Ước mơ và sự vượt lên của đời tôi

Thông Tin tác giả Họ Tên: Lê Thái Bình Ngày sinh: 29/8/1988 Địa chỉ: Xóm Thượng Xuân – Xã Kỳ Tân-huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh, Điện thoại 0989.68.69.13, Học viên Lớp Tin học văn phòng (khóa 5) Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu, GQVL cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh. Tác phẩm đạt giải nhất toàn quốc cuộc thi viết do Bộ Lao động – TBXH tổ chức

Em Lê Thái Bình – Tác giả bài viết

Trước tiên tôi có mấy dòng tâm sự muốn gửi tới độc giả. Cuộc đời con người cũng giống như một bài luận văn. Một bài văn hoàn chỉnh gồm có ba phần, có phần mở bài, phần thân bài và phần kết luận. Có những người viết mở bài rất hay nhưng đến thân bài họ lại suy nghĩ không biết viết thế nào. Cũng có những người viết cả ba phần rất hoàn hảo nhưng họ lại không tìm thấy chủ đề cho bài viết. Cuộc đời con người cũng vậy, có người sinh ra hoàn hảo nhưng đi được nữa chặng đường họ gặp khó khăn và không muốn bước tiếp. Cũng có những người đi gần hết đời, họ lại không biết mục đích sống của mình và họ muốn quay lại. Còn có những người sinh ra không hoàn hảo nhưng họ biết cách tìm đường để đi hết cuộc đời của mình. Vì thế trên đời này không có thứ gì gọi là hoàn hảo. Nhưng dù thế nào đi nữa thì mỗi người cũng phải viết hết bài luận văn cuộc đời mình. Cuộc đời tôi là bài luận văn có mở bài không hoàn hảo, nhưng tôi luôn cố gắng, nổ lực hết mình để viết hết bài luận văn cho cuộc đời tôi…

Mặc dù tôi là một chàng trai khuyết tật ở vùng núi xa xôi nhưng chưa bao giờ tôi ngừng ước mơ, và tin vào ngày mai tươi sáng cho cuộc đời mình. Vì ai cũng chỉ sống một lần sao phải lãng phí thời gian mình được sống. Tuổi thơ của tôi phải dựa vào chiếc xe ba bánh tự chế để đi lại, đến giờ tôi cũng không biết tôi đã vấp ngã bao nhiêu lần cùng chiếc xe trên những con đường làng nữa, mỗi lần vấp ngã tôi đều tự mình vín vào chiếc xe rồi đứng dậy đẩy xe đi tiếp. Đến 12 tuổi tôi mới buông tay ra khỏi chiếc xe ba bánh của mình, chập chững những bước đi dầu đời. 12 tuổi mới bở ngỡ bước vào trường tiểu học, bị bạn bè trêu chọc tôi mặc cảm về cơ thể không lành lặn, đã có lúc tôi nghỉ đến cái chết để kết thức cuộc đời mình. Nhưng khi tình cờ tôi được đọc một bài báo viết về hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng người chỉ có một ngón tay nhưng anh có một nghị lực sống rất mãnh liệt. Chính bài báo đó giúp tôi có niềm tin vào cuộc sống,  tôi nghỉ rằng một người như anh Hùng có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu,  mình còn may mắn hơn anh ấy thì mình cũng có thể làm được. Cứ suy nghỉ như thế tôi càng quyết tâm làm được cái gì đó để gia đình tự hào về mình, và tôi đã làm được điều kỳ diệu đó đã khiến gia đình phải tự hào về tôi. Bây giờ tôi ước làm được điều gì đó giúp quê hương tôi giàu đẹp hơn. Tôi tin với tình yêu thương vô bờ bên của mọi người dành cho tôi, tôi sẽ thực hiện được điều ước ấy, Và tôi còn tiến xa hơn nữa trên con đường chinh phục ước mơ. (Tôi đã dám ước mơ và thực hiện ước mơ của mình) và dù bạn ai cũng có quyền được ước mơ và thực hiện ước mơ của bạn. Hãy tự đứng lên đi tìm kiếm cơ hội để thực hiện ước mơ của mình đừng đợi chờ người khác đem cơ hội đến cho bạn. Hãy yêu chính bạn thân và yêu cuộc sống của bạn như tôi yêu bản thân mình và yêu cuộc sống của tôi…
Có người đã từng nói: “Ước mơ không phải là cái sẵn có, cái không thể có. Ước mơ giống như một con đường tiềm ẩn để người ta khai phá và vượt qua”. Khi sinh ra ai chẳng mong mình bình thường như bao người khác. Tôi cũng vậy. Thế mà ước mơ đó lại là ước mơ quá xa vời đối với tôi. Sinh ra tôi đã không may mắn như bao đứa trẻ khác bởi tôi là người khuyết tật. Không thể đứng vững như bao bạn bè cùng trang lứa, tay chân tôi không được bình thường, lời nói của tôi thì “méo mó” mọi người không nghe rõ. Nhưng tôi khao khát được đến trường như bao người khác, tôi phải xin gia đình mãi mới được đi học, mà đi học cùng với những đứa em ít tuổi hơn mình.Với tay chân của mình tôi không thể ngồi gọn vào bàn. Một mình tôi với một góc trong lớp học. Tôi chỉ là người được cho đi đến lớp học để biết cái chữ thôi chứ viết chẳng viết được,đọc cũng chẳng ra tiếng. Vì sức khoẻ tôi quá yếu tôi đành ngừng việc học của mình lại khi chưa hết lớp 7.

