Bài viết

Ca sĩ Phương Dung xây ước mơ trên đôi nạng gỗ

Ca sĩ Phương Dung

Phương Dung có gương mặt thanh tú. Nói chuyện với cô, người ta dễ dàng nhận thấy nét trong sáng, yêu đời trong nụ cười tươi. Nếu không có đôi nạng kế bên, chẳng ai nghĩ Phương Dung là một cô gái khuyết tật. Nhưng nếu không có đôi nạng đó, chắc gì đời có thêm một ca sĩ, một diễn viên Phương Dung!

Cuộc đời Phương Dung thăng trầm như những note nhạc, nhưng cô lại biết tạo thành một giai điệu vui.

Tuổi thơ tranh đấu để được “học thật”

“Tôi nghe ba mẹ kể lại, hồi được hơn một tuổi thì tôi bị sốt bại liệt, người cứ như cọng bún, mềm oặt. Mùa nắng thì ba ẵm đi chữa bệnh, mẹ ở nhà buôn bán. Mùa mưa mẹ lại thay ba, bế tôi khi khắp nơi. Nghe được nơi nào có thầy thuốc giỏi là đi, cứ như thế 6 năm trời,” Phương Dung bắt đầu câu chuyện đời mình như thế.

Có lẽ, suốt đời cô sẽ không thể bước qua được ngưỡng cửa với đôi chân teo tóp, khi không có một “phép màu” vào năm 1990. Năm đó, một hội từ thiện của nhóm bác sĩ bên Ðức qua Việt Nam, và lên Ðà Lạt chữa bệnh. Họ lập danh sách trẻ em khuyết tật, chở về Sài Gòn chữa trị. Phương Dung may mắn có tên trong danh sách này.

Sau hai năm, Phương Dung trở về nhà với đôi nạng. Lúc đó cô đã 9 tuổi, và mới được đến trường.

Cô kể: “Ngày đầu đi học, tôi đã bị nghe những lời chọc ghẹo rất nặng từ bạn bè như ‘con què’… Tôi rất giận và bực lắm, nên thấy rằng mình cần phải có một vỏ bọc mạnh mẽ để tự bảo vệ mình, dù trong lòng chỉ muốn khóc.”

Không chỉ bị bạn bè chọc ghẹo, do đi học trễ và bị tật đôi chân nên Phương Dung cũng bị cô giáo đánh giá thấp về học lực. “Cô giáo cho rằng tôi không đủ trí thông minh để học, nên chỉ cho tôi học ngoài sổ.”

“Học ngoài sổ” có nghĩa là chỉ được đến lớp học, nhưng không được chấm điểm dù có nộp bài, không được cô giáo gọi trả bài, và nếu có giơ tay xin phát biểu cũng không được. Cô giáo e ngại nếu Phương Dung không học được, mà tên có trong sổ, lớp cô giáo ấy sẽ bị tụt hạng.

Phương Dung không biết mình chỉ là một nạn nhân của nền giáo dục thành tích. Không biết phải nói gì, cô phản ứng theo cách riêng.

Cô kể: “Lúc đó tôi bất bình lắm. Trong lớp, khi cô đặt câu hỏi, các bạn giơ tay xin trả lời, tôi cũng giơ tay, nhưng không bao giờ cô gọi tôi cả. Mỗi lần cô giáo thu tập làm bài rồi chỉ ghi chữ ‘Xem’ mà không cho điểm, là tôi xé tờ đó, xé cho đến khi cuốn tập làm bài của tôi chỉ còn hai trang bìa. Cô giáo méc mẹ. Tôi bị mẹ la, nhưng cãi lại, ‘Con đủ thông minh để học, tại sao cô không cho con học?’ ‘Tại sao các bạn có điểm mà con lại không có?’ Tôi nói mà nước mắt cứ trào ra vì uất ức.”

Từ trái: Ca sĩ Phương Dung, nghệ sĩ Thành Lễ, và nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh. (Hình: Phương Dung cung cấp)

Mẹ Phương Dung nói chuyện với cô giáo. Biết điều đó là phi lý, cô giáo cho Dung học thật. Nửa năm sau Dung đứng nhất lớp, và được chọn làm lớp trưởng. Năm lớp Hai, Phương Dung đã bộc lộ năng khiếu ca hát, nên cô giáo cho làm lớp phó phụ trách văn nghệ. Dung giữ “chức” này cho đến lớp 12, nhờ khả năng hát hay, mà còn biết tổ chức dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho trường.

