Bài viết

Kỳ thị

Mỗi buổi chiều đi học về ngang qua ngôi chùa ấy, tôi hay nghe những tiếng xì xào chọc ghẹo của mấy đứa trẻ quanh đó. “Nó bị si đa đấy, đừng có lại gần kẻo lây!”. Những lúc ấy, tôi thường thắc mắc tự hỏi, ở đây là chùa chỉ toàn các ni cô, thế thì tại sao tụi nó lại bảo có người bị HIV? Tuy nhiên những thắc mắc chẳng đủ sức níu chân tôi lại lấy một lần vì các tiết học căng thẳng trên lớp đã khiến tôi mệt mỏi, rồi phải nhanh chóng đạp xe về nhà ăn vội cái gì đó và lại tiếp tục sự nghiệp mài quần tại các lớp học thêm. Những chuỗi ngày như thế cứ nối tiếp nhau trong vòng quay hối hả của cuộc sống gấp gáp. Và rồi cho tới một hôm… Trong khi vội đạp xe về nhà, gặp lúc trời vừa mưa xong,

những vũng nước loang lổ còn đọng trên mặt đường, đang thả phanh xuống dốc, tôi va vào một trẻ từ bên đường chạy ra. Cả tôi và đứa bé đều ngã xuống mặt đường. Chưa kịp hoàn hồn sau cú ngã, tôi đã tái xanh mặt khi nghe một tiếng khóc ré lên. Đôi mắt tôi trợn to hốt hoảng vì trông thấy vết trầy xước nơi cánh tay nó. Tôi chạy đến định nâng nó dậy thì có một cánh tay cản tôi lại. “Em không được lại gần. Để nó cho chị!”. Dứt lời, người phụ nữ đã ẵm đứa bé lên: “Mẹ đã bảo con bao nhiêu lần là con không được ra ngoài đường rồi kia mà”. Sau vài giây ngơ ngác đứng nhìn, tôi mới biết đó chính là mẹ của đứa bé, nhưng tôi không thể lý giải tại sao chị ấy lại không cho tôi chạm vào người bé? Nghe cách nói, tôi có cảm giác như thể đứa bé đang mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm gì đó? Đứng nhìn người mẹ đang dỗ con trong tâm trạng lo lắng, trong lòng tôi cứ như có rất nhiều gai đâm vào. “Em… em xin lỗi! Tại đường trơn nên em không kịp giữ phanh”. Tôi cúi đầu xuống, lí nhí trong cổ họng bằng giọng sợ hãi và nín thở chờ phản hồi của chị ấy. “Không sao đâu em!” Giọng nói rất nhỏ nhẹ kèm theo nụ cười hiền từ, khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Vừa lúc đó một vị sư cô từ trong chùa tiến tới: “Con hãy đem cháu vào trong lau vết thương đi!” Nụ cười hiện từ khi nãy của chị bỗng vụt tắt và lại nhường chỗ cho sự sợ hãi lo lắng. “A Di Đà Phật! Con chào thầy!” Tôi chắp tay cúi đầu

lễ phép chào sư cô đang bước tới. Sư cô khẽ gật đầu đáp lại và ân cần hỏi: “Mô Phật! Con có sao không?”. Vẫn giữ nguyên tư thế cúi đầu lễ phép, tôi trả lời: “Bạch thầy, con không sao. Nhưng…” Tôi trả lời còn ánh mắt hướng về phía đứa bé, lúc này đang khóc nấc lên trong vòng tay của mẹ nó. Thoáng thấy nỗi lo lắng của tôi, sư cô ân cần nói tiếp: “Trẻ con mà! Đau thì ít mà sợ thì nhiều, nên nó mới khóc to vậy thôi”. Dựng chiếc xe đạp dậy, sư cô lại nói thêm: “Thôi con hãy về đi, mọi chuyện để đó cho thầy”. Sư cô quay vào trong. Tôi thoáng nghe giọng sợ hãi của chị ấy: “Thầy đừng đụng vào vết thương, con không muốn thầy sẽ cùng chung số phận giống hai mẹ con, con đâu!”.

