Bài viết

Câu chuyện về sản phẩm của người khuyết tật

Nếu như ở các nước, các sản phẩm của người khuyết tật (NKT) ít nhiều khẳng định được vị trí và thương hiệu, như trường hợp phu nhân Thủ tướng Singapore sử dụng một chiếc túi của NKT nước này khi sang thăm Mỹ, thì ở Việt Nam, hàng hóa họ làm ra phần lớn dừng lại ở ngưỡng “tiêu thụ từ thiện”, chủ yếu để động viên, giúp họ vơi bớt mặc cảm và có thêm niềm vui trong cuộc sống. Bởi thực tế, việc tạo chỗ đứng hay duy trì hoạt động sản xuất của họ không phải dễ dàng.

Loay hoay trăm đường

Các sản phẩm do NKT làm chủ yếu là đồ thủ công. Nhiều cơ sở ra đời dưới sự bảo trợ của những tổ chức, dòng tu, tư nhân. Và trong quá trình hoạt động, không phải nơi nào cũng thành công. Không ít cửa hàng, trung tâm chuyên về sản phẩm của NKT đã phải tạm dừng kinh doanh, thu hẹp quy mô hoặc sản xuất cầm chừng. Một số nơi khác gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ.

Nhà May Mắn – Trung tâm Chắp Cánh (Bình Tân, TPHCM) mỗi ngày có khoảng 100 NKT tham gia lao động với mức lương được tính trên sản phẩm hoàn thành. Do số lượng đơn hàng không ổn định dẫn đến thu nhập của mỗi người cũng chỉ dao động trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm chính mà trung tâm sản xuất là thú nhồi bông, móc khóa, ba lô, túi xách với nguyên liệu chính là vải thổ cẩm. Ngoài ra còn có tranh sơn dầu, mỹ nghệ tre… Trung tâm phải tự tìm đầu ra, trong đó, thú nhồi bông, quà lưu niệm bán ra tương đối ổn định, còn tranh sơn dầu gặp khó khăn vì không cạnh tranh nổi trên thị trường. Chị Võ Thị Thu Hiền, nhân viên Trung tâm Chắp Cánh cho biết: “Sức khỏe của NKT thường yếu nên việc sản xuất có khi kéo dài hơn so với bình thường. Bù lại, họ rất kỹ lưỡng trong công việc, chăm chút từ những chi tiết nhỏ nhất để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo. Nhưng vấn đề tiêu thụ vẫn là nỗi lo chung”.

Sản phẩm của người khuyết tật ở trung tâm Chắp Cánh

Công ty TNHH Thiện Tâm Hương (Bình Thạnh, TPHCM) có các sản phẩm chính là thú giấy, hoa giấy, khẩu trang y tế, khẩu trang vải… Hiện tại công ty có khoảng 15 NKT đang tham gia sản xuất, bình quân thu nhập của mỗi người khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng (đã chi trả phí ăn ở). Cũng như Trung tâm Chắp Cánh, Thiện Tâm Hương phải tự tìm kiếm khách hàng cho sản phẩm của mình, chủ yếu thông qua các kênh phân phối tại Fahasa, Coop Mart, Vinamart… Việc tiêu thụ cũng còn hạn chế do không được quảng bá nhiều vì chi phí marketing có giới hạn. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Lê Phú, Phó Giám đốc công ty, việc thường phải áp dụng các chương trình khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh theo yêu cầu thị trường cũng phần nào làm giảm bớt lợi nhuận.

Trường Khuyết tật Nhân Ái Mỹ Tho (TP Mỹ Tho) với Ban Giám hiệu là các nữ tu dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, cứ ngỡ có vẻ thuận lợi hơn song vẫn vấp phải những khó khăn. Bên cạnh dạy văn hóa, trường mở một số lớp dạy nghề và làm thảm chùi chân, lạp xưởng, rượu nếp than để bán. Theo nữ tu Hiệu trưởng Nguyễn Thị Sương, việc sản xuất cũng cầm chừng vì không có mối lái ổn định. Mỗi khi mặt hàng thảm gom được kha khá, các nữ tu mới lên Sài Gòn, đến các giáo xứ chào bán; còn lạp xưởng và rượu nếp than chỉ tiêu thụ trong dịp Tết.

