doanh, làm đại lý bán xổ số, bán hàng quần áo online…

Cuối năm 2010, vợ chồng Dũng xây nhà 2 tầng, với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Số tiền mà Dũng và Phương tích cóp trong suốt những năm qua. Nhìn ngôi nhà mới của vợ chồng Dũng, mọi người ai cũng ngỡ ngàng, khâm phục trước ý chí, nghị lực của đôi vợ chồng khuyết tật này.

Năm 2011, vợ chồng Dũng sinh được một quý tử Đặng Gia Huy. Cháu bụ bẫm, đáng yêu khiến ai cũng mừng. Chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng Dũng đã làm được nhiều việc lớn như ổn định cuộc sống, làm nhà, sinh con… mà ngay cả những người khỏe mạnh bình thường cũng phải nỗ lực trong nhiều năm.

Cũng trong năm 2011, vợ chồng anh quyết tâm thực hiện “giấc mộng chưa thành”, đó là nhà văn trẻ Đặng Đình Dũng mặc áo vest chú rể, còn cựu VĐV bóng bàn Nguyễn Thị Phương mặc áo cưới cô dâu.

Một đám cưới do chính họ tổ chức. Đám cưới tuy muộn nhưng rất vui, có tiếng nhạc xập xình, có đông đủ bạn bè về dự. Cô dâu, chú rể nhận lời chúc hạnh phúc của người thân hai bên nội, ngoại và bạn bè. Một cái kết đẹp cho một chuyện tình ngỡ như là cổ tích của nhà văn trẻ Đặng Đình Dũng.

Hiện tại, vợ chồng Dũng đang dự định mở rộng quy mô nuôi gà cảnh, chó cảnh để kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan đối với vợ chồng anh nhưng chúng tôi tin với nghị lực, ý chí mãnh liệt họ sẽ vượt qua để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

‘Cậu bé không có khuôn mặt’ giúp đỡ người khuyết tật

Trải qua 12 lần phẫu thuật sau khi khuôn mặt bị hủy hoại, Đức Huynh đã sáng tập ra doanh nghiệp xã hội để giúp đỡ người khuyết tật.

Hưởng ứng ngày khuyết tật Việt Nam (18/4), dự án doanh nghiệp xã hội Goran & Folke phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình Kỷ niệm ngày Khuyết tật Việt Nam trong hai ngày 12-13/4/2014, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Chương trình sẽ có sự tham gia của Nguyễn Đức Huynh (nhân vật trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Cậu bé không có khuôn mặt của đạo diễn người Thụy Điển Folke Ryden, đồng thời là người sáng lập ra doanh nghiệp xã hội Goran & Folke handicrafts) và Á hậu Việt Nam 2008 Thụy Vân.

Nguyễn Đức Huynh và Á hậu Thụy Vân cùng những chú chuồn chuồn – một sản phẩm do người khuyết tật làm.

 

Ám ảnh của “Cậu bé không có khuôn mặt”

Nhiều năm trước, Nguyễn Đức Huynh (5 tuổi) cùng với người em trai sinh đôi, đã gặp một tai nạn bom mìn trên đường đi học về. Tai nạn kinh hoàng đó đã hủy hoại khuôn mặt của Huynh. Cha mẹ Huynh khi đó không thể có đủ điều kiện tài chính để phẫu thuật cho con.

Folke Ryden đã tình cờ nghe được câu chuyện của Huynh trong một chuyến công tác tại Việt Nam. Folke đã làm một bộ phim tài liệu về Huynh và được chiếu tại Thụy Điển. Rất nhiều người đã xúc động về đoạn phim và quyên góp đủ tiền để chữa trị chỉnh hình cho Huynh.

Đức Huynh may mắn được trải qua 12 cuộc phẫu thuật tại Mỹ. Khuôn mặt của Huynh đã gần như được khôi phục. Biết ơn Folke và Goran, Huynh đã thành lập ra doanh nghiệp đồ thủ công Goran & Folke để giúp đỡ những nạn nhân bom mình và người khuyết tật.

“Mặc dù trải qua rất nhiều lần cuộc phẫu thuật ở Mỹ và Việt Nam nhưng khi đi ra ngoài đường và trong trường học, thỉnh thoảng mình cũng bị một số bạn hoặc một số người chọc ghẹo. Họ gọi mình là thằng sẹo, hay đặt những cái tên muốn ám chỉ đến ngoaị hình của mình. Lúc ấy mình mới chỉ có 8 tuổi, nên khi nghe thấy câu trêu chọc đó cảm thấy rất khó chịu.

Đến năm lớp 11, cuộc phẫu thuật ở bệnh viện trung ương Huế với sự tài trợ của những người Thụy Điển được thực hiện. Kết quả phẫu thuật không như mình mong muốn. Mình chán nản, bỏ học và quyết định đi xin việc làm. Nhưng chồng hồ sơ xếp cao chỉ vì lý do ngoại hình của mình không thể khiến các cơ quan này dám nhận. Mình khóc rất nhiều và lấy lại quyết tâm bắt đầu học tập, ôn thi đại học”, Huynh kể về những năm tháng khó khăn.

Ước mơ được giúp đỡ người kém may mắn

Trong thời gian làm việc bán thời gian cho một tổ chức phi chính phủ, Đức Huynh đã tiếp cận rất nhiều người khuyết tật ở Hà Nội và Quảng Trị, anh đã lắng nghe câu chuyện của họ, chia sẻ khó khăn và ước muốn của họ trong cuộc sống.

Không chỉ giàun ghị lực sống, anh còn tạo việc làm, giúp đỡ người khuyết tật.

“Lúc ấy mình làm bán thời gian cho tổ chức ở Mỹ có tên là Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH). Công việc của mình là tiếp nhận hồ sơ xin việc để giới thiệu đến những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển việc làm, tư vấn viết CV cho người Việt khuyết tật. Mình cũng hỗ trợ viết bài cho tổ chức này về người khuyết tật”, Huynh kể.

Nhưng rồi anh thấy số lượng được tạo việc làm là rất ít. Thế là sau khi học tập xong ở Hà Nội, tháng 4/2013 anh quyết định làm một điều gì đó để giúp đỡ người khuyết tật. Sản phẩm đầu tiên là sản phẩm chuồn chuồn tre. Anh đi học làm những chú chuồn chuồn. Trong vòng một tháng, anh đã có thể làm được những chú chuồn chuồn đẹp mắt. Về Quảng Trị anh viết dự án và tuyển chọn 5 người đầu tiên để thử nghiệp dạy nghề làm chuồn chuồn tre. Và kết quả là rất nhiều người khuyết tật đã có thêm thu nhập từ công việc này.

Không chỉ tạo việc làm, anh còn tổ chức buổi học phòng tránh bom mìn ở Quảng Trị.

Về chuyến đi tới Quảng Trị, Đức Huynh cho hay: “Mình muốn ở trên đất nước Việt Nam không có ai bị tại nạn bom mìn. Vì vậy thỉnh thoảng mình tổ chức những chuyến giáo dục phòng tránh bom mìn dành cho những học sinh ở Quảng Trị để giúp các em hiểu biết và tránh xa. Một ước mơ cuối cùng là sau này có một gia đình, mình sẽ có những đứa con, sẽ dạy cho con cái biết cách quan tâm tới người khác, nhất là những người bất hạnh, chứ không phải xa lánh họ”.