Tối hôm đó, tôi không thể nào ngủ được, bởi mỗi khi nhắm mắt là những hình ảnh hồi chiều lại kéo về trong trí nhớ. Chẳng lẽ những gì mà mọi người trong xóm vẫn kháo nhau bấy lâu nay là đúng. Nhìn dáng người gầy guộc xanh xao của chị ấy, không nhẽ lại mắc phải căn bệnh thế kỷ kia? Bất giác, tôi thấy lạnh đằng sau gáy. Hồi chiều, chỉ chút nữa là tôi đã đụng vào vết thương của đứa bé rồi. Mà mẹ nó có Siđa thì nó làm sao tránh được. Tôi bước ra ngoài lan can, muốn thay đổi không khí ngột ngạt ở trong phòng. Những cơn gió hơi se lạnh cộng thêm hương hoa sữa ngào ngạt của mùa thu ở dưới đường, khiến tâm trí tôi bình yên trở lại. Chợt nghe thấy cuộc nói chuyện của mẹ và nội ở phòng

bên. “Nghe nói con bé ấy mới có mười tám tuổi”. Nội lại chép miệng nói thêm: “Tội nghiệp! Mới có tý tuổi đầu mà phải ôm đứa con hai tuổi và còn bị Siđa nữa chứ. Không biết con cái nhà ai mà hư hỏng thế!”. Mẹ tôi liền tiếp vào: “Con nghe nói trước đây nó làm cave gì đấy. Chắc là con nhà nghèo, nên mới dấn thân vô con đường hư hỏng, để bây giờ phải chuốc lấy hậu quả!”. Vào lúc này tôi không dám thở mạnh vì sợ hãi và bây giờ thì tôi đã hiểu lý do vì sao dạo này nội với  mẹ không năng lên chùa như trước. Thì ra là mọi người sợ bị lây nhiễm, mặc dù cả ba mẹ tôi đều làm bác sĩ, nhưng nỗi ám ảnh về căn bệnh đó vẫn khiến ba mẹ tôi ghê sợ. Dựa đầu vào thành tường, tôi tự nhủ: “Chị ấy chỉ hơn mình có một tuổi, vậy mà đã gặp quá nhiều chuyện buồn đến thế. Không biết tương lai sẽ ra sao nhỉ? Rồi còn đứa bé nữa, nó còn quá nhỏ để hứng chịu sự kỳ thị, hắt hủi của người đời”. Tôi thương hai mẹ con chị ấy bao nhiêu thì lại càng khâm phục lòng nhân ái và cả sự dũng cảm của sư cô bấy nhiêu, vẫn biết rằng cửa chùa chính là chốn dừng chân cho những con người bất hạnh không nơi nương tựa. Tuy nhiên từ khi đưa chị ấy về chùa, cảm giác sợ hãi đã khiến người đi lễ Phật không còn đông như trước nữa.

Chiều nay được nghỉ hai tiết cuối, tôi vội vàng đạp xe về lại ngôi chùa. Đứng trước cổng tôi cứ chần chừ do dự không biết

mình có nên bước vào hay không? Hai tay nắm chặt lấy ghi-đông với những suy nghĩ vẩn vơ như có đôi chút lo sợ, nhưng rút cuộc tôi vẫn mạnh dạn dắt xe vào. Trước sân chùa tôi thấy mẹ con chị ấy đang ngồi dưới bóng cây. Dường như họ chỉ muốn thu mình một góc, hòng trốn tránh những ánh mắt chế giễu, soi mói, kỳ thị của mọi người qua lại. Cảnh tượng đó khiến tôi cảm thấy càng thương xót họ hơn. Tôi tiến lại gần và đưa gói bánh trước mặt bé, giọng nhẹ nhàng: “Nè, chị đền em vụ đụng xe hôm qua đó!”. Trong tích tắc đứa bé chạy ào vào lòng mẹ, hướng ánh mắt sợ hãi về phía tôi. Bàng hoàng giây lát tôi không hiểu lý do vì sao, thì chị ấy liền giải thích: “Em thông cảm, vì từ khi sinh ra tới giờ chỉ ngoài chị và mấy sư cô trong chùa ra, nó chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc và nhận quà của người lạ”. Tim tôi chợt nhói lên khi nghe câu nói kia. Sự kỳ thị của mọi người dành cho đứa trẻ vô tội thật nhẫn tâm và đó là thứ vũ khí khủng khiếp đẩy nó ra ngoài sự yêu thương của xã hội. Một khoảng bối rối bao trùm lấy tôi. Bất giác giật mình khi nghe chị ấy cất tiếng: “Có nhất thiết để em bày vẽ quà bánh cho thằng bé không?”. Tôi vội thanh minh: “Có gì to tát đâu mà chị cho em là bày vẽ!”. Nói đoạn tôi tiếp tục đặt gói bánh vào tay đứa bé. “Nhưng…” Chị định nói tiếp câu gì đó xong lại bỏ lửng ngập ngừng. Tôi thoáng nhận thấy sự bối rối trong ánh mắt của chị hướng về phía mình. Ánh mắt như muốn

