Bài viết

VỀ NHÀ!

Dãy nhà trọ chật hẹp. Những ngày cuối năm, mọi thứ vốn xô bồ, chật chội thì những ngày này vẫn vậy và còn hơn thế nữa. Ở đó có những căn nhà đã khép cửa khóa ngoài, bởi họ đã về quê ăn tết và ở đó cũng có những căn nhà mà sự sống vẫn còn, họ đang cố gắng chắt chiu từng đồng tiền lẻ để có đủ số tiền kịp chuyến xe tết về quê.

Vậy là cũng hết một năm trong quỹ thời gian hành trình của một kiếp người. Tôi thầm nghĩ vậy và lại cảm thấy lòng trĩu nặng hơn, chợt nghe tiếng khóc sụt sịt của cô bé phòng bên cạnh. Tôi hiểu cảm giác đó, tâm trạng đó, hình như vào những ngày cuối năm này, con người ta bỗng thấy mình nhỏ bé, nhạy cảm và dễ khóc hơn thì phải? Ừ, thì hai năm trước tôi cũng như em, lần đầu tiên bước vào thành phố xô bồ này, lần đầu tiên sống trọ học xa nhà và vào những ngày cuối năm này. Tâm trạng luôn ngóng trông nhớ mong và chỉ muốn vứt bỏ tất cả để được về nhà mà thôi. Nhưng đó chỉ là hai năm về trước…

Cửa phòng đã khép mà tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng TV phòng kế bên đang phát đoạn clip quảng cáo sản phẩm KNORR, với câu slogan: “Về nhà đi con!”. Tôi nhớ mang máng vậy và đầu óc đang thả trôi theo đoạn nhạc trong clip đó. Hình ảnh cuối cùng sau khi tấm bưu thiếp của người mẹ đã trôi dạt khắp nơi, cũng đã đến được tay đứa con trai, để rồi cậu nhìn thấy nó và chạy về  nhà mà ôm sà vào lòng mẹ trong không khí buổi cơm tất niên cuối năm rộn rã tiếng cười gia đình.

Công nhận ai nghĩ ra đoạn clip này cũng hay thiệt, đã đánh mạnh tâm lý vào những ai đang xa nhà. Nhưng nếu tôi mà được làm đạo diễn cho clip đó thể nào tôi cũng thêm chi tiết cho đứa con trai về và mang theo một bịch KNORR nữa, làm vậy sẽ ý nghĩa hơn bởi ngay chính tôi mỗi lần vô tình xem đoạn clip quảng cáo đó, tôi luôn nghĩ nếu về nhà ăn tết thì tôi sẽ chọn mua cho mẹ ngay một bịch KNORR để làm quà, để tết sẽ được thưởng thức những món ngon do mẹ nấu. Đôi khi nghĩ cũng nực cười thật vì không tặng mẹ cái gì mà lại đi tặng ngay bịch hạt nêm…

Những ngày giáp tết này, tôi biết chỉ có mẹ là người tất bật khổ cực nhất, lại phải giặt giủ, đi chợ chọn mua từng thứ thực phẩm, rồi lo gói bánh gói trái, dưa món, dưa cà, dọn dẹp từ nhà trên xuống nhà dưới. Và thể nào miệng cũng lẫm bẫm nhẫm tính xem hôm nay hai mấy âm, rồi nhầm tính sang cả ngày dương để xem sao vẫn chưa thấy đứa nào về? Mẹ tôi là vậy và hình như tất cả những người phụ nữ VIỆT này ai ai đều như một! Chỉ mong tết nhất con cái về nhà đông đủ, bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng đầy đủ mâm ngũ quả, hương nhang. Cho dù cả năm họ làm lụng vất vả và những ngày cuối năm họ lại càng phải vất vả làm lụng gấp hơn ngày thường.

Nằm miên man suy nghĩ tự nhiên thằng con trai như tôi cũng phải rơi nước mắt, thôi cố ngồi dậy và đi ra ngoài, thoát khỏi cái phòng ẩm thấp, ngột ngạt này. Vội vớ ngay cái áo đang treo trên mốc tường bất giác chạm phải cuốn lịch đang nằm sau cái áo. Tôi bần thần người đứng nhìn nó như nhìn một cái gì đó xa lạ. Đầu tôi nghiêng qua một bên và đôi mắt ngơ ngác nhìn tấm lịch kia. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cả tuần này tôi không hề xé một tờ lịch nào cả. Vì mỗi lần xé nó tôi lại thấy một ngày trôi qua và lại thấy tết về nhanh hơn. Trên tờ lịch đã là ngày 18 tháng chạp, trong khi nếu tôi nhớ không nhầm hình như đã là ngày 23 tháng chạp, ngày mà người ta đưa ông Công, ông Táo về chầu trời để báo cáo Ngọc Hoàng về tình hình từng gia đình trong năm qua ở hạ giới.

