Chuyện “Tám mù” hát rong – Người cha lang thang khắp Sài Gòn bán tiếng ca, kiếm tiền chữa trị đôi mắt cho con gái

Gia đình tan vỡ khi con gái mới 4 tuổi, ông “Tám mù” một mình lặn lội nuôi con, hàng ngày người nghệ sỹ khiếm thị này vẫn miệt mài cống hiến tiếng đàn tiếng hát trên đường phố để kiếm tiền chữa trị đôi mắt cho con gái nhỏ.

 Nếu cho con 3 điều ước con sẽ ước gì?

– Điều thứ nhất con sẽ ước… cho mắt của ba và con sáng bình thường như mọi người!

– Vậy điều thứ hai, con ước gì?

– …..

Ông Tám mù 20 năm hát rong trên phố Sài Gòn

Chiều hôm đó, mưa về trên con hẻm nhỏ tại Sài Gòn, 2 người nghệ sĩ mù một người đi trước một người phía sau, họ kết nối với nhau bằng một sợi dây được cột vào nút áo. Cứ thế họ mải mê với những giai điệu của mình, mặc cho nước không ngừng rơi trên từng phím đàn. Chốc chốc có vài người hảo tâm chạy vội ra bỏ vài đồng tiền lẻ vào chiếc túi vải treo trên cây đàn.

Tám mù là tên mà người trong xóm vẫn thường gọi ông Hồng Văn Triệu (52 tuổi). Còn riêng tôi, vẫn quen gọi ông là “Người hát rong”. Không ít lần tôi gặp ông Tám đàn và hát trên xe buýt, trong chợ hay trong những con hẻm của Sài Gòn. Ngón guitar điệu nghệ của người đàn ông khiếm thị khiến người ta dừng lại giây lát để thưởng thức và thán phục tài nghệ của ông.

Hàng ngày ông vẫn thường di chuyển bằng xe buýt đi khắp nơi ở Sài Gòn để mưu sinh.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, có đến tận 6 người bị bệnh về mắt, ông Tám bị khiếm thị khi mới lọt lòng mẹ. Vốn đam mê âm nhạc, ngày còn nhỏ ông đã học lỏm bạn bè rồi tự mua máy cassette về nhà nghe để luyện đàn. Ông trời lấy của ông Tám đôi mắt, nhưng lại bù cho ông đôi tai và đôi tay. “Chú học đàn nhanh lắm, khoảng mấy tuần là biết căn bản. Rồi sau này nghe máy cassette nhiều, cứ thích bài nào rồi học thuộc lời, tập bấm hợp âm rồi ráp vô thôi” – ông Tám kể.

Năng khiếu âm nhạc bẩm sinh giúp ông Tám nhanh chóng học thành thạo các ngón đàn.

Sức khỏe yếu, lại khiếm thị, việc mưu sinh của ông Tám càng khó khăn trăm bề. Không có vốn liếng gì trong tay, ông đi bán… tiếng hát. Hơn 20 năm nay hàng ngày ông Tám cùng người bạn của mình là ông Đức rong ruổi khắp ngõ hẻm thành phố để phục vụ lời ca tiếng hát cho người đời. Ông Tám đi trước vừa đánh đàn vừa hát, còn ông Đức – người “đồng nghiệp” mù ở cạnh nhà theo sau gõ trống BoBo đệm theo giai điệu.

“Cũng đành xin làm người hát rong/ Chỉ mong đời không chê trách/ Chỉ mong chuyến xe muộn màng/ Không dừng sớm khi đang rong chơi…” – Trích đoạn bài hát Xin làm người hát rong.

Những tháng năm rong ruổi trên đường phố cũng giúp ông Tám kết duyên cùng một người phụ nữ. Cả hai có với nhau một đứa con gái, ông đặt tên là Hồng Từ Triệu Vy (2008). Năm Triệu Vy được 4 tuổi thì vợ chồng ông Tám chia tay, vợ ông đi tìm hạnh phúc mới. Ông chẳng oán trách, cũng chẳng đổ lỗi cho ai, chỉ buông lơi hơi thở dài: “Giữ người ở, ai giữ người đi”.

Triệu Vy – cô con gái lanh lợi của ông Tám.

 Gà trống nuôi con, ông Tám cố gắng mỗi ngày để kiếm tiền nuôi con ăn học. Triệu Vy bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, nên việc học tập cũng có phần vất vả hơn. Thương con gái, ông Tám ngày ngày dành dụm tiền để đưa con đi chữa trị. Ba năm trước nhờ một mạnh thường quân hỗ trợ một ít tiền, ông Tám gom hết vốn liếng đi mổ trước mắt bên phải cho con.

Mắt phải của Triệu Vy đã được mổ lấy lại thị giác, còn mắt trái của em thì chẳng biết khi nào mới có điều kiện chữa trị.

