Cô giáo thương
Tiếng xe máy vừa vọng vào từ ngoài đầu hẻm, người ta đã thấy một bầy trẻ con chạy ra reo hò:
“A cô giáo đã về! Cô giáo đã về!”.
Đối với bầy trẻ xóm lao động ấy thì tiếng xe máy của cô giáo Thương báo hiệu thời khắc chờ đợi đã đến. Như một bầy chim sẻ sà vào người cô giáo, chúng ríu rít hỏi cô đủ thứ chuyện và kể cho cô đủ thứ chuyện, hôm nay ở nhà xảy ra chuyện gì, trong xóm nhà ai cãi nhau, đứa nào ngoan, đứa nào hư…
“Con phụ cô dắt xe vào nhà nhé”.
“Cô ơi, hôm nay bé Muối nó chưa làm bài tập đó cô”.
“Cô ơi, hôm nay thằng Khải ăn trộm sắt ở công trường xây dựng nên bị người ta đánh tím cả mắt đó”.
Cứ như vậy, đứa này nói chưa hết câu đứa kia đã chen ngang, làm náo loạn cả con hẻm. Những lúc ấy, dù có mệt đến đâu Thương vẫn tươi cười lắng nghe chăm chú.
Dắt xe vào nhà xong, Thương vội lấy ngay túi ni-lông treo trước giỏ xe. Tay phát miệng nói:
“Hôm nay, có quà của một bác ở trong cơ quan cô gửi cho các con, sô-cô-la ngoại đó. Đây của cu Bo nè, bé Hoa nè, à riêng bé Muối hôm nay không làm bài tập cô giao phải không? Vậy cô chỉ cho Muối một chiếc thôi. Lần sau nhớ làm đủ các bài tập về nhà nghe chưa. Khải đâu ra cô bảo nè, đã rất nhiều lần cô dặn em không được đi trộm cắp và không được ra công trường xây dựng rất nguy hiểm em biết không. Đây cô chỉ cho em một chiếc thôi đó”.
Phát kẹo cho từng đứa xong, Thương nói tiếp:
“Các em về tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm tối, bảy giờ chúng ta vào học nhé”.
Và dường như chỉ chờ có vậy, bầy trẻ reo hò thích thú, chạy về nhà tắm rửaăn cơm còn chuẩn bị đi học. Mười đứa trẻ của xóm trọ nghèo ấy, mỗi đứa mỗi số phận, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì cha mẹ ở tù vì giết người, trộm cướp, buôn ma túy hay làm ca-ve, cờ bạc… Chúng được sinh ra trong sự cơ cực nghèo
khổ của lớp người dưới đáy xã hội và cứ thế chúng lớn lên như cỏ dại ven đường.
Không khí ồn ào biến mất, mình Thương đưa ánh mắt đượm buồn nhìn khắp phòng. Còn nhớ ngày cô mới dọn về đây, cả xóm trọ đã nghĩ cô sẽ sớm chuyển đi sau khi bọn trẻ “hỏi thăm” đến. Ở đây, từ cái điện thoại, cái máy nghe nhạc, đôi giày, bộ quần áo đến những đồ lặt vặt không đáng tiền, cứ hở ra là mất. Ăn cắp đã thành bản năng khi được sinh ra trong những gia đình dính vào đủ mọi tệ nạn xã hội. Thế nhưng Thương ở lại từng tháng rồi từng tháng, chẳng những không bị bọn trẻ dọa cho bỏ đi, cô còn cảm hóa được chúng, thậm chí dạy chúng học chữ, học làm người lương thiện.
Hôm nay là một ngày đặc biệt khi cô chỉ còn buổi dạy cuối cùng trước khi dọn nhà đi nơi khác. Thương tự tay xếp bàn ghế chứ không để cho bọn trẻ tự xếp nữa. Cái ghế nhựa màu đỏ cô để chính giữa cho bé Muối ngồi vì cô bé nhỏ nhất lớp, còn cái ghế nhựa bị sứt một mảnh nhỏ ở chân sẽ đặt cuối lớp cho cu Khải là đứa lớn nhất lớp. Nhắc đến Khải tự nhiên nước mắt Thương trào ra, Khải là một đứa trẻ mới mười hai tuổi nhưng đã từng trộm cắp, hút thuốc, đánh bài, chơi game, chửi thề và là đại ca của
bọn trẻ. Ngày hôm trước Khải vừa sắp đặt để chồng Thương bị ngã xe, ngày hôm sau Khải lại ngang nhiên vào nhà lấy trộm điện thoại của Thương. Lúc đó bị Thương giữ chặt bàn tay đen gầy, Khải trợn mắt nhìn cô đầy thách thức:
“Cô cứ việc đưa tui lên công an phường đi, tui chả sợ đâu”.