Xé ngay mấy tờ lịch bỗng chốc nỗi nhớ nhà trong tôi như chạy về nhiều hơn, tôi cảm thấy người mình chống chếnh, nỗi nhớ nhà quay quắt đang xoáy mạnh vào tim  và hình như dòng nước mắt đã không ngăn nỗi. Tôi đưa tay gạt nhanh nó rồi ném mấy tờ lịch vào sọt rác dưới chân và mở cửa thật nhanh bước ra ngoài.

Đêm Sài Gòn thở ra những cơn gió se lạnh dịu dàng, sau một ngày oi ả nắng gắt. Tôi lưng trần, chiếc áo vắt qua vai cứ thế bước đi thất thưỡi…Đi đến cuối dãy trọ bỗng thấy chiếc xe bán bắp, khoai của chị phòng trọ kế bên đang đẩy về. Nhìn dáng vẻ uể oải sau một ngày buôn bán mệt mỏi của chị tôi chợt thấy thương thương. Quê ở tận HÀ TÂY một mình vào đây bươn chải với nghề bán bắp xào, khoai lang luộc, bánh củ mì để hằng tháng chắt chiu tích góp những khoản tiền gửi về nhà nuôi chồng nuôi con. Cả năm phải chịu cảnh xa nhà, làm lụng quần quật, những ngày này chị cũng mong được về nhà lắm. Song cuộc sống mưu sinh đâu dễ gì cho chúng ta đạt được ước nguyện?

-Chị, hôm nay bán được không?

Tôi tiến gần hỏi, miệng không quên nở nụ cười như để xua tan cảm giác mệt mỏi trong chị. Chị buồn bả chỉ vào chiếc xe đang còn ngổn ngang những củ khoai, củ sắn, bắp nguội bảo:

-Đấy, em nhìn đi! Rồi chị buông ra tiếng thở dài mệt nhọc – Tết nhất đến nơi rồi mà bán buôn chả ra gì, nên không biết tiền đâu về quê đây em?

Nhìn chị ủ rũ lòng tôi càng thêm nặng trĩu hơn. Bất chợt chị dúi vào tay tôi củ khoai lang mà nói:

-Thôi em chống ế cho chị đi!

Tôi vội đẫy tay ra:

-Thôi em không có tiền trả chị đâu.

-Thì em cứ cầm ăn đi ai lấy tiền đâu mà sợ!

Bỗng nhiên chị chuyển giọng hỏi tôi:

-Thế em không về quê thật à?

Tôi chợt thấy cổ họng mình nghẹn lại là do miếng khoai vừa nuốt xuống hay do câu hỏi của chị? Tôi cố nuốt miếng khoai, trả lời:

-Để em tính!

Nói xong tôi cúi mặt bỏ đi tránh cái nhìn đầy trách móc của chị.

-Em điên à, dù thế nào thì về nhà vẫn hơn chứ! Tết nhất hay ho gì mà cứ lang thang ở đây?

Bước nhanh ra khỏi con hẻm trong tiếng quát lớn sau lưng của chị. Tôi không biết mình nên đi về đâu lúc này nữa? Ừ, nhỉ nếu giờ ở lại đây thì làm gì nhỉ? Bởi dù sao thì về nhà…tôi vừa bước vừa suy nghĩ như một kẻ tâm thần, lang thang giữa dòng xe cộ chật kín…

-Anh mua giùm em tấm vé số đi! Tiếng một cậu nhóc bán vé số làm tôi giật mình.

-Thôi nhóc, anh không có tiền đâu. Tôi vừa nói vừa lắc đầu, mặt buồn rười rượi.

-Thì anh cứ mua đi, biết đâu mai trúng tỷ rưỡi có tiền mua vé máy bay về quê cho oách. Nhìn nhóc đang năn nỉ, nhoẻn miệng cười, tôi cũng không nhịn được cười nhưng nụ cười tôi méo xệch.