“Đời chú coi như bỏ, giờ chỉ mong con bé sớm được chữa lành con mắt còn lại”

Tôi gọi Triệu Vy là “Én nhỏ”, không phải vì con bé có cái tên giống cô diễn viên nổi tiếng bên Trung Quốc mà vì ở sự lanh lợi của con bé 9 tuổi khiến tôi nhiều lần bất ngờ lẫn thích thú. Én kể: “Hồi trước ba xin cho con lên bàn đầu ngồi để dễ theo dõi bài học trên bảng, nhưng giờ có kính rồi nên cô giáo chuyển con xuống bàn cuối ngồi rồi. Cô chuyển mấy bạn học yếu hơn lên bàn đầu để dễ quản lý”.

Ước mơ lớn nhất hiện tại của ông Tám là có đủ tiền để chữa trị mắt còn lại của con gái.

Dù chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng Én nhỏ vẫn luôn đạt thành tích tốt trong học tập. Mỗi sáng, ông Tám đi làm sớm Én nhỏ phải nhờ người bà con chở đến trường để học. Chiều tối về, dù có bận chuyện gì thì hai ba con cũng cùng nhau đi ăn tối. Không thể hoàn hảo, không thể cho Én nhỏ những điều kiện đủ đầy như những người cha khác nhưng trong suốt 9 năm qua ông Tám chưa bao giờ để Én phải tủi thân.

Suốt những năm qua những đồng tiền lẻ này đã nuôi sống 2 cha con qua những ngày gian khó.

 Nếu phải lựa chọn mắt của con gái được chữa lành hay mắt của bản thân được sáng rõ thì đương nhiên ông Tám luôn dành điều may mắn đó cho con gái. Ông tâm sự: “Đời chú coi như bỏ, giờ chỉ mong con bé sớm được chữa lành con mắt còn lại, học hành thành tài để tự chăm sóc được cho bản thân”.

Nhiều người thương cho hoàn cảnh của bố con ông Tám nên ủng hộ ông ít tiền nuôi con ăn học.

Những ký ức của Én nhỏ về mẹ khá mơ hồ, con bé dường như chẳng còn quá nhiều ấn tượng về mẹ. Tôi từng hỏi Én: “Trên đời con thích điều gì nhất?”. Con bé ra vẻ trầm tư suy nghĩ: “Con thích ba!” – rồi quay sang cười hì hì với ba. Cuộc đời lấy của ông Tám rất nhiều thứ, nhưng đã đem Én nhỏ đến bên ông như một món quà vô giá.

Tôi tin sau những năm tháng vất vả mưu sinh trên đường phố, ông Tám thật sự hạnh phúc khi có cô con gái lanh lợi bên cạnh, và cả Én nhỏ cũng vậy cả cuộc đời này chỉ cần có ba là đủ.

Cuộc sống không lấy đi của ai tất cả…

-Vậy điều thứ hai, con ước gì?

– Con ước cho con có nhiều tiền để nuôi ba.

– Còn điều cuối cùng, suy nghĩ kỹ nha!

– Điều cuối cùng con ước…. có thêm 5 điều ước nữa, để dành, mai mốt lớn lên con ước tiếp!

Túp lều lá trên đồi tràm và câu chuyện tình giản dị của hai vợ chồng khuyết tật ở Đồng Nai

Chẳng váy áo kiêu sa, chẳng mâm cao cỗ đầy, ngày cô Phích về làm vợ chú Tánh, chỉ làm giản đơn một mâm cơm cúng ông bà. Rồi họ về sống với nhau, cùng nhau dưới một mái nhà lá trên ngọn đồi xa xôi ở Đồng Nai.

 Cuộc sống này, hễ càng đơn giản thì lại càng dễ dàng tìm được những hạnh phúc cho riêng mình. Cũng như chuyện của một người phụ nữ khờ khạo, nghèo khó vô tình gặp một người đàn ông tật nguyền, rồi họ ở lại với nhau. Không lễ cưới rình rang, không váy hoa lộng lẫy, họ về với nhau lặng lẽ, lặng lẽ như chính cái tình của họ trong mái nhà lá trên ngọn đồi hoang vu ở Đồng Nai.

Bộ ảnh cưới miễn phí do nhóm Bụi thực hiện dành tặng cho chú Tánh và cô Phích.

Túp lều lá trên đồi tràm

Những con đường đất đỏ chạy dài mải miết lên triền đồi, nơi những hàng tràm xanh mỗi ngày vẫn thầm thì cùng con suối nhỏ, nơi mái nhà lá của chú Tánh và cô Phích bao năm nay vẫn nằm đó, bình yên đón nắng mưa. Nghe tiếng xe máy từ ngoài xa, thằng Điệp và thằng Hiền đã chạy tót ra sau nhà trốn. Cô Phích đứng trông theo hai cậu con nhỏ rồi cười tít mắt: “Sống ở đây vắng vẻ, nên tụi nhỏ bị nhát người, cứ thấy người lạ đến là lại chạy ra sau nhà trốn”.

Ngôi nhà trên đồi tràm của vợ chồng chú Tánh.

Chú Châu Văn Tánh (50 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Bố mất sớm, một mình mẹ phải gánh vác cả gia đình, hiểu được những khó khăn đó, ngay từ nhỏ cậu con trai út đã cố gắng học thật giỏi để đổi đời. Thế nhưng, chẳng ai tính trước được chuyện gì. Sau khi tốt nghiệp lớp 9 chú trải qua một cơn bạo bệnh khiến cột sống bị thoái hoá, lưng còng gập không thể đứng thẳng người, cũng vì thế mà chú buộc phải thôi học.

Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, 4 mẹ con quyết định rời Bình Định để đến vùng đồi núi thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tìm kế sinh nhai. Họ khai khẩn đất hoang trên đồi để dựng nhà, trồng cây, dẫu vất vả nhưng miếng ăn đủ đầy hơn ngày trước.

Chồng chết sớm, một mình mẹ chú Tánh phải chăm lo cho gia đình.

Thấm thoắt đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày xa quê, 2 người anh lớn của chú Tánh đã có gia đình và ra ở riêng. Chỉ còn chú và người mẹ già thui thủi bên nhau trong ngôi nhà vách đất. Tuổi tác, bệnh tật và nghèo khó bủa vây khiến người đàn ông ấy chẳng bao giờ dám nuôi hy vọng về một mái ấm.

Cô Vũ Thị Phích (46 tuổi) vẫn thường bẽn lẽn khi nhắc đến tên của mình, cô cười: “Ngày xưa ông bà nghĩ sao mà đặt cái tên nghe buồn cười, chắc đặt tên xấu cho dễ nuôi”. Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở Nam Định, tuổi thơ cô Phích sớm trải qua những ngày vất vả vì bố mẹ mất sớm.

Cô Phích mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

Năm 2003, cô Phích theo một người bà con vào Nam chơi và vô tình gặp được chú Tánh. Một người phụ nữ lỡ thì, nghèo khó và một người đàn ông tật nguyền, họ thương nhau, là thương chứ không hẳn là yêu, bởi nếu chỉ yêu thì chẳng đủ mạnh mẽ để ở bên nhau. Sau 1 năm qua lại, cô về ở cùng chú, không lễ cưới cao sang, không họ hàng cô bác chúc tụng. Đơn sơ một mâm cơm cúng ông bà, rồi cô ở lại ngọn đồi này, không về Bắc nữa.

Cô bảo nhân duyên đã giữ cô lại mảnh đất cằn cỗi này.

Sức khoẻ chú Tánh khá yếu, thế nên từ ngày về làm dâu, cô Phích quán xuyến công việc từ nội trợ đến đồng áng. Bàn tay vốn đã đen đúa nay càng thêm chai sạn, nhưng người phụ nữ ấy chẳng than lấy một lời. Cô không biết chữ, nên chỉ quanh quẩn ở nhà, mọi chuyện mua bán hay đi chợ đều do chú lo liệu.

Hai con người cùng khổ đến với nhau rồi cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc đời.

Cô chú có với nhau 2 người con, thằng lớn đặt tên là Điệp, thằng nhỏ tên là Hiền. Họ bảo mình đã nghèo và dốt rồi nên phải ráng cho tụi nhỏ đi học để thoát cái khổ. Hai vợ chồng cùng nhau làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, cũng chỉ đủ lo miếng ăn cho cả nhà. Những hôm cơn dông kéo đến ngọn đồi, gió lùa từng cơn giật bay mái lá, nước mưa chảy thành từng dòng lênh láng, mấy bà cháu thằng Điệp phải chui xuống gầm tủ núp mưa. 3 năm trước người ta có xây tặng một căn nhà tình thương, nhưng ở chưa bao lâu thì tường nứt toạc ra, chẳng ai dám vào ở, đành quay về nhà lá.

Ngôi nhà tình thương được tặng đã gần sập nên cả gia đình quay lại nhà tranh ở. Mấy tháng trước mọi người góp tiền mua cho nhà chú Tánh mấy tấm tôn lợp nhà cho đỡ dột mưa.

Tụi thằng Hiền nhạy lắm, hễ nghe tiếng gió rít trên mấy ngọn tràm là chúng nhanh chân chạy vào báo cho bố mẹ, ngôi nhà xiên vẹo bao năm ngó chừng chẳng chống nổi cơn dông, nên cả gia đình nấp vào gian bếp nhỏ sau nhà. Ngoài trời gió mưa rít từng cơn, bên trong này 5 con người nép vào nhau, chỉ nghe hơi ấm trên vành tai. Và lần nào cũng thế, chú Tánh lại thủ thỉ: “Rồi mưa sẽ sớm tạnh thôi”.

Góc bếp nhỏ mà cả nhà vẫn trú mưa mỗi khi dông đến.

Tấm áo cô dâu

Đời người có mấy ai lấy chồng lần thứ hai, thế nên ngày cưới trọng đại và thiêng liêng lắm. Cô Phích cũng như bao người phụ nữ khác, cũng ước ao được một lần khoác lên mình tấm áo cô dâu, thế nhưng từ ngày về ngọn đồi này, cô chưa bao giờ dám mơ đến chuyện đó.

Từ ngày về làm dâu cô Phích chẳng mong sẽ được mặc lên người tấm áo cô dâu.

Bùi Dũng và những người bạn nhiếp ảnh của anh đã tìm đến đây để giúp cô chú được một lần trong đời làm cô dâu chú rể.

