Bà giáo của trẻ khuyết tật và người nghiện
Khi nhắc đến bà Hồ Hương Nam (82 tuổi) cả phố An Dương (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) ai cũng biết đến bà. Ngoài việc cưu mang, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, bà còn là “cô giáo” của nhiều trẻ em khuyết tật.

Hai mô hình cùng song hành với người giáo già
Sau khi về hưu, bà làm cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em ở phường. Công việc đòi hỏi bà đến từng ngõ, gõ từng nhà. Cũng chính lúc này bà chứng kiến những thanh niên nghiện ngập hay những đứa trẻ bất hạnh sinh ra mang hình hài không bình thường, không được giao tiếp với bên ngoài, đặc biệt không được đi học. Tình thương trách nhiệm của một nhà giáo bao nhiêu năm làm nghề trồng người trong bà trỗi dậy thúc đẩy bà làm một việc gì đó giúp đỡ họ.
Năm 1993, bà thành lập câu lạc bộ của những người nghiện, vận động họ đi cai nghiện. Bà nói: “Họ đã bị rơi vào vũng bùn của xã hội, mình phải cưu mang để họ có chỗ dựa, không rơi vào đường cùng. Cứ hắt hủi, bỏ mặc họ thì thật đáng thương”. Sau khi những thanh niên này cai nghiện trở về, bà tìm một địa điểm ở phố An Dương giúp họ làm nghề rửa xe tự nuôi bản thân mình.
Khi những người nghiện có việc làm, bà lại bắt đầu trăn trở về những đứa trẻ bị khuyết tật. Bà lần nữa tiếp tục hành trình vận động, thuyết phục họ đưa con em khuyết tật của mình tham gia lớp học. Đến từng nhà, thuyết phục từng người, một lần, hai lần, ba lần… là hành trình thật gian nan, xen lẫn tủi thân. Có người vừa thấy bà đến đầu ngõ đã đuổi bà quầy quậy. Bà tâm sự: “Có những hôm đi bị chửi thậm tệ, nào là già rồi lẩm cẩm, việc mình không lo, đi lo việc thiên hạ. Biết tâm lý họ mặc cảm nên tôi không nản chí, kiên trì thuyết phục, dần dần họ cũng đồng ý”. Năm 1997, lớp học tình thương do bà chủ nhiệm được mở. Lúc đầu lớp học chỉ có hai học sinh. Bà vừa dạy vừa tiếp tục vận động những
gia đình khác.
Sau một thời gian tham gia lớp, các cháu biết về nhà chào hỏi, ăn cơm biết mời, tự đi vệ sinh, khi nghe phụ huynh kể lại, bà càng có niềm tin để tiếp tục công việc của mình. “Tiếng lành đồn xa”, các phụ huynh trước đây xua đuổi bà, giờ đã đồng ý cho con theo học.
Những đứa trẻ đến với bà đều gia đình khó khăn, mang khuyết tật khác nhau, như: Thiểu năng trí tuệ, câm, điếc, tự kỷ, khuyết tật về vận động… Bởi vậy, bà phải có nhiều phương pháp dạy khác nhau. “Dạy cho trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó hơn nhiều. Mình phải kiên trì, nhẫn nại, thậm chí một chữ cái có khi dạy cả tháng các cháu không nhớ là chuyện thường. Mình phải khái niệm cho các cháu, định hình cho các cháu được hình dạng chữ, phân biệt chữ a với o khác nhau thế nào và phải viết cho thẳng hàng, những trẻ câm điếc thì có giáo án riêng” – bà Nam tâm sự.
Cứ ngỡ mới hôm qua
Khi nhắc đến những kỷ niệm thời gian này, bà nói ngắn gọn hai từ “tình người”. Những đứa trẻ đến với lớp học của bà biết đọc, biết viết đã là điều kỳ diệu. Nhưng việc bà “biến” những đứa trẻ khuyết tật đó biết cảm nhận và thể hiện tình yêu thương mới là điều phi thường, những việc mà ban đầu chính bố mẹ các em cho rằng “không thể làm được”. “Năm 2002, tôi bị tai nạn, cháu Thoa trong lớp đến thăm, thấy bà nằm, tay băng bó, nó đã khóc vì sợ bà chết. Ngày 20.11 tôi được các cháu tặng hoa, tôi hỏi các cháu lấy tiền đâu mua hoa tặng bà? Nghe chúng bảo tiền từ quà ăn sáng, tôi không kìm được nước mắt” – bà Nam rưng rưng kể lại.
Chặng đường bà đưa chữ đến với trẻ khuyết tật luôn có sự ủng hộ của gia đình, cộng đồng xã hội, nhưng không ít lần bà cháu đang học thì phải trả địa điểm để địa phương xây trường, hay xây nhà văn hóa, mấy bà cháu lại phải tìm chỗ khác. Lần cuối cùng bà phải nhờ đến Phòng Giáo dục Q.Tây Hồ giúp đỡ. Người mà bà không bao giờ quên là cô giáo Trần Thị Vân (Hiệu trưởng Trường THCS An Dương). Từ đó đến nay các cháu có một căn phòng để học tử tế.
Mặc dù mái tóc đã pha sương, đôi lưng đã còng nhưng tấm lòng bà vẫn luôn hướng về những số phận thiệt thòi trong xã hội. Ông Việt (56 tuổi, chạy xe ôm ở phố An Dương) nói: “Bà cưu mang nhiều người lắm, từ người bị nghiện ma túy đến trẻ khuyết tật, cả khu phố ai cũng cảm phục bà bởi tấm lòng nhân hậu”.
Hiện nay lớp học tình thương của bà có 17 cháu theo học, với mong muốn sẽ có nhiều lớp được học như thế này nữa, nhiều trẻ khuyết tật có thể được biết đến con chữ là tâm nguyện của người giáo già 82 tuổi này.