Học sinh ở Trường Khuyết tật Thính giác Hy Vọng I (Q1, TPHCM) làm những đồ trang trí thủ công như tranh vẽ, thiệp… Các sản phẩm này có may mắn là từ những ngày đầu đã được bày ở chiếc tủ nhỏ phía trước khuôn viên trường, về sau bán thêm trong nhà sách Hòa Bình. Theo lời cô Trần Thị Ngời, người gắn bó với trường lâu năm thì các học sinh ở đây vốn có khiếu vẽ. Để bồi dưỡng thêm, trường đã mời họa sĩ về dạy để giúp các em có thể tạo những mẫu mã ngày càng đẹp hơn.

Với bề dày hoạt động gần 20 năm, Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng và Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng có vẻ suôn sẻ hơn về đầu ra. Sản phẩm của hai nơi này là tranh, lịch, thiệp giấy xoắn, tràng hạt, móc khóa, vòng tay… “Tuy nhiên, lợi nhuận cũng chỉ là một khoản nhỏ góp thêm vào việc học tập”, nữ tu Nguyễn Thị Hoa, phụ trách Mái ấm Nhật Hồng cho biết. Dù các sản phẩm ở trung tâm được nhiều người biết đến và đôi khi có người nhận mua số lượng lớn đem sang nước ngoài gởi bán giùm, nhưng vẫn không có sự lâu bền. Mặt khác, do khiếm thị nên các em không thể làm nhanh, làm nhiều nên với những đơn hàng lớn, trung tâm không đủ sức kham.

Khát khao vươn lên

Trước tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều phương cách ứng phó đã được các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Trung tâm Chắp Cánh thường tổ chức những cuộc thi thiết kế sản phẩm mới cho các thành viên để tạo nên sự đa dạng. Đây cũng là một nỗ lực dù hiệu quả chưa cao như mong muốn. Với Công ty Thiện Tâm Hương, theo Phó Giám đốc Nguyễn Lê Phú thì: “Hiện tại, bên cạnh việc khuyến khích mọi người mạnh dạn đưa ra các ý tưởng mới về mẫu mã cho sản phẩm, chúng tôi cũng dồn trọng tâm làm ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, có thể tiêu thụ trên thị trường”. Các thợ ở đây vẫn luôn cố gắng để thay đổi kiểu dáng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ở Nhật Hồng thì chú tâm hơn vào nguyên vật liệu mới. Móc khóa hay tràng hạt nếu trước đây chỉ làm bằng hạt nhựa, cườm thì nay được thay bằng đá. Sự thay đổi này làm tăng độ bền cũng như giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tạo thêm cơ hội bán hàng qua việc mở trang web, cập nhật hình ảnh và quảng cáo trên mạng xã hội. Còn với Trường Hy Vọng hay Nhân Ái Mỹ Tho, câu chuyện quảng bá sản phẩm cũng bắt đầu được để ý tới. Sản phẩm của NKT ở đây được mang đi giao lưu, giới thiệu nhiều nơi, nhất là tạo mối dây liên kết giữa các cộng đoàn.

 

Các trung tâm, mái ấm, công ty đều mong sản phẩm của người khuyết tật không thua kém những sản phẩm cùng chủng loại bên ngoài. Chính suy nghĩ nâng tầm này đã giúp họ tìm cách vươn lên.“Nhiều người đến và biết những sản phẩm như tranh giấy, móc khóa của người khiếm thị làm đã không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, có người khóc vì xúc động. Họ chia sẻ rằng đó là điều bất ngờ và họ mua vì chất lượng chứ không mua vì thương hại” – nữ tu Nguyễn Thị Hoa kể.

Khao khát được lao động, được khẳng định mình chính là tinh thần của nhiều NKT. Họ đã và đang cố gắng làm ra những sản phẩm bằng chính khả năng của mình. Mong ước được xã hội nhìn nhận khả năng, trân trọng thành quả lao động là tâm sự của hầu hết người lao động khuyết tật. Chị Đỗ Thị Ngọc Liên, nhân viên phòng sản xuất thú nhồi bông tại Trung tâm Chắp Cánh tâm sự: “Vì sức khỏe của chúng tôi không được tốt nên trong công việc có khi rất mệt mỏi. Nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm và thấy hài lòng về chất lượng, cũng như việc giao được hàng đúng hạn, chúng tôi đều cảm thấy vui vẻ và hãnh diện vì thành quả lao động của bản thân”.

Đón nhận và trân trọng những thành quả lao động của NKT trong tư thế một khách hàng mến chuộng hoặc có nhu cầu thực sự là điều cần được chúng ta quan tâm, nghĩ suy… cùng với những nỗ lực âm thầm của họ.