Nỗi đau ngàn đời

– Chúng ta chia tay thật sao?

– Phải! Bởi như thế sẽ tốt cho cả hai. Rồi anh tìm được người vợ mới và cô ấy sẽ sinh cho anh những đứa con khoẻ mạnh, lành lặn, chứ không như em…

– Giọng Nhi trầm xuống nhường chỗ cho tiếng nấc nghẹn ngào, hai khoé mắt lại tuôn trào. Nhưng dường như những giọt nước mắt đã không còn đủ sức để chảy xuống hai gò má hốc hác kia nữa.

Tiếng thở dài mệt nhọc của Nam vẫn đều đặn:

– Quả thật anh không hề muốn như thế, nhưng…!

– Nhưng bố mẹ anh lại muốn có những đứa cháu khoẻ mạnh, không phải quái thai, đúng không?

– Mẹ bảo, nếu em đồng ý ký vào đơn, thì sẽ để lại ngôi nhà này cho em.

– Nam nói với đôi mắt hướng ra ngoài cửa sổ, lẩn tránh điều gì đó.

Nhi bỗng bật đứng dậy hướng những tia nhìn căm giận về phía chồng:

– Không! Em đã tới với anh như thế nào thì sẽ ra đi như thế.

– Vậy em xoay xở thế nào với cuộc sống?

– Em biết! Tuy nhiên nhất quyết em không cầu xin lòng thương hại của người khác. – Nhi nói một cách cương quyết và đôi mắt trợn lên như để minh chứng thêm lòng tự trọng của mình.

Dang hai cánh tay ra chặn trước cửa, Nam quát lớn:

– Em định đi đâu, ngoài kia trời đang mưa cơ mà?

Đẩy mạnh cánh tay đang chặn ở cửa, Nhi dứt khoát:

– Em nghĩ điều ấy không quan trọng, vì ngày mai mẹ anh sẽ đem một cô gái khác về thế chỗ em ngay thôi!

Dứt lời Nhi lao ra cửa, bỏ mặc tiếng Nam đang gọi khàn cổ phía sau. Vừa bước xuống chân cầu thang Nhi bỗng nghe giọng cay nghiệt của mẹ chồng ở trên lầu vọng xuống: “Kệ nó con ạ! Chỉ tại con ngu mới rước phải đứa con gái vừa nghèo lại vừa không biết sinh con về làm vợ. Bỏ nó không có gì mà tiếc hết!”. Nhi đã bỏ đi khỏi nhà vào một buổi chiều chủ nhật nhiều mưa và sấm sét và cũng trộn lẫn vào đấy cả những giọt nước mắt buồn tủi.

***

Hai mắt đang từ từ hé mở, đưa mắt nhìn khắp phòng Nhi hết sức kinh ngạc khi vây quanh mình tất cả mọi thứ đều khác lạ. Cố vươn người ngồi dậy một cách uể oải, nhìn một lượt và nói trong ngơ ngác: – Tôi đang ở đâu thế này?

Vừa dứt lời thì cửa phòng bật mở. Hốt hoảng khi trước mắt mình là một người đàn ông lạ, Nhi bỗng lớn tiếng: – Anh là ai? Tại sao tôi lại ở đây thế này?

Tuấn bước tới cạnh giường với một nụ cười hiền từ, đáp: – Không nhận ra anh hả? Còn tại sao em lại ở đây ư? Hôm chủ nhật anh thấy em nằm ngất xỉu giữa trời mưa ở ngoài nghĩa trang, nên đã đưa em về nhà chăm sóc gần hai ngày nay rồi đấy.

Bất giác Nhi nhìn khắp người mình hoảng hốt khi bộ áo quần mình đang mặc. “Bốp” – Sao anh dám…? – Nhi buộc phải bỏ giữa chừng câu nói, khi một tay Tuấn nắm lấy tay Nhi còn tay kia thì xoa một bên má nơi vừa bị tát, để thanh minh: – Xin lỗi, bởi lúc đó Nhi đang sốt cao nên không thể mặc nguyên bộ áo quần ướt kia được. Qủa thật lúc ấy anh không còn cách nào khác, nên… – Giọng nói kia chợt hạ xuống và thay chỗ cho sự lúng túng, khiến Nhi cảm giác như muốn nguôi đi cơn tức giận. Bối rối trong giây lát, cúi hẳn đôi mắt xuống Nhi lí nhí trong cổ họng: – Tôi…tôi xin lỗi!