nói với tôi xin đừng có lại gần! “Em rất hiểu những suy nghĩ của chị lúc này. Tuy nhiên mình cần phải làm một điều gì đấy để chứng minh cho mọi người biết rằng HIV không thể lây qua con đường giao tiếp thông thường được chứ”. Chị trả lời với đôi mắt đượm buồn: “Làm sao mà có thể… trong khi chính những người thân cũng xua đuổi và tránh xa mình như một kẻ bị hủi”. Ngồi xuống gốc cây, tôi hướng ánh mắt tò mò hỏi: “Vậy là có nghĩa là ba mẹ chị cũng xa lánh chị?”. Đặt đứa bé ngồi cạnh tôi, chị tiếp: “Không những xa lánh, mà họ còn coi chị là một vết nhơ làm cản trở con đường thăng tiến của họ nữa”. Tôi buộc miệng hỏi tiếp: “Nghĩa là…?”. Tôi ngừng lại khi thấy câu hỏi của mình thật vô duyên, nhưng chị hình như không để ý: “Ba chị làm giảng viên tại một trường đại học lớn ở thành phố, còn mẹ chị là một luật sư có tiếng. Cuộc sống của chị không thiếu một thứ gì nhưng chỉ duy nhất một thứ chị không có, đó chính là sự yêu thương đầy nghiêm nghị của người cha và vòng tay âu yếu của mẹ”. Tôi thừ người ra trước những lời kể của chị, tất cả đã nằm ngoài suy đoán của nội và mẹ thậm chí, ngay cả chính tôi nữa. Ai có thể ngờ rằng một con người được sinh ra trong một gia đình giàu sang lẫn địa vị, lại có thể rơi vào bước đường cùng tới thế. Chị lại tiếp bằng giọng chậm và buồn: “Con người ta lúc túng thiếu quá cũng có thể dẫn đến hư hỏng và ngược lại, nếu quá đầy đủ

về mặt vật chất thì nguy cơ đó lại càng nhiều hơn. Khoảng thời gian chị tới vũ trường, thuốc lắc và cả ma tuý nhiều hơn là trường học. Thế đó em ạ! Tất cả chỉ tại hai chữ “Sành Điệu” và “Cô Đơn” nên mới có mười lăm tuổi, chị đã không còn là một cô gái theo đúng nghĩa của nó. Khi ba mẹ phát hiện chị nghiện ma tuý, họ đã tống chị ra khỏi nhà như ném một thứ phế thải không còn giá trị! Không còn tiền để đáp ứng cơn thèm thuốc, chị phải làm gái nhảy cho vũ trường, rồi qua đêm với những ai có nhu cầu”. Giọng chị cứ lạc dần để thay chỗ cho những tiếng nấc nghẹn ngào và uất ức… Đứa bé ngây ngô chẳng hiểu những gì mẹ nó đang kể, nhưng trông thấy những giọt nước mắt của mẹ, nó bỗng hoảng sợ ngơ ngác xà vào lòng mẹ như muốn an ủi. Tôi gắng xua đi nỗi hoảng sợ của bé: “Ngoan nào! Để chị bóc bánh cho em ăn nhé!”. Vừa nói tôi vừa lấy một cái bánh cho vào miệng bé. Chẳng hiểu vì vị ngọt của miếng bánh hay bởi lần đầu tiên trong đời bé được nhận những tình cảm yêu thương của người lạ mà bé cứ mở to đôi mắt đen tròn mọng nước ngơ ngác nhìn tôi. Điều đó khiến tôi vô cùng thích thú! Vội dành lấy đứa bé từ tay mẹ nó, tôi ôm vào lòng như để cho bé được cảm nhận sự yêu thương, chứ không phải là nỗi kỳ thị xa lánh của người lạ và đó cũng là tất cả những gì mà một đứa bé xứng đáng được hưởng. Chiều hôm ấy ba người chúng tôi chơi đùa với nhau như chưa