Ngày nhóm Bùi Dũng đến chụp ảnh, mẹ chồng cô Phích ngồi phía xa ngắm nhìn thật lâu con dâu mặc váy cưới, mắt bà buồn rười rượi, cả cuộc đời bà nợ cô con dâu này quá nhiều, nợ một mâm cau trầu sính lễ, nợ một tấm áo cưới đường hoàng…

Mẹ chú Tánh rất thương con dâu vì bà hiểu rằng cô Phích đã hy sinh rất nhiều cho ngôi nhà này.

Cô Phích cười tít mắt: “Cảm giác không thể tả được, cứ như mình được làm đám cưới lần thứ 2 trong đời ý”. Chú thì tặc lưỡi: “Phải chi chú đứng thẳng lên được thì chụp hình sẽ đẹp hơn”. Sức khoẻ chú yếu nên mọi người cũng chỉ quanh quẩn chụp ở bụi chuối, rừng tràm gần nhà. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng là hạnh phúc lắm rồi.

Từ bé đến lớn, chỉ duy nhất ngày hôm đó, cô Phích trang điểm thật đẹp như bao người phụ nữ khác.

Trên đồi tràm heo hút này, suốt mười mấy năm qua, người ta chẳng bao giờ nghe thấy một tiếng cã vãi to tiếng. Mà cũng đúng, khổ thế này rồi, không thương nhau thì thôi chứ sao lại chửi mắng nhau. Cô bảo chú hiền khô à.

Hạnh phúc trên ngọn đồi này không phù phiếm như những lời thề nguyện hẹn ước, hay những món quà đắt tiền, hạnh phúc đơn giản là được ở cạnh bên nhau những lúc khó khăn. Hay những lúc dành dụm được một ít tiền, chú xuống chợ mua tặng cô chiếc áo mới. Chỉ thế thôi.

 Ai đó nói về một túp lều tranh hai quả tim vàng, tôi chẳng tin. Trong mái nhà tranh này, chẳng có tim vàng, chỉ có những con người thương nhau bằng tất cả những gian khó đã trải qua. Họ nuôi những niềm hạnh phúc giản đơn mà bền bỉ. Nuôi cả những hy vọng trong xanh. Về một ngày không xa, khi thằng Điệp, thằng Hiền lớn khôn, chúng sẽ bước ra thế giới ngoài kia và trở thành những người thành đạt.

Chuyện cảm động về anh shipper khuyết tật giọng nói, đạp xe hàng chục km mỗi ngày để giao hàng khắp Sài Gòn

Hàng ngày anh Trung cặm cụi đạp xe hàng chục km qua các quận để giao hàng cho các shop online. Ngày nắng cũng như ngày mưa anh chưa bao giờ than vãn rằng công việc vất vả, cực nhọc. Với anh, đơn giản lắm, được làm việc là một niềm vui.

Câu chuyện về anh chàng shipper nghị lực phi thường ở Sài Gòn được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian gần đây đã khiến rất nhiều bạn cảm thấy ngưỡng mộ. Bên cạnh đó cũng không ít người tỏ ra nghi vấn về sự tin cậy của câu chuyện, vì thế chúng tôi đã tìm đến anh để có thể lắng nghe một cách tường tận về những chuyến xe đi quanh thành phố.

Câu chuyện của anh shipper được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Đạp xe hàng chục km mỗi ngày đi giao hàng

Theo thông tin trên mạng xã hội chúng tôi tìm đến cửa hàng của bạn Thuỵ Vân trên đường Lý Thánh Tông (Tân Phú) để gặp anh Trung. Anh Trung nói chuyện rất khó khăn, thế nên cuộc trò chuyện có phần gian nan hơn những gì chúng tôi từng nghĩ.

Anh tên thật Lê Nguyễn Thành Trung (28 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tây Ninh, bố mất sớm mẹ đi bán vé số để mưu sinh. Từ khi mới sinh ra đôi chân của anh đã bị tật bên cao bên thấp. Thế nhưng rào cản lớn nhất là anh không thể nói chuyện lưu loát và rõ ràng, vì vậy anh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với người xung quanh.

Anh Lê Nguyễn Thành Trung.

Thiệt thòi là thế nhưng anh chàng luôn cố gắng để được nhìn nhận như bao người bình thường khác. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp phổ thông Trung lên Sài Gòn thi đại học. Không đủ điểm vào trường Nhân Văn và Tự Nhiên, anh xét tuyển vào ngành Marketing của trường Đại học Công nghiệp để theo học.

Từ khi sinh ra anh Trung đã mang nhiều thiệt thòi.

Anh chàng luôn nỗ lực để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Và không cho phép bản thân buông bỏ mọi thứ

Ra trường sau 2 năm theo học, Trung loay hoay xin hết công ty này đến doanh nghiệp nọ, nhưng hầu như chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nhà tuyển dụng ái ngại về khả năng của anh chàng vì anh quá yếu lại mang nhiều khuyết tật. Không vì thế mà Trung nản chí, anh xin làm phụ bếp, rồi phát tờ rơi hay bất kỳ công việc nào giúp anh trang trải cuộc sống ở phố thị.