Tuấn ngồi cạnh giường vừa lấy cái di động trong túi áo ra vừa bảo: – Nhi cho anh số điện thoại của Nam, để anh biểu anh ấy tới đón em về. Thật anh không thể hiểu nổi tại sao Nhi vừa sinh dậy, rồi lại phải trải qua cú shock quá lớn, vậy mà anh ấy lại em để một mình ra ngoài nghĩa trang giữa trời mưa như thế? – Luyên thuyên một hồi, chợt ngước mắt lên Tuấn sững sờ khi thấy Nhi đang ôm mặt khóc.

– Nhi à! Anh rất hiểu nỗi đau mà em đang gánh chịu. Anh và các bác sĩ còn lại khi phát hiện căn bệnh của em, ai cũng lấy làm đau lòng hết. Bởi lẽ chiến tranh đã đi vào quá khứ hơn ba mươi năm. Song nỗi đau do nó để lại thì quá lớn, nó không những gây tổn thương cho cha mẹ ông bà, những người đã từng tham gia vào cuộc chiến đó, mà nó còn hành

hạ cả chúng ta và không những thế nó còn di căn sang con cháu của chúng ta. Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba được sinh ra sau chiến tranh cả mấy chục năm, thế mà cái thứ chất độc tàn ác kia vẫn không chịu buông tha. – Tuấn nhìn thẳng về phía Nhi thấp giọng tiếp – Trong số ấy có cả đứa con mà em vừa sinh ra. Và thật bất công thay khi chính những kẻ đã gây ra tội ác này ở bên kia đại dương lại không có lấy một chút trách nhiệm khi gieo thứ chất độc khủng khiếp ấy xuống đất nước này?

Tiếng khóc của Nhi cứ dần tăng lên trong sự uất ức – Nhưng tại sao lại là tôi cơ chứ? Tại sao trong chốc lát tôi bỗng mất tất cả; gia đình, công việc và cả đứa con tôi sinh ra mà chưa một lần thấy mặt nó? – Giọng Nhi rơi vào hoảng loạn, hai tay túm lấy cổ áo Tuấn cầu xin – Không, làm ơn trả con cho tôi! Dẫu cho nó có dị dạng tới mức nào thì đấy vẫn là con tôi. Sao các ngươi lại nhẫn tâm bỏ nó một mình ở ngoài nghĩa trang lạnh lẽo kia thế?

– Kìa Nhi, em bình tĩnh lại đi! – Tuấn lớn tiếng cố trấn an tinh thần – Anh hiểu em đang phải trải qua rất nhiều đau khổ. Tuy nhiên cái gì đã qua chúng ta không thể nào lấy lại được!

Nhi bỗng phá lên cười, giọng cười vô thức của một kẻ mất trí. Cười trước sự đau khổ khi những giọt nước mắt vẫn cứ rơi:

– Ai có thể hiểu được nỗi đau này của tôi khi ba mẹ chồng đã đuổi tôi ra khỏi nhà, còn chồng tôi lại đứng nhìn trong nhẫn tâm.

Lúc này Tuấn chỉ còn biết im lặng trong sự xót xa, bởi một nhẽ những lời an ủi bây giờ chỉ là sự thừa thãi, sáo rỗng và sẽ càng làm tăng thêm sự khổ đau trong Nhi mà thôi. Cầm cốc sữa đặt vào tay Nhi, Tuấn nhẹ nhàng bảo:

– Em hãy cố uống hết cốc sữa này và nghỉ đi một lát. Dằn vặt lúc này chỉ làm em thêm mệt mỏi hơn thôi.

