Vừa qua, tại không gian chia sẻ S.hub, Samsung cùng với thư viện KHTH TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm đặc biệt với chủ đề “Công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và thế giới”.
Buổi tọa đàm trong khuôn khổ ngày hội “Hành trình truyền cảm hứng” nhằm tổng kết lại các hoạt động trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng của công ty điện tử Samsung trong năm vừa qua.
Khán giả của chương trình là các em học sinh, sinh viên đến từ các trung tâm, trường học trên khắp TP.HCM. Mỗi cá nhân các em mang trong mình những khuyết tật khác nhau nhưng nụ cười không tắt, sự cởi mở và cố gắng để có thể giao tiếp, sinh hoạt như một người bình thường khiến những người tổ chức chương trình không khỏi thán phục và xúc động.
Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi MC Khánh Vy – cô sinh viên không ngừng nỗ lực để khai phá hết khả năng của bản thân, khơi nguồn cảm hứng học hỏi cho các bạn trẻ và hai vị khách mời đặc biệt của chương trình là cô Dương Phương Hạnh – Giám đốc của trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính, và anh Đặng Hoài Phúc – Giám đốc trung tâm tin học Sao Mai.
Bản thân cô Phương Hạnh và anh Hoài Phúc đều là những người mang trên mình khiếm khuyết. Tuy nhiên, bằng ý chí và niềm tin rằng một người khuyết tật vẫn có thể sống và làm việc một cách độc lập, cả hai đều đã đạt được những thành công mà cả những người lành lặn cũng phải ngưỡng mộ.
Vì vậy, với hoạt động đặc biệt trong “Hành trình truyền cảm hứng” này, BTC mong muốn ngọn lửa tinh thần mạnh mẽ từ các diễn giả đó truyền đến các em học sinh, sinh viên và các quý vị phụ huynh có con em là những người khiếm khuyết.
Cô giáo của trường Hy Vọng đang dùng thủ ngữ để phiên dịch cho các em khiếm thính về nội dung buổi tọa đàm.
Những em học sinh khiếm thính chăm chú theo từng cử chỉ của cô giáo để nắm được tinh thần buổi tọa đàm.
Trong buổi tọa đàm, cô Phương Hạnh và anh Hoài Phúc chia sẻ với khán giả tại khán phòng câu chuyện cuộc đời của bản thân. Về những phút giây cả hai cảm thấy đó là những thời khắc đen tối nhất trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn mà bất kỳ người khiếm khuyết nào cũng gặp phải, họ đã đạt được thành công.
Cô Phương Hạnh chia sẻ về những cơ duyên đưa cô trở thành một người luôn dành hết tâm huyết nghiên cứu về phương pháp giáo dục cho người khiếm thính.
Để có được thành công như vậy, ngoài sự nỗ lực không ngừng từ bản thân cùng với ý chí mãnh liệt còn có sự giúp sức vô cùng đặc biệt của công nghệ khoa học tiên tiến. Những chiếc máy trợ thính, máy đọc sách hay những phần mềm nhận diện chữ viết, hỗ trợ khả năng đọc và học tập cho người khiếm khuyết. Anh Hoài Phúc – một người khiếm thị dạy tin học cho người mù và người khuyết tật chia sẻ rằng “chỉ cần các bạn nói lên nhu cầu của mình, tôi sẽ giới thiệu những phần mềm và ứng dụng phù hợp để các bạn có thể sử dụng. Thiết bị điện tử và công nghệ hiện nay đã rất thân thiện với người khuyết tật”.
Ngoài việc lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả, những người tham dự được khuyến khích chia sẻ ước mơ của mình, viết lên giấy và dán vào một tấm bảng nhiều màu sắc. Với người khiếm khuyết, ước mơ tưởng chừng như nhỏ bé nhưng với họ đó là những mơ ước vô cùng to lớn và rất đỗi chân thành. “Ước mơ của em là có một cái máy ghi âm để học”, “Em ước mơ sau này sẽ là một cô giáo dạy khuyết tật” hay chỉ đơn giản như “Có bộ đồ chơi búp bê”.
