CÂU CHUYỆN LÀM CHỦ CUỘC SỐNG CỦA LAN
“Dạo này em được học nhiều kĩ năng mới lắm. Em không chắc là em thích theo nghề vi tính hay nghề may nữa.” Mười tám tuổi, Lan đang phân vân giữa hai hướng nghề nghiệp. Hơn một năm trước, cơ hội lựa chọn này đối với em là điều gần như không tưởng.
“Em học hết lớp 7 thì bố mẹ buộc phải để em ở nhà. Em giúp bố mẹ những việc lặt vặt, nhiều khi chẳng làm gì cả và cảm thấy nhàm chán vô cùng. Em chẳng có người bạn nào. Hàng xóm và mấy bạn khác cứ chỉ trỏ và trêu chọc em.”
Cao xấp xỉ một mét, lưng gù và mắc bệnh hen suyễn, tương lai của một đứa trẻ khuyết tật như Lan tưởng như đã khép lại.
Theo số liệu từ nhà nước, hiện nay tại Việt Nam có ít nhất 1.3 triệu trẻ em khuyết tật, hơn một nửa trong số đó không được tiếp cận với giáo dục. Khắp nơi trên thế giới, trẻ em khuyết tật gặp nguy cơ cao bị đối xử thô bạo, bị bóc lột và lạm dụng. Phần nhiều các em không được bảo vệ, thậm chí không được nhìn thấy.
“Trẻ em mắc những khuyết tật về mặt thể chất, tri giác, trí tuệ hay cảm xúc là một trong những bộ phận trẻ em bị bêu xấu và xa lánh nhất. Sự hiểu lầm và e sợ đối với trẻ khuyết tật khiến các em bị đẩy ra bên lề gia đình, cộng đồng, nhà trường, và xã hội nói chung. Sự kì thị ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe và việc giáo dục các em, cũng như tác động tiêu cực đến lòng tự trọng và khả năng hòa nhập với mọi người xung quanh,” bà Lê Hồng Loan, trưởng bộ phận Bảo Vệ Trẻ Em của UNICEF giải thích.
Trung tâm Hoa Vàng – trung tâm hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật
Hoạt động từ năm 2011, trung tâm Hoa Vàng, một trong ba trung tâm dành cho trẻ khuyết tật được UNICEF hỗ trợ tại ngoại ô thành phố Đà Nẵng, mang đến một môi trường thân thiện và an toàn để giúp các em học tập và hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh việc học các nghề cơ bản, các em còn có cơ hội hiếm hoi được giao lưu với các bạn và tập vật lí trị liệu. Vào các ngày trong tuần, các em đến học vào ban ngày và về nhà vào buổi chiều. Trong lúc đó phụ huynh có thể làm việc để kiếm thêm thu nhập, bên cạnh việc xây dựng một môi trường mang tính khích lệ cho các em ở nhà.
“Trước đây em chẳng dám nói gì khi mọi người cười nhạo em. Bây giờ em muốn bảo họ rằng: Mình là một con người có ích. Mình biết dùng máy tính và mình có bạn bè. Đừng trêu mình như vậy nữa, mình có một tương lai phía trước.”
Mười tám tuổi, cao xấp xỉ một mét, lưng gù và mắc bệnh hen suyễn, đánh máy thành thạo và may vá khéo léo, có bạn bè và dự định trở thành một thợ may, Lan đã có được cơ hội để hòa nhập với cộng đồng và làm chủ tương lai của mình.