Cầm cốc sữa trên tay Nhi ngước lên nhìn đôi mắt của Tuấn, đôi mắt ấy ẩn chứa nỗi cảm thông chia sẻ một phần của nỗi đau mình đang gánh chịu. Vào lúc này đây nó thật quý giá hơn tất thẩy mọi thứ…

***

– Tôi sinh ra ở một làng quê, nơi ấy sự nghèo khổ là nỗi thường trực hàng ngày mà dường như không có cái gì có thể thay thế được. Nơi đó cứ mỗi một nhà có ba người con, thì hai trong ba người ấy, nếu không bị liệt thì cũng dị dạng nằm một chỗ hoặc mắc chứng bệnh thần kinh. Thậm chí có nhà sinh được năm, sáu người con thì tất cả đều chẳng có ai thành người một cách trọn vẹn. Không một ai lí giải tại sao lại như vậy? Tất cả chỉ còn biết đổ lỗi cho ông trời cho số phận kiếp trước của mình làm quá nhiều điều thất đức, nên bây giờ phải chịu sự trừng phạt của luật nhân quả. – Đưa tay lên gạt những giọt nước mắt rồi Nhi tiếp tục kể – Mọi người trong làng ai cũng bảo gia đình tôi là hạnh phúc nhất. Vậy anh có biết hai chữ “Hạnh Phúc” ở đây có nghĩa gì không? – Nhi đột ngột dừng lại câu chuyện hướng ánh mắt về phía Tuấn hỏi.

Ngơ ngác trong phút chốc vì mãi đắm mình theo lời kể của Nhi, Tuấn chưa kịp nghĩ ra câu trả lời thì ngay lập tức Nhi đã cướp lời: – Cha tôi là bộ đội còn mẹ tôi là thanh niên xung phong. Họ tới với nhau khi cả hai đều đã quá lứa lỡ thì, vì tuổi xuân của họ đã cống hiến hết cho chiến tranh. Tôi sinh ra trong tình yêu thương của cả hai và không hiểu sao tôi lại may mắn khi mình được lành lặn khoẻ mạnh, không giống các đứa trẻ trong làng khác. Chính điều đó đã khiến mọi người trong làng đều bảo gia đình tôi là gia đình hạnh phúc. Lớn lên trong sự nhọc nhằn cơ cực của cha mẹ, phải ăn khoai ăn sắn để dành tiền nuôi tôi ăn học. Học hết phổ thông tôi thi đậu đại học, niềm vui sướng tự hào của cha mẹ tôi xen lẫn thêm những khó khăn khi cho tôi lên thành phố trọ học. Xong hết đại học tôi quyết định ở lại thành phố xin việc và sau những tháng ngày vất vả, cuối cùng tôi đã xin được vào công ty nơi Nam làm giám đốc. Và có lẽ tình yêu của chúng tôi đã đến từ ngay lần gặp gỡ đầu tiên, nhưng một lẽ tình yêu ấy là sự chênh lệch quá lớn giữa đũa mốc và mâm son; khi gia đình anh ấy giàu có, quyền cao chức trọng còn gia đình tôi chỉ là nông dân lam lũ cực khổ. Để cưới được tôi, Nam phải phá tan mọi rào cản từ phía gia đình anh ấy. Vậy mà hạnh phúc kia chỉ vừa mới trọn vẹn một năm, thì… – Nhi cúi mặt xuống và vẫn tiếp tục ôm mặt khóc tức tưởi – Tôi không thể hiểu nổi sao mọi chuyện lại trở nên tồi tệ đến vậy?