Chiếc xe đạp đồng hành với anh trong suốt 4 năm qua là do bạn bè trong câu lạc bộ sách tặng. Khó khăn nói từng chữ, Trung kể: “Nhờ chiếc xe đạp này mà tôi thuộc được đường sá ở Sài Gòn, và có duyên đi làm shipper. Khoảng 4 tháng nay tôi chuyển hẳn sang làm shipper vì công việc này đem lại nguồn thu nhập tốt hơn”.

Chiếc điện thoại được một người bạn tặng cho Trung từ năm 2014, nay nó đã hư nhưng Trung vẫn sử dụng để liên lạc với khách.

Người ta đi giao hàng bằng xe máy, Trung đi giao hàng bằng xe đạp. Anh hóm hỉnh nói: “Đi giao hàng bằng xe đạp để bảo vệ môi trường”. Nhưng thật ra chiếc xe đạp là phương tiện duy nhất mà anh có. Rất nhiều chủ shop từ chối, nhưng cũng có nhiều người khâm phục ý chí mà tạo điều kiện cho anh có công việc.

Thuỵ Vân (24 tuổi, chủ cửa hàng) kể lại: “Có một chị khách hàng lâu năm của mình kể về anh Trung và nói rằng anh rất thật thà và chịu khó. Chị ấy ngỏ lời muốn mình chia đơn hàng để anh có công việc. Nhưng dạo này có rất nhiều người giả nghèo kể khổ để lừa đảo, nên ban đầu mình cũng thận trọng. Sau một thời gian tiếp xúc và làm việc với anh, nhìn cách anh cẩn thận kiểm tra từng gói hàng, gói ghém kỹ càng, sắp xếp thời gian để giao hàng đúng giờ vì phải di chuyển bằng xe đạp, mình thật sự tin anh là một người rất có tâm với công việc”.

Trung luôn nhìn mọi thứ đơn giản và lạc quan, để tiếp tục sống và làm việc.

Sài Gòn những năm gần đây thời tiết có phần khắc nghiệt hơn trước. Nắng thì nắng như đổ lửa, mưa thì ngập hết phố phường, đôi lần ra đường vào buổi trưa về là muốn đổ bệnh chứ chưa nói đến chuyện đạp xe ngoài nắng hàng chục km. Trung bảo sợ nhất là những lúc Sài Gòn đổ mưa, lúc đó di chuyển cũng khó mà lại phải lo hàng hóa bị ướt. Thế nhưng lúc nào anh cũng luôn có mặt đúng giờ để trao tận tay món hàng cho khách. Anh chàng mong muốn mọi người nhìn nhận anh như những nhân viên giao hàng bình thường khác, chứ không phải là một chàng shipper tật nguyền chạy xe đạp đầy thương hại.

“Đem xe đạp cho mình mượn rồi đi bộ về, anh lúc nào cũng nghĩ cho người khác trước”

Trung kể có lần đạp xe ra Thủ Đức để giao hàng, cô chủ nhà đã mời anh vào nhà uống nước và gửi thêm 100.000 đồng vì quý mến những điều cậu trai này đang làm mỗi ngày. Anh xem đó như một sự khích lệ để cố gắng làm tốt hơn, dù còn nhiều người vẫn xem đây là một công việc thấp kém.

Từ quận Tân Phú, anh đạp xe lúc giữa trưa để đến đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 để giao hàng cho khách.

Có một điều bất ngờ là khi theo chân anh Trung đi giao hàng, chúng tôi đã gặp Phương – một người bạn của anh thời đại học. Phương quen biết Trung trong một lần cả hai cùng tham gia chiến dịch mùa hè xanh ở Đắk Nông. Cô bạn kể: “Ban đầu mình cũng ngại tiếp xúc với anh Trung, nhưng nhìn cách anh ấy làm việc mình cảm thấy rất ngưỡng mộ. Dù anh không được như mọi người, nhưng anh luôn cố gắng để được xã hội nhìn nhận như một người bình thường. Sau này tốt nghiệp nhưng vẫn không thể tìm được một công việc ổn định. Lâu lâu đi trên đường mình vẫn gặp anh đứng phát tờ rơi. “.

“Có một kỷ niệm mà mình nhớ mãi, lần đó mình tham gia chương trình chạy xe đạp, nhưng không có xe. Thế là anh Trung đi mượn một chiếc xe đạp rồi đạp qua nhà cho mình mượn. Anh tính đưa xe cho mình rồi đi bộ về phòng trọ, mà 2 đứa ở cách nhau 6 – 7km chứ đâu có gần. Lúc nào cũng thế, anh Trung luôn nghĩ cho người khác trước”– Phương tâm sự.

Trung và Phương bất ngờ gặp lại nhau sau nhiều năm không gặp.

 Phương cho biết anh Trung rất thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện.
Anh Trung luôn sống vì mọi người, và chắc đã đến lúc mọi người dành tặng một món quà nho nhỏ cho anh. Vân (cô chủ shop) tâm sự: “Mình rất trân trọng nghị lực của anh, không phải người lành lặn nào cũng đủ ý chí để làm việc như vậy. Thế nên mình có hứa rằng sẽ tặng cho anh một chiếc xe máy để đi làm đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên vì anh ốm yếu và tay bị run nên mình đang tìm một chiếc xe cub để phù hợp với anh”.