Kết thúc buổi tọa đàm, cô Phương Hạnh và anh Hoài Phúc đều có chung một lời khuyên với các bạn trẻ không may gặp khiếm khuyết, đó là “hãy tự tin về bản thân mình, cố gắng hết sức để làm điều mình mong muốn, tiếp tục ước mơ và làm việc hết mình để biến ước mơ của mình thành sự thật. Chỉ như vậy những người khuyết tật mới có thể vượt qua được chính mình, vươn lên tự tin mạnh mẽ và thành công”.
Cô Trang đang sinh hoạt ở hội người mù Quận 5 với ước mong cộng đồng sẽ hiểu và thông cảm nhiều hơn với những người khuyết tật.
Hưng (17 tuổi) đang học tại một trường chuyên đặc biệt với ước mơ có thể thành bác sĩ đông y để có thể chưa bệnh xương khớp cho mọi người. Hiện tại Hưng đang học thêm về đông y tại một cơ sở trên đường Hoàng Sa.
Long Quân (11 tuổi) với ước mơ được trồng hoa. Em nói ở trường em được học toán, tiếng Việt, đạo đức và tự nhiên xã hội
Anh Vĩnh Phước với bài hát “Khát vọng” nói thay cho ý chí của những người không may mang trên mình khiếm khuyết.
Kết thúc buổi tọa đàm, các khán giả của chương trình còn có những trải nghiệm tuyệt vời khác về nghệ thuật và công nghệ. Kết hợp cùng với tổ chức Save Sơn Đòong, Samsung đã tài trợ không gian và thiết bị cho phép người tham dự được tham quan vào bên trong hang động đẹp nhất Việt Nam, động Sơn Đòong. Những em bé cũng như các bạn trẻ lần đầu tiên được chiêm ngưỡng và cảm nhận không gian thực tế ảo thông qua chiếc kính VR của Samsung đã không giấu nổi sự ngạc nhiên thích thú. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời nhất khi mang được thế giới quan đầy màu sắc đến cho những người khiếm khuyết.
Các em gái trong trường Hi Vọng trải nghiệm trải nghiệm khám phá hang động Sơn Đòong bằng kính thực tế ảo VR.
Đội ngũ tình nguyện viên tận tình hướng dẫn cách sử dụng kính thực tế ảo cho những người tham gia trải nghiệm.
Bên cạnh đó, nhóm tình nguyên viên của Toa Tàu đã mang đến cho các em nhỏ một trải nghiệm mới về nghệ thuật. Với những trò chơi độc đáo liên quan đến màu sắc và hình khối, các em có thể được tiếp xúc và thể hiện được bản thân qua tác phẩm của các danh họa trên thế giới.
Đối với các em khiếm thị, trải nghiệm máy đọc, nghe truyện, xem các chương trình giải trí hoặc các bài giảng dạy tại phòng đọc thiếu nhi là một trải nghiệm tuyệt vời. Điều này giúp các em hiểu được có rất nhiều các công cụ hữu ích giúp đỡ cho các em trên con đường học tập, nghiên cứu để các em cảm thấy mình không còn lạc lõng và khó khăn trong việc học.
Ngày hội “Hành trình truyền cảm hứng” và buổi tọa đàm “Công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và thế giới” đã thực sự mang đến những trải nghiệm thú vị cho cả những người không may mang trên mình khiếm khuyết hay những người bình thường khác. Tất cả đều có chung một niềm tin và một mong muốn rằng xã hội sẽ luôn thân thiện và rộng mở vòng tay với những người khiếm khuyết, cũng như những người khuyết tật sẽ luôn cố gắng để sống có ích và cống hiến hết mình giống như tất cả mọi người.