Tuấn chìm vào câu chuyện Nhi vừa kể và câu chuyện đó là một trong hàng triệu những câu chuyện đau thương của những nạn nhân bị nhiễm phải thứ chất độc khủng khiếp kia trên đất nước Việt Nam nhỏ bé, mà Tuấn đã từng chứng kiến hoặc nghe kể lại. Trong đó có cả Như Ngọc – người bạn thân đã mất cách đây ba năm. Bất giác Tuấn đứng dậy trong vô thúc, bước đến bên tấm hình cô gái đang ngồi trên xe lăn với nụ cười hiền từ treo trên tường. Khẽ đặt các ngón tay lên khuôn mặt trong ảnh, nghẹn ngào nói: – Ngày anh vừa tốt nghiệp trường y, cũng là ngày cô ấy không còn trên thế giới này nữa. Cô ấy ra đi khi mới hai mươi tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của mỗi con người. Hồi bé anh vẫn thường nói với cô ấy rằng: “Sau này lớn lên nhất định anh sẽ trở thành một bác sĩ thật giỏi, để có thể chữa cho đôi chân kia của em được đi lại bình thường như bao người khác”. Và cái ngày anh sắp trở thành bác sĩ, thì cô ấy lại ra đi mãi mãi” – Tĩnh lặng trong giây lát như để cho quá khứ tràn về trong suy nghĩ, rồi Tuấn lại tiếp tục – “Lúc sinh ra Như Ngọc đã bị nhiễm chất độc da cam, nên hai chân càng ngày một teo dần, không những thế khi lên 18 tuổi cô ấy còn mắc thêm căn bệnh máu trắng nữa và hầu như trong suốt những năm tháng kế tiếp, cuộc sống của cô ấy chỉ gắn liền trong bệnh viện. Hằng ngày sau những giờ học trên lớp, anh lại chạy vào viện thăm cô ấy. Mỗi một ngày Như Ngọc đều tặng cho anh một bức tranh mới do chính cô ấy vẽ. Với Như Ngọc vẽ không chỉ là niềm đam mê; mà còn là niềm hy vọng sống cuối cùng cho cô ấy. Một đôi bàn tay gầy yếu và chưa một lần được trải qua trường lớp đào tạo nào, thế nhưng các bức tranh do cô ấy vẽ lại sống động và có hồn đến kỳ lạ? Những tưởng một cô gái phải sống trong nỗi bất hạnh cộng thêm sự đau đớn hành hạ của bệnh tật, chắc chỉ biết tới những gam màu u tối buồn bã. Vậy mà đối với Như Ngọc thì ngược lại hoàn toàn. Đôi mắt đen tròn biết cười và không lúc nào thôi ngừng sáng lên những tia hy vọng. Tất cả vẫn còn ám ảnh lấy anh cho đến hôm nay.

– Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao anh lại nhìn thấy tôi ngất xỉu ở nghĩa trang hôm trước.

Tuấn vẫn tiếp tục bằng giọng nghẹn ngào:

– Dẫu có bận rộn với hàng đống công việc, thì anh đều phải dành đôi chút thời gian đi thăm mộ cô ấy vào ngày chủ nhật mỗi tuần.

 

Ngồi nhìn Tuấn đang đứng gục đầu vào tấm hình treo trên tường, bỗng trong tim Nhi dâng lên niềm xúc động rất lớn trước một tình bạn đẹp của họ.

– Hình như vì mải chăm sóc tôi, nên hai ngày qua anh đã không tới bệnh viện? – Dựa đầu vào thành giường Nhi vờ hỏi một câu gì đó như để đưa Tuấn thoát ra khỏi những ký ức đau buồn kia.

 

Chợt giật mình quay người lại Tuấn lắc đầu, bảo: – Anh được nghỉ phép một thời gian để viết luận án thạc sĩ, luận án này mang một cái tên rất văn học là: “Nỗi đau ngàn đời”. Anh đi sâu vào nghiên cứu những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba sinh ra sau chiến tranh bị nhiễm chất đioxin. Nếu như bản luận án này được đề duyệt, thì anh nghĩ mình sẽ góp thêm bằng chứng nữa cho các phiên toà kế tiếp giữa những nạn nhân bị nhiễm chất da cam với những công ty hoá chất của Mỹ, nơi đã sản xuất ra thứ chất độc chết người ấy.

 

Nhìn Tuấn đang hăng say kể chuyện với đôi mắt rực sáng sau cặp kính cận, trong lòng Nhi càng tăng thêm cảm giác đau đớn. Ai có thể ngờ rằng chất đioxin cách đây mấy chục năm, nằm ẩn mình trong dòng máu của ba mẹ, đến hôm nay nó mới hiện nguyên hình trong cơ thể Nhi. Để rồi từ đấy cái bản năng làm mẹ, được sinh ra những đứa con khoẻ mạnh đã bị thứ chất độc kia giết chết ngay lúc phôi thai mới hình thành trong trứng.