Thấy tôi không bình thường là chúng bạn cứ trêu không thương tiếc và không một chút suy nghĩ. Mỗi lần tôi đi hay tôi nói cái gì thì tôi được xem như là trò cười. Có đứa còn bắt chước cả cách đi, bóp miệng để nói giống giọng của tôi, trước sự ủng hộ của chúng bạn. Tất cảnhững điều đó cũng không làm tôi đau khổ bằng khi đứa em trai của tôi ra đời lại bị dị tật giống tôi. Gia đình tôi lại một nữa phải chịu thêm một cơn đau dằn vặt khi đứa em trai mới lọt lòng đã mang di chứng tật nguyền. Tôi nhìn thấy nỗi buồn, sự lo lắng trong mắt cha và nỗi u sầu trong lòng mẹ. Nhiều đêm vắng lặng tôi nghe tiếng ru em pha lẫn tiếng khóc của mẹ. Có nỗi đau nào hơn khi cha mẹ tôi là những người bình thường, không có dị tật gì. Thì tại sao khi sinh ra những đứa con lại phải chịu cảnh tật nguyền. Tiền trong nhà lần lượt đội nón ra đi cho những lần chữa bệnh cho tôi và em tôi. Nhà nghèo lại càng nghèo thêm, chỉ để đổi lấy được câu kết luận phũ phàng “di chứng chất độc da cam”. Niềm hi vọng bị dập tắt, cha mẹ tôi phải chấp nhận sự thật đắng cay ấy. Dù cha tôi không đi bộ đội nhưng ông nội tôi đã đi và nhiễm cái chất độc đó. Người ta bảo “nhìn nét mặt tôi đẹp lắm, nếu tôi không bị tật nguyền thì đẹp trai, cao to không khác gì cha tôi”. Tôi cười như niềm an ủi, nhìn về tương lai của mình. Có lúc tôi từng ước mơ tôi là người bình thường để giúp đỡ được gánh nặng cho bố mẹ. Làm được cái gì đó để giúp cho đứa em trai của mình nhưng rồi thực tại lại kéo tôi về mờ mịt. 20 tuổi rồi tôi vẫn còn là kẻ ăn bám chẳng thể làm được gì cho bố mẹ vui. Một đứa trẻ cũng xem thường tôi vẫn kêu tôi là thằng, xưng ngang bằng “tau – mi” với tôi.Tôi phải làm gì đó để thay đổi đời mình đây. Đã có lúc tôi nghĩ đến cái chết. Vì tôi cũng không thích gì cuộc sống lầm lũi, sống trong mặc cảm này. Và đơn giản tôi nghĩ nếu tôi chết cha mẹ tôi sẽ bớt gánh nặng. Nhưng tôi vẫn là niềm an ủi cho bố mẹ vì tôi vẫn còn may mắn hơn em tôi. Khi em đã 15 tuổi rồi mà em tôi vẫn như một đứa trẻ 1 tuổi,không biết no đói là gì và vẫn phải bồng bế, vẫn giật lên từng cơn mỗi khi nghe tiếng động mạnh, dù đó là tiếng chó sủa. Người ta bảo “em bị động kinh” tôi cũng chỉ biết thế. Tôi thương mẹ đến thắt lòng. Chăm tôi rồi giờ đến em tôi. Đã hơn mười lăm năm và không biết đến bao giờ. Bà không được một lần nghỉ ngơi, lúc nào cũng như có con mọn. Đã thế lúc bấy giờ mọi chế độ cho di tryền chất độc da cam của thế hệ thứ 3 không được chấp nhận. Nên chúng tôi cũng không có quyền lợi gì.