bao giờ có một ranh giới phân biệt kỳ thị nào giữa người đang mang trong mình virut HIV với một người khoẻ mạnh, mặc dù tôi biết có rất nhiều ánh mắt nghi ngờ cứ chĩa thẳng vào mình.

Vừa dắt xe vào hiên nhà, tôi đã trông thấy ba bộ mặt đầy hình sự của nội, mẹ và em gái đang ngồi trước phòng khách. Khom người xuống tháo giày tôi vừa hỏi: “Hôm nay nhà mình có chuyện gì à?”. Vẫn chẳng có câu trả lời nào, tôi ngơ ngác nhìn họ rồi tự trả lời: “À, chắc hôm nay ba lại về muộn chớ gì”. Vừa mới cầm cốc nước trên bàn, chưa kịp uống thì đã nghe mẹ lớn giọng hỏi: “Hồi chiều được nghỉ hai tiết cuối, con đã đi đâu?”. Tôi bình thản nhún vai trả lời: “Hồi chiều con ghé qua chùa để giúp sư thầy dọn dẹp bàn thờ chuẩn bị đến rằm”. Ngay lập tức em gái tôi hùng hổ bảo: “Nói dối! Hồi chiều em nghe mẹ đứa bạn kể chị lên chùa để chơi với hai mẹ con bị Siđa, thậm chí chị còn mua bánh và còn bồng nó trên tay nữa. Bộ chị định mang cái con virut ghê tởm đó về nhà mình hả?”. Tôi đặt mạnh cái cốc xuống bàn tức giận quát lớn: “Nè, chị ấy hơn em những ba tuổi, nên đừng có ăn nói hỗn láo như thế, nghe chưa!”. Ngắt hơi trong giây lát tôi đưa tay chỉ thẳng vào mặt nói tiếp: “Ở trường em đã học về những nguyên nhân để virut HIV lây qua, vậy thì tại sao em lại bảo chị không được chơi với họ?”. Nó bỗng nỗi sùng lên, định cãi lại thì ngay lập tức nội tôi chặn lại. “Thôi đủ rồi!” Mọi

chuyện tưởng chừng sẽ dừng ở đây, ai ngờ nội tôi châm ngòi tiếp: “Nội bảo với con rồi nhé! Chơi với loại người đấy, vừa hỏng người, mà không khéo còn lây bệnh nữa đó!”. Mẹ tôi nãy giờ đã im lặng, nay nghe câu nói của nội thừa thế nói tiếp: “Con được ăn học đầy đủ, nên phải biết chọn người mà chơi. Chứ đừng có bạ đâu chơi đấy!”. Sự tức giận của tôi lúc này đã dồn tới đỉnh điểm và những giọt nước mắt cứ thi nhau chảy ra. “Con không ngờ mẹ là một bác sĩ vậy mà cũng kỳ thị những người như thế. Tại sao chứ? Họ vẫn là con người như chúng ta, chẳng qua họ không đủ bản lĩnh để vượt qua những phút cám dỗ và chính vì điều đó mà chúng ta phải cảm thông và sẻ chia nỗi đau với họ”. Dứt lời và đưa tay gạt đi những giọt nước mắt, tôi đứng dậy bỏ lên phòng. Vừa lúc ấy có tiếng sư cô ở ngoài cổng vọng vào: “Xin lỗi, có ai ở nhà không?”. Bầu không khí ngột ngạt tạm lắng xuống khi sư cô bước vào. “A Di Đà Phật! Bạch thầy, dạ mời thầy vào nhà ạ!”. Cả nội và mẹ tôi đều niềm nở tiếp đón một cách cung kính nhất. Sư cô thư thả ngồi xuống ghế, thở dài đầy mệt nhọc. Mẹ tôi đặt ly nước trước mặt sư cô lễ phép thưa: “Bạch thầy, hôm nay có chuyện gì mà thầy tìm đến tận nhà con vậy ạ?”. “Chả là tôi đến xin chị ít thuốc hạ sốt cho thằng bé”. Giọng sư cô chậm rãi như muốn níu từng bước chân tôi trên bục cầu thang. Vừa nghe tới chữ “Thằng bé” là tôi cuống cuồng chạy xuống,