***

Ngay sau phiên toà ly hôn kết thúc, một lần nữa Nhi lại phải nhập viện trong tình trạng suy nhược. Ba ngày liền nằm hôn mê, trong cơn mê Nhi luôn gào thét một cách tuyệt vọng và luôn miệng cầu xin: “Làm ơn hãy trả con cho tôi”. Những câu nói kia như những nhát kiếm đang cứa vào tim Tuấn nhói đau quằn quại. Tỉnh dậy với khuôn mặt hốc hác, làn nước da trắng bệch và đôi mắt đờ đễnh, Nhi hết sức ngạc nhiên khi trước mắt mình vẫn là Tuấn. Cố vươn người ngồi dậy Nhi ngước lên nhìn Tuấn, thều thào hỏi: – Hôm nay là thứ mấy?

 

Tuấn cho hai tay vào hai túi áo bluose ngã người vào thành ghế ngạc nhiên, đáp: – Chủ nhật ngày hai mươi hai. Sao, bộ Nhi có hẹn với ai hả?

– Không! Bởi hôm nay là ngày Nam đính hôn. – Giọng Nhi nhỏ dần theo từng câu chữ.

– Sao cơ? – Tuấn đứng dậy tiến về phía giường – Nhưng hai người vừa mới ly hôn cách đây ba ngày, sao anh ta lại có thể nhẫn tâm làm chuyện đó một cách nhanh đến vậy?

– Nam là con một nên… – Nhi chưa kịp nói hết câu thì Tuấn đã cướp lời: – À, anh hiểu rồi. Tuy nhiên nếu lấy vợ chỉ để duy trì nòi giống, chắc có lẽ anh sẽ lấy hàng trăm cô vợ mà không cần thời gian suy nghĩ và quên đi người mình đã từng yêu thương cũng được.

Nhi bỗng lắc đầu nói tiếp: – Tôi chẳng hề oán trách gì anh ấy. Tất cả chỉ tại số phận của tôi quá bất hạnh thôi!

Tuấn liền tức giận lớn tiếng: – Ơ hay! Cái chất độc chết người đó do nước Mỹ sản xuất cách đây mấy chục năm, vậy thì vì lý do gì Nhi lại đổ lỗi cho số phận của mình cơ chứ?

– Chẳng lẽ bây giờ anh bắt tôi gửi đơn lên toà án Mỹ và bảo rằng: trong người tôi đang tồn tại chất đioxin, nên tôi không thể sinh ra những đứa con khoẻ mạnh chính vì thế mà tôi muốn các công ty hoá chất ấy phải bồi thường vài chục nghìn đô la hay sao? – Ngắt hơi trong vài giây Nhi tiếp – Lúc nghe tin những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đưa đơn

kiện các công ty hoá chất của Mỹ, ở quê tôi ai cũng vui sướng; họ vui sướng không phải vì sẽ được bồi thường vài nghìn đô la. Bởi lẽ dẫu có được bồi thường tới bao nhiêu đi chăng nữa, nước Mỹ vẫn không thể chữa trị hết mọi vết thương về tinh thần và thể xác cho các nạn nhân kia được. Vì nó đã huỷ hoại từ đời cha, tới đời con rồi sang lẫn đời cháu… biết bao thế hệ đã bị thứ chất độc kia hành hạ. Thế nhưng những nạn nhân ấy chỉ muốn cả nước Mỹ phải tận mắt chứng kiến và có trách nhiệm về những gì họ đã gây ra cho đất nước này. Song anh thấy đấy, chúng ta vừa mới gửi đơn lên toà án sơ thẩm, thì đã bị họ bác bỏ ngay lập tức. Mặc dù cả thế giới đều ủng hộ chúng ta và thậm chí cả người dân nước Mỹ cũng lên tiếng giúp chúng ta, nhưng rốt cuộc chúng ta vẫn bị thua kiện.

– Anh biết. Tuy nhiên người Việt Nam chúng ta sẽ quyết không bao giờ bỏ cuộc! – Giọng Tuấn bỗng mạnh mẽ – Ngày xưa cha chú chúng ta đã hi sinh biết bao xương máu cho thế hệ chúng ta có được một cuộc sống ấm no, đầy đủ như hôm nay, vậy thì tại sao chúng ta không ra sức dành lấy công lý cho những nạn nhân ấy? Và sự thật anh đang có ý định mời Nhi cùng cộng tác cho bản luận án làm dở của mình. Bởi hơn ai hết Nhi cũng đương phải gánh chịu nỗi đau ngàn đời ấy, thế thì tại sao Nhi lại có những suy nghĩ như vậy?