Vân và những nhân viên trong shop đã góp tiền để mua cho anh chàng một chiếc xe máy. Giúp qua lúc ngặt chứ ai giúp được hết nghèo, mong rằng món quà này sẽ giúp Trung vượt qua những khó khăn hiện tại.

Tôi chưa bao giờ thấy Trung bi quan, anh luôn đáp trả những câu hỏi của tôi bằng nụ cười. Có lẽ đó là cách anh dùng để đương đầu với những thử thách của cuộc sống. Tôi đã từng gặp rất nhiều cậu trai, cô gái khỏe mạnh, tài năng nhưng họ dễ dàng buông bỏ mọi thứ chỉ vì một va vấp nhỏ trong cuộc đời. Với Trung thì khác, anh nhìn mọi thứ đơn giản và lạc quan. Còn được sống, được làm việc đã là một may mắn.

Sài Gòn, vẫn luôn đầy ắp những câu chuyện ấm tình người như thế. Chẳng có phép màu nào trong cuộc sống, nhưng luôn có phần thưởng cho những ai biết cố gắng.

Qua bao bất hạnh cuộc đời, cô bé khuyết tật gốc Việt vẫn theo đuổi ước mơ trở thành VĐV bơi lội và làm nên kỳ tích tại Mỹ

Dù trải qua vô vàn nỗi đau thương mất mát, thế nhưng Haven – cô bé với trái tim quả cảm vẫn không ngừng vượt lên số phận và trở thành một vận động viên xuất sắc, đại diện đội tuyển bơi lội Mỹ tham dự đấu trường Paralympics.

Nhà văn Norman Kusin từng nói rằng: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.

Và đúng như vậy, Haven – cô bé với trái tim quả cảm đã bất chấp nỗi đau khổ tột cùng trong quá khứ, tạm quên đi cái chết đau thương của cha mẹ ruột để ươm mầm một ước mơ tốt đẹp: Đó là được trở thành vận động viên bơi lội với đôi chân vốn chẳng còn lành lặn!

Haven cảm thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

Quá khứ đầy bất hạnh

Haven sinh ra vào năm 2003 với cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng thay vì được mọi người yêu thương, cô bé lại trở thành tâm điểm bàn tán của số đông dư luận.

Họ cho rằng Haven là hậu quả từ một cuộc ngoại tình nên thường xuyên mỉa mai bằng lời lẽ cay đắng. Trước sức ép kinh khủng ấy, cha mẹ em quyết định ôm theo đứa con gái mới sinh và dùng mìn tự chế để kết thúc tất cả.

Mặc dù bị khuyết tật, song Haven vẫn trở thành một tuyển thủ bơi lội xuất sắc.

Nhà văn Norman Kusin từng nói rằng: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.

Và đúng như vậy, Haven – cô bé với trái tim quả cảm đã bất chấp nỗi đau khổ tột cùng trong quá khứ, tạm quên đi cái chết đau thương của cha mẹ ruột để ươm mầm một ước mơ tốt đẹp: Đó là được trở thành vận động viên bơi lội với đôi chân vốn chẳng còn lành lặn!

Qua bao bất hạnh cuộc đời, cô bé khuyết tật gốc Việt vẫn theo đuổi ước mơ trở thành VĐV bơi lội và làm nên kỳ tích tại Mỹ - Ảnh 1.

Haven cảm thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

Quá khứ đầy bất hạnh

Haven sinh ra vào năm 2003 với cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng thay vì được mọi người yêu thương, cô bé lại trở thành tâm điểm bàn tán của số đông dư luận.

Họ cho rằng Haven là hậu quả từ một cuộc ngoại tình nên thường xuyên mỉa mai bằng lời lẽ cay đắng. Trước sức ép kinh khủng ấy, cha mẹ em quyết định ôm theo đứa con gái mới sinh và dùng mìn tự chế để kết thúc tất cả.

Qua bao bất hạnh cuộc đời, cô bé khuyết tật gốc Việt vẫn theo đuổi ước mơ trở thành VĐV bơi lội và làm nên kỳ tích tại Mỹ - Ảnh 2.

Mặc dù bị khuyết tật, song Haven vẫn trở thành một tuyển thủ bơi lội xuất sắc.

Dù may sống sót, song Haven lại vĩnh viễn mất đi đôi chân của mình. Em cũng không nhận được sự chăm sóc đầy đủ do ông bà nội quá nghèo và khó có thể chi trả khoản viện phí quá lớn cho đứa cháu đáng thương.

“Chúng tôi đành tiếp nhận đứa trẻ vào trại mồ côi. Tuy nhiên, thông qua quỹ từ thiện Touch A Life Foundation thì gia đình ông Rob và bà Shelly Shepherd tới từ thành phố Carthage, bang Missouri, Mỹ đã ngỏ ý nhận nuôi cô bé vào năm 2005”, một người làm công tác xã hội cho biết.

Cô bé đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi khi cha mẹ mất sớm, còn bản thân bị mất đi hai chân từ khi còn quá nhỏ.