Chống nạng vào Sài Gòn tìm chỗ đứng

Năm 1999, khi đang học lớp 12, Phương Dung giấu gia đình ghi danh thi Tiếng Hát Truyền Hình tỉnh Lâm Ðồng. Cô biết, nếu xin cũng chẳng được, dù không nói ra, nhưng dễ gì ba mẹ cô đồng ý!

Tự đứng thẳng bằng đôi nạng, bằng sự duyên dáng, tự tin vào khả năng của mình. Cô muốn bước ra một chân trời mới. Giải Tư cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình tỉnh Lâm Ðồng là cuộc bứt phá ngoạn mục đầu tiên của Phương Dung. Hai nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Nguyễn Nam từ Sài Gòn ra chấm thi cũng phải ngạc nhiên về giọng hát của cô gái tật nguyền với đôi mắt sáng, và nụ cười tươi. Họ khuyên cô nên vào Sài Gòn để tìm cơ hội.

Phương Dung kể: “Ðược sự khuyến khích của hai nhạc sĩ, tôi tự tin hơn. Tôi nghĩ vào Sài Gòn, cuộc sống của tôi sẽ được thay đổi, ước mơ trở thành một cô giáo dạy nhạc cho những em kém may mắn của tôi sẽ thành hiện thực.”

Treo ước mơ trên đôi nạng gỗ, Phương Dung được ba cô dẫn vào Sài Gòn để nộp đơn thi vào nhạc viện Sài Gòn. Cô nghĩ với giọng hát của mình, cùng với giải thưởng ở cuộc thi tỉnh, cánh cửa nhạc viện chắc chắn sẽ mở rộng chào đón. Nhưng đường đời không bằng phẳng như cô nghĩ.

“Họ từ chối đơn thi của tôi với lý do trường không nhận người khuyết tật. Họ đóng cánh cửa với tôi bằng một câu phũ phàng như thế.”

Phương Dung kể: “Ba và tôi ngồi thẫn thờ trước cửa nhạc viện, và tôi đã khóc rất nhiều. Tôi nghĩ đời mình không còn gì nữa, nhưng ba tôi động viên tôi, ông nói ‘không học được trường này, thì mình học trường khác, con đừng buồn.’ Nhưng tôi không cam tâm. Tại sao họ không cho tôi thi, rồi đánh rớt tôi cũng được. Tại sao tôi không được thi, chỉ vì bị tật nguyền? Có ai muốn mình phải chống đôi nạng suốt đời đâu? Câu hỏi ‘tại sao’ đó cứ dày vò tôi. Tôi khóc rất nhiều, nhưng không muốn bỏ cuộc.”

Phương Dung quyết định tìm thầy học thêm về thanh nhạc để năm sau nộp đơn thi lại. Cô muốn chứng minh mình xứng đáng được học, và không ai có thể đánh rớt cô được. Ðược người quen giới thiệu cô Mỹ An, một cô giáo ở nhạc viện, Phương Dung đến xin học luyện thi. Sau khi thử giọng Phương Dung, cô Mỹ An nhận lời kèm cô gái tật nguyền nhưng có ý chí này. Năm đó, Phương Dung không chỉ học thanh nhạc, mà còn học đủ các môn như ký xướng âm, hòa âm,… với người cô đáng kính này.

Năm 2000, một lần nữa Phương Dung nộp đơn thi vào nhạc viện. Họ vẫn không nhận vì quy định quái ác này, nhưng cho cô học ngoài sổ – Ðược học tất cả các môn nhưng không được chấm điểm.

“Tôi xem đó như sự thử thách của cuộc đời. Tôi nghĩ tất cả thử thách đều hay, vì nó giúp tôi có động lực phấn đấu. Tôi sẽ đi tiếp con đường mình đã chọn,” Phương Dung chia sẻ.

Cũng trong năm đó, cô giấu mọi người tham gia cuộc thi Tiếng Hát Phát Thanh Sài Gòn. Lặng lẽ đi thi, lặng lẽ về, chẳng ai biết cho đến khi được vào vòng chung kết xếp hạng, Phương Dung mới thú thật với cô Mỹ An nhờ dạy thêm. Nhờ sự giúp đỡ của cô giáo, Phương Dung đoạt giải Ba Tiếng Hát Phát Thanh.

