Hành trình gian nan đi tìm hạnh phúc của một người khuyết tật
Hành trình gian nan đi tìm hạnh phúc của một người khuyết tật
Bị khuyết tật vận động từ nhỏ, anh Trần Văn Cảnh (sinh năm 1990), xã Minh Quang, huyện Tam Đảo chưa bao giờ dám nghĩ về một gia đình hạnh phúc của riêng mình, chỉ đến khi gặp chị Nguyễn Thị Hưởng, mọi chuyện đã thay đổi. Tuy nhiên, ước nguyện cùng nhau về chung một mái nhà của anh chị chưa thực hiện được vì bị gia đình kịch liệt phản đối.
Bị gia đình ngăn cấm kết hôn dù đã có con
Mặc dù bị khuyết tật vận động, song anh Trần Văn Cảnh vẫn minh mẫn như người thường, thậm chí, ở nhà anh còn bán bông, tăm tre oline. Năm 2017, anh Cảnh đến Thái Nguyên và gia nhập đội quân bán hàng rong. Đầu năm 2019, qua bạn bè, anh quen và yêu chị Nguyễn Thị Hưởng ở thành phố Bắc Ninh.
Chị Hưởng bị khuyết tật nhẹ ở tay nhưng vẫn đi lại được bình thường. Trong thời gian này, chị Hưởng sang Thái Nguyên ở với anh Cảnh 3 tháng và cùng anh đi bán tăm, bông.
Sau khi có thai, 2 anh chị đưa nhau về quê xin bố mẹ anh Cảnh cho phép được kết hôn, cnhưng gia đình không đồng ý vì họ không tin cái thai trong bụng chị Hưởng là cháu nội mình. Để ngăn cản 2 người đến với nhau, gia đình anh Cảnh đuổi chị Hưởng về quê và nhốt anh trong nhà.
Về phía gia đình chị Nguyễn Thị Hưởng cũng không muốn chị sinh con nên bắt đi phá thai. Không đồng ý, chị Hưởng đã trốn nhà vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống một thời gian. Thương con, cuối năm 2019, gia đình chị Hưởng gọi điện cho con gái về nhà.
Tháng 3/2020, khi thấy có dấu hiệu chuyển dạ, chị Hưởng một mình đạp xe lên bệnh viện tuyến huyện làm thủ tục sinh mổ. Ca phẫu thuật thành công giúp mẹ tròn, con vuông.
Con trai chị Hưởng nặng 3 kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Sinh con được 1 tháng, mẹ con chị Hưởng tìm về xã Minh Quang thăm anh Cảnh. Ở được với nhau 1 tuần, chị Hưởng lại bị gia đình anh Cảnh đuổi nên 2 mẹ con lại phải bồng bế nhau về Bắc Ninh (nhà ngoại).
Mặc dù bị nhốt trong nhà nhưng tâm trí anh Cảnh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chị Hưởng và con trai. Ngày nào anh Cảnh cũng điện thoại facetime trò chuyện và ngắm con trai ăn, ngủ hoặc chơi với mẹ.
Tình cảm cứ thế đong đầy, chất chứa theo từng ngày, nhưng anh không có cách nào để đến được với mẹ con chị Hưởng.
Mong muốn lớn nhất của anh chị lúc này là được gia đình đồng ý cho kết hôn để vợ chồng, con trai ở gần nhau. Do chưa kết hôn nên cháu Thiên Phúc (gần 6 tháng tuổi) vẫn phải mang họ mẹ.
Anh Cảnh tâm sự: “Em muốn được ở cùng vợ con mình và hằng ngày, đi bán tăm bông dạo kiếm tiền nuôi con. Em tin tưởng chúng em sẽ cùng nhau vượt qua được mọi khó khăn.
Nhìn thấy con khôn lớn mỗi ngày là điều hạnh phúc nhất đối với em lúc này. Đó chính là động lực để chúng em động viên nhau vượt qua sóng gió, thử thách của cuộc sống”.
Nhiều tấm lòng chung tay giúp đỡ cặp đôi khuyết tật
Lực bất tòng tâm khiến người đàn ông khuyết tật này bất đắc dĩ phải gọi điện thoại nhờ các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương… vào cuộc giúp đỡ.
Cảm thương trước hoàn cảnh éo le của anh Cảnh, một tổ chức thiện nguyện đã hỗ trợ kinh phí giúp anh chị lấy mẫu xét nghiệm AND tại Viện công nghệ AND và Phân tích di truyền (Hà Nội).

Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh Cảnh và con trai có quan hệ huyết thống bố – con, đây là bằng chứng tích cực giúp vận động, thuyết phục bố mẹ anh Cảnh đồng ý cho đôi trẻ được đến với nhau.
Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh trực tiếp hướng dẫn anh Cảnh chuẩn bị hồ sơ, lấy tờ khai, dấu vân tay… để cơ quan chức năng cấp CMND, giúp anh thuận tiện thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân của mình.
Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tam Đảo Nguyễn Trọng Dân cho biết: “Biết thông tin về việc của cháu Cảnh, tôi đã trực tiếp xuống UBND xã Minh Quang trao đổi với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương, đề nghị phối hợp vận động gia đình giúp đỡ cháu.
Qua gặp gỡ, chuyện trò với bố mẹ cháu Cảnh được biết, hoàn cảnh gia đình cháu trước đây thuộc diện khó khăn.
Tuy nhiên, qua động viên, thuyết phục của các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương nên nhận thức của gia đình đã có sự chuyển biến tích cực hơn.
Trước mong muốn của cháu Cảnh là được ở riêng, để không phải phụ thuộc và giảm bớt gánh nặng cho gia đình, một số tổ chức từ thiện nhân đạo đã có kế hoạch giúp đỡ đôi trẻ trong thời gian đầu”.
Có thể thấy, mưu cầu hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân là quyền của mỗi người khi đến tuổi trưởng thành, không phân biệt người khuyết tật, trình độ, thu nhập, hoàn cảnh.
Thực tế, trong xã hội đã có rất nhiều cặp vợ chồng khuyết tật kết hôn, sống với nhau hạnh phúc và sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Đó là động lực mạnh mẽ, giúp người khuyết tật tự tin chiến thắng số phận.
Pháp luật bảo vệ quyền kết hôn của người khuyết tật đồng thời nghiêm cấm hành vi cản trở quyền hôn nhân, quyền nuôi con của người khuyết tật.
Do đó, cùng với sự vào cuộc, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm, mong rằng gia đình anh Trần Văn Cảnh sẽ sớm hiểu ra vấn đề, lý lẽ để tạo điều kiện cho cặp đôi khuyết tật được kết hôn và về chung một nhà.
Bài, ảnh: Hà Trần