Sau thời gian bàn bạc, gia đình ông Rob đã đáp thẳng chuyến bay sang Việt Nam để hoàn tất các thủ tục nhận nuôi Haven – khi đó mới chưa đầy 20 tháng tuổi. Họ nói rằng cô bé thực sự quá đáng yêu và khiến người đối diện cảm thấy rất ấm áp.

“Trái tim tôi mách bảo mình phải làm gì đó để giúp đỡ Haven. Con bé chẳng bao giờ chịu ngủ trừ khi được nắm tay Rob, hóa ra đang nó ngầm lựa chọn chúng tôi làm cha mẹ thứ hai ngay từ phút ban đầu”, bà Shelly nói.

Vượt qua rào cản về ngoại hình khuyết tật

Haven luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hay thậm chí là rào cản về ngoại hình khuyết tật để trở thành một người bình thường nhất. Em còn được nhận vào đội tuyển bơi lội vào năm 12 tuổi, nhiều khả năng sẽ đại diện nước Mỹ tham dự giải Paralympics 2020 hoặc 2024.

Haven chụp cùng cha mẹ nuôi tại Mỹ.

Trước đó, Haven luôn nỗ lực bước đi trên đôi chân giả để từng bước thực hiện giấc mơ của mình: “Cháu còn nhớ khi quan sát những đứa trẻ khác chơi bóng rổ, cháu nghĩ mình chẳng thể nào làm được như các bạn ấy bởi bản thân thiếu đi đôi chân.

Nhưng một người chị gái lại lên tiếng khích lệ và nói cháu đừng nên ngồi than vãn như vậy. Từ giây phút ấy, cháu quyết định tham gia nhiều bộ môn thể thao khác nhau – đặc biệt là bơi lội.

Khi xuống nước, cháu có thể tháo bỏ đôi chân giả rồi cứ thế vùng vẫy trong thế giới rộng lớn”.

Hiện thực hóa ước mơ

Haven dần trở thành một vận động viên bơi lội xuất sắc và có cơ hội đại diện cho nước Mỹ tham dự giải Paralympics 2020 tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Cô bé cảm thấy rất tự hào khi mọi nỗ lực của bản thân được đền đáp xứng đáng.

Cô bé dũng cảm đã hiện thực hóa ước mơ của chính mình.

Ngoài ra, Haven còn góp mặt trong dự án Models of Diversity – một chương trình với mục đích truyền cảm hứng cho những trường hợp bị khuyết tật khác trên toàn thế giới.

“Cháu muốn họ thấy rằng, sự khác biệt chẳng có gì là xấu khi bản thân chúng ta biết cố gắng và theo đuổi đam mê tới cùng. Cháu tin họ vẫn sẽ hạnh phúc, vẫn tìm được đích đến tuyệt vời nếu không bị nỗi buồn lấn át mất lý trí”, cô bé nhấn mạnh.

Giờ đây, Haven thường ghé thăm các bệnh nhân khuyết tật thiếu chi để truyền cảm hứng sống cho họ.

Ngoài những hoạt động trên, Haven cũng thường xuyên ghé thăm các bệnh nhân khuyết tật thiếu chi tại bệnh viện nhằm giúp những người này có thể sớm chấp nhận hoàn cảnh và tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

“Cháu không thể ước mình có đôi chân lành lặn, cháu luôn muốn sống đúng với thực tại – cho dù nó có khắc nghiệt tới đâu. Bởi vậy, cháu luôn muốn mọi người hãy biết mỉm cười và biến mọi thứ trở nên tươi đẹp hơn.

Chẳng có điều gì có thể làm chúng ta khuất phục, trừ khi bị hóa đá trong chính tâm hồn mình”.

Từ “avatar giống người yêu cũ” tới câu chuyện tình cảm động của đôi bạn trẻ 9x

Họ yêu nhau như bao đôi bạn trẻ 9x khác, cũng có những hờn giận vu vơ, những lần cãi nhau vô cớ, và có cả những chuyến đi phượt cùng bạn bè.

Câu chuyện tình siêu dễ thương này là của đôi bạn trẻ Kim – Thương, cả hai đều cùng sinh năm 1993 và họ gặp nhau rất tình cờ khi anh chàng Dương Bảo Kim (hiện làm dựng phim cho kênh Trắng TV (Orion Media Group) tình nguyện làm thầy giáo dạy một khóa học ngắn hạn về photoshop cho trung tâm Nghị Lực Sống, nơi đang dạy nghề cho rất nhiều bạn khuyết tật.

Cặp đôi nhân vật chính Kim – Thương.

Ngay tại buổi dạy học đầu tiên thì chàng trai đã phát hiện ra trong lớp học “đặc biệt” này có một bạn “học sinh” bằng tuổi mình nên ban đầu cả hai trao đổi facebook để làm quen và hỏi thêm những kinh nghiệm về photoshop.

Thậm chí, nguyên một khóa học chàng “thầy giáo” này còn mượn laptop của Thương để làm minh họa bài giảng.