-Vậy nhóc giữ lấy mà mua vé máy bay về quê ăn tết đi!

Nhóc bỗng ngồi bệt xuống mặt đất, thở dài, giọng như ứa nước mắt nói:

-Kể ra em mà biết nhà mình ở đâu thì đã về từ lâu rồi. Những ngày này nhìn tụi nó đang háo hức soạn sửa, sắm đồ về quê ăn tết mà lòng em rã rời, mềm nhũn như cái bánh tráng bị nhúng nước.

Tôi cũng ngồi bệt xuống đất đối diện với nhóc, vổ vai nó bảo:

-Tụi nó về hết thì em đỡ lo mất phần tha hồ đi bán vé số chứ.

Nhóc trợn mắt nhìn lại tôi nói như quát vào mặt:

-Nói như anh thì người ta cần tết làm gì? Cả năm làm lụng vất vả, chỉ mong đến ngày tết để được nghỉ ngơi về với gia đình chứ.

Miệng tôi lầm bầm: Ừ nhỉ, một năm có ba trăm sáu mươi tư ngày xa nhà, chỉ còn lại một ngày dành cho gia đình đó chính là ngày tết! Tôi lại nhìn xa xăm vào dòng người tấp nập kia, tâm trạng cũng hỗn loạn như con đường trước mắt cứ chen chúc xe cộ, người ngợm hối hả ngược xuôi qua lại.

-Thế bao giờ anh về nhà ăn tết? Tôi lại giật mình mỗi khi nghe ai đó hỏi câu ấy. Tiếng thở dài lại phát ra.

-Anh chả biết…đang định không về, vì…

-Vì gì? Nhóc liền cướp lời tôi.

Tôi ngập ngừng, ấp úng như một kẻ thú tội đang đứng trước công an:

-Vì…anh bị đuổi học mấy tháng nay giờ về nhà mặt mũi đâu nhìn người thân, bạn bè và mẹ đây? Tiếng Mẹ sau cùng tôi nói không ra hơi, cảm giác  day dứt, ân hận làm sao!

-Thì dù sao anh còn có cái nhà để về, có mẹ, có người thân để mình có thể soi vào mà nhìn nhận lỗi lầm, chứ em thì dù có phạm lỗi lầm gì hay lỡ may bị rủi ro gì cũng chả biết lấy đâu mà về?

Nói xong nhóc lầm lũi bước đi, tôi ngồi nhìn dáng đi lầm lũi cô độc của nhóc đang chen chúc giữa dòng người nhộn nhịp mà lòng chua xót. Lại ngổn ngang những suy nghĩ, mà cũng chả biết lòng đang nghĩ gì nữa??? Cứ thế lại bước đi… Chợt câu nói của nhóc cứ phảng phất bên tai: “Thì dù sao anh còn có cái nhà để về, có mẹ, có người thân để mình có thể soi vào mà nhìn nhận lỗi lầm, chứ em thì…”

Sài Gòn về đêm vẫn cứ nhộn nhịp, ồn ào nháo nhiệt chứ không như ở quê. Tiếng lanh canh của cha con bán hủ tiếu gõ như thêm một thứ âm thanh để cùng hòa vào giàn âm thanh hỗn độn của nhịp sống ở thành phố đông đúc này. Họ lướt qua tôi, giọng đứa trẻ hồn nhiên đọng lại:

-A, đã qua mười hai giờ rồi, vậy tức là hôm nay là hai mươi bốn rồi đúng không ba? Vậy là còn ba ngày nữa ba con mình được về nhà ăn tết với mẹ và các em rồi!

Chạnh lòng tôi chợt nghĩ: Thôi thì về! Dù có sống chết gì thì về nhà vẫn hơn!

SÀI GÒN MỘT NGÀY CUỐI NĂM 2009

Lời tác giả: Tôi viết truyện này vào một ngày cuối năm trong nỗi nhớ quay quắt. Sài Gòn vào những ngày cuối năm nhịp sống vẫn cứ hối hả, cuốn mỗi người vào đó. Cả năm đi miết không sao tuy nhiên, vào những ngày cạnh tết bỗng nhớ nhà, nhớ ba mẹ và thèm ăn một bữa cơn do mẹ nấu. Vậy là khóc, vậy là viết vì đơn giản là muốn về nhà. Ừ nhỉ, tết là khoảng thời gian để những đứa con xa nhà trở về với gia đình mà. Về nhà vẫn hơn mà!