Thương nhẹ nhàng nhưng đầy quyết đoán:
“Em yên tâm, cô sẽ không đưa em đến đó. Giờ cô muốn đưa em đi đến một nơi khác và em hãy giúp cô rủ thêm mấy em trong xóm cùng đi theo em nữa. Em đồng ý chứ?”.
Khải lại trợn mắt nhìn Thương:
“Nhìn cô vậy mà cũng đi buôn người à? Tháng trước trong xóm có một đứa bị lừa bán sang Trung Quốc, giờ cô định lừa để bán hết tụi tui chứ gì. Đừng hòng nhé!”.
Vừa nói Khải vừa giật mạnh tay hòng chạy thoát. Trong tích tắc Thương vùng đứng dậy lao ra cửa chặn Khải lại:
“Cô không bán các em mà chỉ muốn mang kiến thức về cho các em thôi”.
Câu nói đó như trói hai chân Khải lại, nó đứng nhìn Thương ẩn chứa vẻ nghi ngờ.
Sau đó Thương đưa Khải đi thăm mấy lớp học tình thương ở nơi khác, Khải sớm già dặn trước tuổi lại là đại ca của bọn trẻ nên
Khải lên tiếng là bọn trẻ nghe theo ngay. Lớp học hình thành và Thương thành cô giáo của bọn trẻ.
Những ký ức khiến Thương thần người, bất chợt chuông điện thoại vang lên:
“Em à, mẹ tìm được nhà cho mình rồi, ba hôm nữa anh đi công tác về mình sẽ chuyển nhà, em chuẩn bị nhé”.
Thương ấp úng:
“Nhưng còn tụi nhỏ… em không nỡ…”.
“Trời ơi, em làm sao vậy? Em có thể dạy cho chúng suốt đời không? Vả lại sau này con chúng ta không lẽ để nó lớn lên cùng tụi trẻ giang hồ. Em có thai hai tháng rồi đó”.
“Em biết. Nhưng…”.
Bàn tay Thương ôm lấy bụng:
“Con à, mẹ biết phải làm sao đây?”.
Tiếng Khải sau lưng làm Thương giật mình:
“Cô sắp chuyển đi à? Bộ cô không dạy chúng em nữa sao?”.
Khải chạy lại sà vào người Thương nức nở:
“Cô đi rồi ai sẽ dạy chúng em đây?”.
Ngoài cửa tiếng tụi nhỏ xì xào.
“Cô giáo khóc tụi bây ơi!”.
“Hình như cô sắp chuyển nhà đó”.
“Vậy cô không dạy tụi mình nữa à?”.
Mỗi đứa một câu, những ánh mắt tròn xoe ngây thơ, đượm buồn, ngơ ngác nhìn nhau. Chúng không hề biết rằng phía sau lưng chúng có hai người phụ nữ một già một trẻ đang theo dõi câu chuyện. Hai người ấy một là mẹ chồng, một là em chồng của cô giáo Thương. Cô gái trẻ bước đến phía tụi nhỏ nói lớn:
“Nào các em, đến giờ vào học rồi đó”.
Người phụ nữ lớn tuổi tiếp:
“Mấy đứa yên tâm đi cô nghỉ dạy sinh em bé, sẽ có cô giáo khác đến dạy thay. Ngôi nhà này bà vẫn thuê để mở lớp. Giờ gắng học giỏi đi nhé”.
Lời Tác Giả: Đây là một câu chuyện có thật đã được tôi hư cấu thêm khi trong một lần tôi tổ chức chương trình từ thiện 1/6 cho một lớp học tình thương ở quận 8. Trong cuộc sống có những người thích ở những nơi giàu có sang trọng, nhưng có những người muốn ở những nơi khó khăn, nghèo khổ giang hồ chỉ để giúp đỡ người khác. Nhân vật chính trong truyện là một nhân vật có thật ở ngoài đời và chị đã đứng ra mở lớp học tình thương cho tụi nhỏ trong xóm lao động nghèo ngay chính ngôi
nhà thuê chật chội của mình và dù gia đình nhà chồng đã tìm thuê một căn hộ mới, nhưng chị vẫn nhất quyết ở lại và duy trì lớp học một tuần 2 đến 3 buổi. Đơn giản vì họ sống bằng trái tim luôn đập để yêu thương giúp đỡ người khác. Tôi cầu mong sao lớp học vẫn được duy trì và 10 đứa trẻ kia lớn lên đều trở thành những con người có ích cho xã hội và đấy chính là cách mà các em ấy đền đáp công ơn dạy giỗ của chị ấy.