“Cuộc đời tôi là những chuỗi ngày cố gắng miệt mài, có vui và không vui. Vui là do tôi tạo ra, buồn cũng vậy. Cuộc sống là của mình, cảm nhận như thế nào là do mình thôi. Thế nên nếu có buồn thì cố gắng bỏ qua một bên để mà sống,” Phương Dung tâm sự như tự động viên tinh thần, mặc cho người đời nhìn cô với ánh mắt thương hại, hay e ngại.

Cô kể về kỷ niệm lần đầu tiên đi hát: “Lần đầu tiên đi cùng cô bạn xin hát ở một quán nhỏ. Cô bạn hát ở đó xin giùm nhưng nhìn thấy tôi và đôi nạng, chủ quán e ngại từ chối. Tôi hiểu, họ cũng vì miếng cơm thôi, nếu sự có mặt của tôi làm khán giả bỏ về thì họ làm sao sống. Tuy biết vậy, nhưng tôi tủi thân lắm.”

Khi người bạn cô lên hát, ngồi ở cánh gà, nghe bạn hát một ca khúc quen thuộc, Phương Dung hát bè theo, chỉ với mục đích làm bài hát được hay hơn. Không ngờ khi bạn cô hát xong, những tràng vỗ tay khen ngợi nổi lên đồn dập. Cô nghĩ khán giả khen bạn mình, nhưng khi nhiều người đến chỗ cô ngồi tặng hoa, cô mới biết những tràng vỗ tay đó dành cho mình.

Vai diễn như cuộc đời

“Tôi đi hát từ đó. Tôi cần khán giả, và yêu công việc, thế thôi.” Phương Dung kể:

“Lúc đó vừa học, rồi đi hát kiếm tiền trang trải tiền trường, tiền nhà, tiền ăn uống. Cuộc sống khó khăn, và kham khổ lắm. Năm 2002, đài truyền hình tìm một người khuyết tật đóng bộ phim. Chỉ còn 1 tuần nữa bấm máy thì đạo diễn đến tìm tôi. Dù chưa xem kịch bản, nhưng khi nhìn thấy tựa phim ‘Xe Lăn’ là tôi bị dội, vì từ nhỏ tôi đã rất ghét ngồi xe lăn, nó rất gò bó, không thoải mái. Người bạn yêu quý của tôi là cặp nạng này.”

Phương Dung (phải) song ca cùng ca sĩ Như Quỳnh trên sân khấu “Ngọc Trong Tim.” (Hình: Phương Dung cung cấp)
Ðạo viễn Vũ Thành Vinh cố thuyết phục Phương Dung. Khi gặp và nói chuyện với cô, anh hiểu cô chính là nhân vật anh tìm kiếm, chỉ có cô mới vào vai Hạnh trong “Xe Lăn” trọn vẹn. Sau một đêm đọc kịch bản và suy nghĩ, Phương Dung quyết định tham gia bộ phim này “không phải vì muốn trở thành diễn viên, mà nghĩ đây là việc mình nên làm.”

Cô chia sẻ: “Nếu tôi thành công trong bộ phim, các bạn khuyết tật sẽ rất tự tin, vì nghĩ người bình thường làm được thì người khuyết tật làm cũng được. Thứ hai người xem phim sẽ có cái nhìn khác với người khuyết tật, vì nội dung phim nói đến sự bất công đối với người khuyết tật. Vì cái nhìn thiển cận của người đời, nhiều khi người khuyết tật bị đối xử không công bằng, thậm chí bị xem thường, đôi khi còn bị nhục mạ. Nếu tôi thành công, bộ phim có tiếng vang, tôi nghĩ người đời sẽ nhìn người khuyết tật với cái nhìn trân trọng, yêu thương.”

Bộ phim “Xe Lăn” được khán giả và giới phê bình đánh giá cao, và năm 2003, “Xe Lăn” đoạt giải Mai Vàng của báo Người Lao Ðộng, Phương Dung đoạt giải Nữ Diễn Viên Xuất Sắc.