Đời mẹ như gắn với số khổ vậy. Có lẽ giờ tôi cũng không hình dung ra nổi bao nhiêu lần bố mẹ tôi đưa anh em tôi đến bệnh viện.Cái nghề nông đã bao vất vả lại còn vướng phải hai đứa con tật nguyền, giọt nước mắt của thằng đàn ông trong tôi cử chảy trên niềm bất lực không làm được gì. Vẫn ước mơ đổi đời, ước mơ được học một cái nghề phù hợp với mình để tự nuôi sống bản thân. Rồi cuộc sống đã mỉn cười khi có người giới thiệu trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Hà Tĩnh. Đó cũng là cơ hội cho tôi, hay chính xác hơn đó chính là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Ở đó tôi đã chọn nghề tin học, để học và theo đuổi nghề. Cùng là những con người chung cảnh ngộ có lẽ chúng tôi có sự đồng cảm hơn. Ai cũng có nỗi khổ, ai cũng có ước mơ, quyết tâm riêng của mình. Các bạn cũng hiểu với một người bình thường nếu ước mơ đó là một thì với một đứa trẻ tật nguyền như tôi là gấp mười vậy. Tôi đã cố gắng học, được sự dạy dỗ của các thấy cô trong trung tâm.Và có lẽ tôi có duyên với công nghệ thông tin nên tôi học rất nhanh. kết thúc khoá học tôi quyết định xin vào làm ở quán của người quen. Mặc cho bao ánh mắt dòm ngó, dị nghị nhìn tôi đi lại một cách lạ lẫm. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm với ước mơ của mình. Tôi phải xem người ta làm, học hỏi một chút kinh nghiệm về sữa chữa những lỗi của máy tính. Vì tôi đang cố gắng chịu khó để mở một cái quán nho nhỏ cho mình. Bởi chẳng ai muốn một người bị tật, nói năng không rõ như tôi vào làm việc cả. Khó khăn lại ập đến khi tôi quyết định mở quán “net” nơi quê nhà. Thật không dễ dàng gì về vốn và dị nghị của dân xung quanh, họ cứ nghĩ mở quán nét là xấu xa, là kéo bọn trẻ tiếp xúc với cái xấu. Đồng tình thì ít mà can ngăn thì nhiều ai ai cũng bàn lui. Cũng may nhờ sự quyết tâm và kiên trì của tôi và sự ủng hộ của bố mẹ mà tôi nghĩ con đường tôi chọn là đúng. Vì cuộc sống ngày càng phát triển, người ta dần dần cũng hiểu rằng internet còn phục vụ nhiều cái như xem tin tức, điểm thi,lấy tài liệu hay giải toán qua mạng…