Nói đoạn rồi Tuấn lắc đầu thất vọng, tức giận bỏ ra khỏi phòng.

***

Lúc này đây chỉ còn lại mình Nhi trong căn phòng được bao phủ toàn một gam màu trắng. Từng giọt nước trong bình truyền vẫn cần mẫn chảy vào ống dẫn được nối vào cổ tay Nhi. Còn ngoài kia những vệt nước dài loang lổ nơi tấm kính, chỉ đưa mắt nhìn ra ngoài ấy Nhi vẫn có thể cảm nhận hết cơn giá lạnh của mùa đông. Dường như mưa ngày một nặng hạt và gió cũng vì thế mà thổi dữ dội hơn, chẳng cần phải cảm nhận bằng da thịt, mà chỉ cần ngồi nhìn nhành cây khô ngoài cửa duy chỉ còn lại một chiếc lá lẻ loi rung rẩy trước cơn gió mạnh; cũng đủ khiến Nhi mường tượng ra cái khung cảnh buốt lạnh. Nhìn chiếc lá trên cành cây khô ngoài trời đang một mình đơn độc chống chọi lại ngọn gió hung ác và

các hạt mưa trĩu nặng, bất chợt Nhi nhớ lại toàn bộ những gì Tuấn đã nói hồi nãy. Đan xen vào đấy là những hình ảnh đã đeo bám lấy trí nhớ của Nhi trong suốt quãng thời gian qua. Ngày xưa những hình ảnh đó đã khiến Nhi sợ hãi mỗi khi nhìn thấy những hình hài không lành lặn bình thường như mình; với các dị dạng ghê sợ, vô tri vô giác, mà mỗi khi trái gió trở trời họ lại gào thét đập phá… và Nhi đâu có thể ngờ rằng lúc này đứa con của mình sinh ra cũng cùng chung số phận như thế. Hôm nghe bác sĩ thông báo rằng mình không có khả năng sinh ra những đứa con khoẻ mạnh, Nhi cảm giác như mình đang trèo lên một ngọn núi cao, thì bị trượt dốc cuốn theo mọi thứ: tình yêu, hạnh phúc và cả đứa con sinh ra chưa một lần thấy mặt nó. Chưa được ôm nó vào lòng và cho nó bú những dòng sữa ngọt đầu tiên trong cuộc đời làm mẹ của mình. Vừa nghĩ đến đó tự nhiên Nhi cảm thấy hai đầu ngực mình căng tức nhói đau, đưa tay lên bóp nhẹ một bên đầu ngực, chợt những tia sữa đầu tiên phun ra và hoà cùng theo nó là những giọt nước mắt đau xót.

– Con à, đáng lẽ giờ này mẹ đang ôm con vào lòng và cho con bú những dòng sữa ngọt đầu tiên, chứ không phải để nó chảy ra hoang phí như thế này.

 

Giọng nói đứt quãng trong nghẹn ngào và cạn sức của Nhi, khiến Tuấn lúc ấy đang đứng ngoài cửa cứ nhói đau đến thắt lòng. Có những nỗi đau không phải của riêng ai, mà cả dân tộc đều cùng gánh chịu, chính điều đó đã buộc chúng ta gắn kết lại với nhau và tạo ra một nguồn sức mạnh để cùng dành lại công lý cho những nạn nhân ấy. Tuấn tự nhủ mình phải ra sức hoàn thành bản luận án kia một cách xuất sắc nó giống như một hồi chuông nhỏ hoà nhịp cùng những hồi chuông khác, làm đánh thức “những trái tim sắt đá” của một số kẻ bên kia trận tuyến. Để những nạn nhân đó trong ấy có cả Như Ngọc cùng với đứa con của Nhi sẽ được an ủi một phần nào… Bất giác Tuấn mơ hồ nhận ra một điều, hình như anh không chỉ muốn chăm sóc Nhi trong những ngày nằm bệnh viện, mà cả những chuỗi ngày còn lại. “Phải chăng?” suy nghĩ của Tuấn chợt hiện lên câu hỏi ấy…

Đông Hà 9/2008