giọng đầy lo lắng: “Sao, hồi chiều con vẫn trông nó khoẻ mạnh cơ mà”. Sư cô đảo mắt về phía tôi kể: “Lúc trưa đang còn nằm ngủ với thầy, nó đã lén chạy qua ngôi nhà trẻ bên cạnh. Thế là bị mấy đứa trong đó đổ nước lên người và đuổi không cho nó chơi cùng. Tội nghiệp nó! Mới có hai tuổi thôi, mà mỗi khi nhìn người khác đi học là nó thích lắm cứ đòi đi cho bằng được”. Tôi buồn bã nói: “Hồi chiều con có nghe chị ấy kể, thầy đã rất nhiều lần xin cho nó vào nhà trẻ nhưng chẳng ai chịu nhận, bởi họ sợ”. Sư cô bỗng lắc đầu nhìn về phía nội và mẹ tôi, khi đó đang sở hữu một bộ mặt đầy ăn năn sám hối, bảo: “Lúc tôi gặp hai mẹ con nó đang bơ vơ trên tàu và đưa về chùa, mới đầu mấy cô cũng xa lánh vì họ rất sợ căn bệnh đó. Thậm chí những lần dọn cơm ra mấy cô cũng chẳng dám ngồi chung mâm nữa. Tất cả, ai cũng sợ và kỳ thị cho tới khi tôi mang về từng đống sách báo tài liệu nói về HIV, thì lúc ấy mấy cô mới không xa lánh hai mẹ con nó”. Thở dài một lát sư cô lại tiếp: “Trong cõi trần gian này, mỗi người đều có một nghiệp chướng khác nhau. Tuy nhiên, Đức Phật đã dạy chúng ta rằng “Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp”, vậy thì có lợi gì để chúng ta phải xa lánh những con người không may lầm đường lạc lối? Tất cả chúng ta phải cùng nhau giúp những con người như thế tìm đến ánh sáng của Đức Phật, để họ sớm giác ngộ. Còn nếu như chúng ta xa lánh họ, hắt hủi hay bỏ

rơi họ thì chúng ta chẳng khác gì bọn đầu trâu mặt ngựa vô nhân tính đội lót người mà thôi!”. Những lời giảng đạo của sư cô hệt như những giọt nước Cam lồ cứ từ từ thấm vào tâm can của nội và nhất là mẹ tôi, hai khuôn mặt đầy vẻ sám hối cứ thần người ra.

Riêng tôi lúc bấy giờ chỉ mải suy nghĩ về số phận của hai mẹ con chị ấy, rồi sau này khi đứa bé lớn lên nó sẽ không được đi học không được tới trường vui chơi cùng chúng bạn. Tất cả chỉ tại sự kỳ thị của người đời đã dập tắt đi bao ước mơ của đứa trẻ vô tội không may mắc phải căn bệnh thế kỷ đó. Không hiểu sao tôi chợt nhớ đến tiết sinh học tuần trước, trong đấy cô giáo đã giảng về HIV và có một đoạn làm tôi rất chú ý: “Theo các nhà nghiên cứu, những bà mẹ có virut HIV, thì bảy mươi phần trăm đứa con sinh ra sẽ bị nhiễm và ba mươi phần trăm còn lại có thể sẽ không bị. Thế nhưng phải đợi khi nào đứa bé trên ba tuổi, lúc ấy mới có thể xét nghiệm chính xác được”. Giờ này tôi chỉ chắp tay nguyện cầu Đức Phật từ bi phù hộ sao cho 30% nhỏ nhoi kia may mắn rơi vào đứa bé, bởi nó là niềm hy vọng sống mong manh còn lại cuối cùng của chị ấy. “Mong Đức Phật sẽ nghe thấy lời nguyện cầu này của con!”.

Đông Hà 10 – 12 – 2006