Với vốn kiến thức tôi học được, tôi cũng sữa chữa được một số lỗi của máy tính.Ngoài ra tôi còn có sở thích viết báo, qua internet tôi có thể viết bài gửi các trang báo mạng, tôi còn cộng tác viên cho tạp chí đồng hành thanh niên khuyết tật Hà Nội. Công việc đó giúp tôi kiếm thêm thu nhập cho gia đình.Tôi cũng là một con người có trái tim biết yêu thương, nhưng ước mơ có một hạnh phúc cho mình có lẽ là quá cao xa vời, quá tầm tay với một người như tôi. Nhưng tôi đã yêu em, người con gái tôi gặp trong trường khuyết tật. Em không xinh đẹp về vẻ bề ngoài nhưng có tâm hồn sáng là người biết đồng cảm, sẻ chia mọi nỗi lòng của tôi. Khi công việc ổn định, tôi đã nói ý định là sẽ cưới em về làm vợ. Lúc đó mọi người không ai ủng hộ hay phản đối, mà chỉ im lặng rồi bảo tôi từ từ. Tôi hiểu hai chữ “từ từ” đó. Vì em cũng là người khuyết tật, cha mẹ, họ hàng lại sợ đó lại là gánh nặng cho cả nhà lại thêm một người tật nguyền. Tôi lại phải cố gắng làm việc và vạch ra kế hoạch là cưới em về cả 2 vợ chồng phải làm gì. Cuối cùng rồi bố mẹ cũng chấp thuận. Thế là một đam cưới giản dị của hai người khuyết tật được tổ chức. Đám cưới của tôi tổ chức không to nhưng cũng thành rầm rộ nhất làng. Bởi đây là lần đầu tiên trong làng có đám cưới của người khuyết tật. Nhiều người kéo đến xem. Chia vui cũng có, mà tò mò thì nhiều hơn. Nhìn tôi đi xiêu vẹo bên cô dâu lưng gù mà ai cũng rơi nước mắt. Mẹ khóc, các dì, các bác cũng rơm rớm nước mắt. Người đi xem cũng quyệt lau vội dòng nước mắt trước lời nói nghẹn ngào, xúc động của bố mẹ và họ hàng nhà gái. Đó là một đám cưới lịch sử của làng vì có nhiều nước mắt như vậy.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu “Nơi nào có tình yêu thương, nơi ấy ắt sẽ có điều kỳ diệu”.Và tôi đã ước chúng tôi sẽ có thiên thần.dường như thượng đế đã nghe được điều ước của tôi.Đã đêm điều kỳ diệu đến với chúng tôi sau gần hai năm thiên thần của vợ chồng tôi đã chào đời với sự vui mừng của cả làng, các bác sĩ kết luận cháu bé hoàn toàn bình thường không bị tật gì.Đó là một phần thưởng quý giá nhất mà ông trời đã ban tặng cho vợ chồng tôi.Nhìn con gái tôi lớn lên từng ngày tôi như quên hết những chuyện quá khứ không vui trước kia. Giờ tôi có thể ngẩng cao đầu đi cùng bạn bè mà không phải mang tâm lý tự ti như trước nữa.
Khi có thời gian, tôi vẫn tiếp tục đam mê viết bài gửi báo.Tuy những bài viết của tôi chưa được nhiều, nhưng trong mỗi bài viết của tôi có những nổi niềm với mong muốn mọi người hiểu nổi lòng của những người không may mắn như tôi, đồng cảm hơn với chúng tôi…Tôi đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc, vợ tôi thì bán hàng tạp hóa tại nhà, Còn tôi làm việc ở tiệm “Net”. Vợ chồng tôi mới bắt đầu bước đi trên còn đường đầy gian nan và thử thách,con đường ấy còn rất dài và nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng tôi tin rằng với lòng ý chí quyết tâm của mình, chúng tôi sẽ vượt qua con đường ấy.
Nhận thấy ở quê tôi còn nhiều người khuyết tật đang khao khát ước mơ thể hiện mình như tôi trước kia, nhưng ở quê chương trình hay trung tâm dạy  cho người khuyết tật. Vì vẫn tôi có một điều ước, sẽ cải tạo tiệm “net”thành một trung tâm dạy nghề  tin học cho những người khuyết tật tại quê nhà, để họ có thể tự mình vươn lên số phận làm người có ích.

Có một nhà văn đã viết “Số phận nghiệt ngã không làm gục ngã được một con người, nếu như ta có ý chí và lòngquyết tâm thì sẽ vượt qua tất cả.”Chính vì thế cử thôi thúc tôi phải chiếc thắng số phận vượt lên để  làm người có ích cho gia đình và xã hội. Đừng bao giờ gục ngã Cho dù số phận có nghiệt ngã đến đâu bạn nhé.Hãy cứ ước mơ, và thức hiện ước mơ. Tôi tin rằng bạn sẽ chạm tới uớc mơ của bạn.

Tác giả bài viết: Lê Thái Bình