Và cô “học sinh đặc biệt” có cái tên rất đáng yêu Vũ Thị Thương hiện đang làm chăm sóc khách hàng cho công ty Imagtor. Cô gái này sinh ra tại Quảng Ninh và bị liệt hai tay, hai chân từ lúc sinh ra. Thế nhưng Thương đã một mình lên Hà Nội với cuộc sống tự lập từ năm 2016.

Một cô gái tuy kém may mắn về ngoại hình, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng bù lại Thương sở hữu một khuôn mặt rất dễ thương, một giọng nói vô cùng ngọt ngào và đặc biệt là nghị lực sống vô cùng kiên cường.

Chỉ vì avatar giống người yêu cũ

Quen nhau một thời gian và cả hai thường hay thả thính nhau qua những đoạn chat chủ yếu bằng tiếng Anh trên facebook và vào một ngày đẹp trời nọ, Kim phát hiện ra hình đại diện trên facebook của Thương giống người yêu cũ của mình, nên anh chàng mới chia sẻ thật lòng với cô gái điều đó.

Nhưng ai ngờ rằng cô nàng này đã thả thính lại bằng câu tiếng Anh, tạm dịch là “những ai từng nói câu ý với tớ thì đều trở thành bạn trai tớ cả”. Nghe thì câu chuyện cũng chẳng có gì nhưng tự dung tim anh chàng Kim lúc đọc xong câu ý đập thình thịch rồi kiểu suy nghĩ mãi cả đêm, đúng kiểu “trái tim loạn nhịp”.

Cứ vậy ban đầu họ làm bạn tốt của nhau một thời gian, đi đâu Kim cũng là người đẩy xe lăn cho Thương. Thậm chí, đến những nơi công cộng mà không có lối đi dành cho người khuyết tật thì Kim vẫn sẵn sàng cổng, bế Thương.

Ban đầu cô nàng cũng tỏ ra e ngại, nhưng với anh chàng Kim là một người luôn cởi mở, thân thiện và rất chân thành nên khiến Thương giảm bớt sự e ngại.

Rồi tình yêu “gõ cửa” lúc nào cũng chẳng ai nhớ nữa. Họ cũng yêu nhau như bao bạn trẻ khác, cũng cãi nhau khi cả hai bất đồng quan điểm nào đó. Và những lần như vậy nếu Thương là người có lỗi thì cô nàng sẽ chủ động làm hòa, chứ không hề tỏ ra cố chấp nhỗng nhẻo như những cô gái khác.

Chính điều này khiến chàng Kim thêm yêu thương cô nàng Thương nhiều hơn. Sau mỗi lần như vậy hai người thêm thấu hiểu và quý trọng nhau.

Khi được hỏi lần đầu tiên 2 bạn gặp nhau và cảm giác về đối phương như thế nào?

Chuyện tình đẹp của họ khiến nhiều người cảm động.

Kim bảo: “Em cũng chả nhớ lắm cảm giác thế nào, chắc cũng thấy đặc biệt ấn tượng nhất lớp nên ngay buổi đầu em đã xin facebook của Thương, cũng chả có ý định tán tỉnh gì, chỉ thấy thú vị muốn làm quen thì add với cả cũng tiện cần gì trao đổi việc học hành của lớp thôi.”

Còn nàng Thương thì trả lời rằng: “Lần đầu em gặp Kim là ở buổi học Photoshop đầu tiên. Kim lúc ấy là thầy giáo còn em là học viên. Lúc mới gặp và nghe Kim tự giới thiệu bản thân em đã nghĩ thầm kiểu “má ơi cool quá!” nhưng mà trong lớp hắn nghiêm nên em cũng sợ lắm.”

Và một điều hạnh phúc hơn nữa chuyện tình yêu của đôi bạn trẻ này còn được hai bên gia đình không phản ứng tiêu cực gì thậm chí, 8/3 vừa qua mẹ Kim còn mua quà để nhờ Kim tặng đến Thương.

 

 

 

Còn về phía gia đình của Thương dù vẫn đang bán tính bán nghi nhưng mỗi lần Kim có dịp về thăm, thì họ rất yêu quý. Nhất là bố của Thương, bởi nhờ quen Kim, mà Thương đã thay đổi rất nhiều, làm nhiều việc mà tưởng chừng như cô  như vậy không thể làm được.

Có những điều mà chỉ cần chúng ta sống hết mình ở phút giây hiện tại đã là một hạnh phút lớn lao lắm rồi.

Và đôi bạn trẻ này cũng vậy, khi họ chỉ cần dành cho nhau những mật ngọt chân thành ở hiện tại, quý trọng nhau từng khoảnh khắc nhỏ, chăm sóc cho nhau từng chút một …điều đó còn hạnh phúc hơn cả những hứa hẹn xa vời!

Câu chuyện tình yêu của Kim và Thương chỉ đơn giản là vậy, dù Thương chẳng thể nào có được đôi chân lành lặn như bao cô gái khác. Hay dù Kim có đôi lần cảm thấy xuôi lòng khi nghe những dị nghị từ xã hội dành cho bạn gái mình.

Nhưng sau tất cả thì tình yêu của họ vẫn luôn đong đầy những hồi ức đẹp, để khi thời thanh xuân qua đi họ sẽ không bao giờ hối tiếc vì mình đã dám yêu!