Trong bộ phim “Xe Lăn,” cô bé Hạnh xếp một ngàn con hạc với mong muốn được gặp mẹ. Ở ngoài đời, Phương Dung cũng xếp hạc để ước mơ…

Ðến với “Ngọc Trong Tim” và chuyến xuất ngoại như mơ

Sau khi đóng phim “Xe Lăn,” nhiều người biết Phương Dung còn là một ca sĩ nên cũng có những lời mời đi hát, nhất là những chương trình xã hội, giúp trẻ em kém may mắn. Cô được đi nhiều nơi gặp gỡ các em kém may mắn. “Tôi cảm thấy mình cần làm việc đó giúp cho các em có sự tự tin.” Phương Dung cho biết.

Ðược nhà biên kịch Minh Ngọc giới thiệu nghệ sĩ Thành Lễ, một trong những thành viên sáng lập nhóm “Ngọc Trong Tim” tại Hoa Kỳ, hoạt động nghệ thuật của Phương Dung bước sang một trang mới.

Cô kể:“Tôi rất cảm kích công việc anh Thành Lễ và nhóm ‘Ngọc Trong Tim’ đang làm. Chị của anh cũng bị khuyết tật và đã qua đời ở tuổi 23, và giờ anh đang dốc sức giúp những người khuyết tật như tôi. Anh đang làm một sứ mệnh. Chỉ có người nghệ sĩ với trái tim tràn đầy tình yêu thương mới làm được như thế.”

Năm 2014, Phương Dung được “Ngọc Trong Tim” mời qua Mỹ trình diễn. Một chuyến đi “có mơ cũng không dám nghĩ tới.”

“Trên máy bay, tôi và hai chị em Thanh Hằng, Thanh Hà phải cấu véo nhau xem mình đang mơ hay là sự thật. Chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy mình đau thiệt. Ðó không phải là mơ. Ở Mỹ, bất cứ sân khấu nào chúng tôi cũng được trân trọng. ‘Ngọc Trong Tim’ là nơi giúp chúng tôi tỏa sáng thực sự, mà không hề đòi hỏi chúng tôi bất cứ điều gì, các anh chị dù rất cực, nhưng lại không có chút lợi riêng nào. Tôi nghĩ, khó có tổ chức thứ hai có thể làm được như thế. Tôi rất tin tưởng anh Thành Lễ.”

Vẫn đi tìm “một nửa cuộc đời”

Một cô gái có gương mặt thanh tú, giọng hát hay nhưng chẳng may bị bại liệt, với nhiều người khác, đó là sự bất hạnh.

Phương Dung lại không nghĩ thế: “Trời không cho tôi đôi chân bình thường, nhưng bù lại, ông cho tôi nhiều thứ khác. Tôi nghĩ mình là người may mắn chứ không bất hạnh. Trời cho tôi trái tim của người nghệ sĩ, có đam mê để hướng tới. Trái tim nghệ sĩ rất nhạy cảm và rất dễ rung động. Tôi đã yêu và được yêu, đó là hạnh phúc khi cho và nhận. Có thể nhờ được trải nghiệm trong tình yêu nên cách thể hiện bài hát có hồn hơn. Tôi rất cảm ơn những cuộc tình sau những lần tan vỡ. Nó cho tôi nhiều cảm xúc vui buồn trong bài hát. Tôi thấy đời mình vậy là hạnh phúc.”

Với Phương Dung, gặp nhau được là duyên, bên nhau suốt đời là nợ. Duyên hay nợ cũng từ chính mình.

Cô chia sẻ: “Tôi yêu thương họ và họ yêu thương tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ một điều là đôi lúc không phải tôi không tự tin, nhưng liệu mình có đi đến với họ đến cuối đường hay không, hay mình sẽ trở thành một gánh nặng cho họ. Tôi từng trải qua hoàn cảnh éo le, khi đến với một người, nhưng gia đình họ rất e ngại khi con trai họ quen với một người tật nguyền như tôi. Ðó là rào cản tinh thần, khó ai dám vượt qua. Ðiều đó dễ hiểu và dễ thông cảm thôi, vì cha mẹ nào cũng muốn con mình có tương lai và gặp một người hoàn hảo. Và tôi cũng không muốn người yêu mình phải đứng giữa tôi và gia đình họ. Ðương nhiên, tôi vẫn chờ một người vì tôi bước qua được rào cản đó. Tôi nghĩ trong cuộc đời mình có một nửa đó, nhưng chưa biết ở đâu thôi.”